Thứ bảy, 07/09/2024 | 23:36 - GMT+7

Chế tạo xe phun thuốc trừ sâu tự hành điều khiển từ xa: Sản phẩm thiết thực

Các nhà khoa học của Phân Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa tại TP HCM đã chế tạo thành công xe phun thuốc trừ sâu có khả năng tự hành với điều khiển từ xa, được ứng dụng cho các ruộng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

14/03/2022 - 11:28
Trong canh tác lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, phun thuốc trừ sâu là một trong những công đoạn quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, phương thức phun thuốc chủ yếu được người nông dân sử dụng vẫn là bình xịt. Việc sử dụng bình xịt để phun thường không đảm bảo đúng liều lượng thuốc và đặc biệt là gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người phun.
Xuất phát từ thực trạng này, TS. Trần Viết Thắng và các cộng sự của Phân Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa tại TP HCM đã nghiên cứu và chế tạo thành công hai loại xe phun thuốc vừa có giá thành hợp lý, vừa đảm bảo tính năng kỹ thuật phù hợp với các ruộng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.
Sau 18 tháng nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học Phân Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa tại TP HCM đã chế tạo thành công xe di động phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa PSRV-60 có tốc độ di chuyển từ 2 - 3 km/h, năng suất đạt 2 ha/giờ. Xe có thể điều khiển từ xa với phạm vi sử dụng 250m.
Chia sẻ chi tiết về cấu tạo của xe, TS. Thắng cho biết, xe phun thuốc PSRV-60 có cấu tạo 3 bánh với 2 bánh đường kính lớn dẫn động và 1 bánh nhỏ ở sau, trọng lượng máy (không bao gồm trọng lượng thuốc và xăng) khoảng 80 kg. Xe có dung tích bồn chứa lên tới 60 lít và chiều dài càng phun đạt 8m, sử dụng cơ cấu truyền động là hộp số và tải xích. “Xe phun thuốc PSRV-60 được trang bị máy bơm áp lực 1.8 HP, đạt tốc độ phun 60 lít/7 phút, tương đương phun được diện tích 2.000 m2 chỉ trong 7 phút. Đáng chú ý, xe chỉ tiêu thụ 0,5 – 0,7 lít nhiên liệu mỗi giờ, góp phần giảm chi phí nhiên liệu cho người nông dân” – TS. Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Thắng, xe phun thuốc trừ sâu PSRV-60 có chức năng điều khiển từ xa cho ruộng lúa nước có mức nước ngập tới 40cm và mức bùn tới 35cm. Đặc biệt, xe có thể tự hành theo trục thẳng. Khi xe tới gần bờ đối diện, người sử dụng có thể điều khiển (bằng tay) quay xe để di chuyển theo chiều ngược lại.
Xe phun thuốc trừ sâu PSRV-60 sử dụng máy bơm áp lực 1.8 HP và bộ điều khiển từ xa chuẩn truyền thông không dây IEEE- 802.15.4 (ZigBee/ Lora) (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu còn chế tạo thành công xe di động phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa PSRV-120 có tốc độ di chuyển, cấu tạo và phạm vi sử dụng tương tự như xe phun thuốc PSRV-60. Tuy nhiên, so với PSRV-60, xe PSRV-120 có kích thước và một số tính năng vượt trội hơn. Cụ thể, xe phun thuốc trừ sâu  PSRV-120 đạt năng suất 3 ha/giờ, tốc độ phun đạt 120 lít/9 phút (tương đương 3.000 m2/9 phút). Cũng sử dụng cơ cấu truyền động là hộp số và tải xích giống như xe PSRV-60, xe PSRV-120 có trọng lượng máy (không kể trọng lượng thuốc và xăng) là 110 kg, dung tích bồn chứa là 120 lít với chiều dài càng phun lên tới 12 mét.
“Xe phun thuốc trừ sâu PSRV-120 có thể điều khiển từ xa cho ruộng lúa nước có mức nước ngập tới 40 cm và mức bùn tới 15 cm. Quan trọng hơn, mặc dù có kích thước lớn hơn xe PSRV-60 nhưng xe không làm nát luá khi di chuyển” - TS. Thắng cho hay.
Xe phun thuốc trừ sâu tự hành PSRV-120 (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ, cả hai xe phun thuốc trừ sâu PSRV-60 và PSRV-120 đều đã được thực nghiệm trên ruộng lúa tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Quá trình thực nghiệm cho thấy, cả hai xe phun thuốc hoạt động đạt các yêu cầu đề ra. Mặc dù trong quá trình thử nghiệm đã xuất hiện một số sai số khi vận hành kỹ thuật nhưng đã nhanh chóng được hiệu chỉnh và thử nghiệm lại. “Sau quá trình thử nghiệm, hai xe chế tạo hoàn toàn có khả năng đưa vào thực tế khai thác” - TS. Thắng khẳng định.
Với nhiều ưu điểm như tiêu tốn ít năng lượng, giá thành rẻ, dễ vận hành mà không làm nát lúa, xe phun thuốc trừ sâu do nhóm tác giả của Phân Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa tại TP HCM Máy chế tạo hoàn toàn có thể được sử dụng cho các hộ nông dân hoặc cơ sở dịch vụ bảo vệ thực vật, qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang, tại địa phương, nông dân sử dụng trên 7.600 tấn thuốc bảo vệ thực vật/năm; trên 1.000 người tham gia phun thuốc trừ sâu với phương tiện bảo hộ lao động không đầy đủ, hoạt động phun xịt gây tiêu tốn rất nhiều chi phí về thuốc nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu chế tạo và đưa vào ứng dụng máy phun thuốc trừ sâu có định lượng, có độ bền, độ tin cậy và tuổi thọ cao, giá thành hợp lý là yêu cầu cấp thiết. 
Hà Nguyễn

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 5
  • 5
  • 7
  • 0
  • 5
  • 6
  • 2