Thứ sáu, 26/04/2024 | 17:42 - GMT+7

Đầu tư công nghệ cao: ‘Chìa khóa’ phát triển ngành dệt may

Nhờ ứng dụng công nghệ tự động hóa cũng như công nghệ thông tin, ngành dệt may đã nâng cao năng suất, cũng như giảm số người lao động cho doanh nghiệp.

04/03/2021 - 11:31
Dệt may đang là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế.  Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nhờ đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam đã cải thiện được năng suất, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính.
Ngành dệt tự động hóa và đồng bộ các thiết bị sản xuất. (Nguồn: Internet)
​Có thể thấy, doanh nghiệp dệt may đã bắt nhịp khá tốt với CMCN 4.0 khi đã ứng dụng tự động hóa cũng như ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều trong thời gian qua. Quá trình này đã nâng cao về năng suất, tốc độ cũng như giảm số người lao động cho doanh nghiệp. 
Nếu theo công nghệ cũ để cho ra đời thành phẩm một chiếc quần jean mất 13 phút thì nay với công nghệ lập trình trên máy chỉ cần chưa tới 10 giây để tạo ra một sản phẩm. Công nghệ tự động hóa được kết nối trên nền tảng internet đang dần thay thế người lao động tại các dây chuyền sản xuất trong nhà máy và trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may.
Ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng cho biết, ngay từ khi CMCN 4.0 nổi lên với công nghệ tự động hóa, Công ty đã nhanh chóng áp dụng tự động hóa sản xuất và đồng bộ hóa các thiết bị. Theo đó, việc đầu tư hệ thống thiết bị mới đã thay thế được vị trí của 800 công nhân. Theo tính toán, trung bình 1 máy laser sử dụng công nghệ tự động, công nghệ cao trong may mặc có thể thay thế được 49 công nhân may thủ công. Điều này cũng dễ hiểu khi ngân hàng thế giới đưa ra ước tính các thay đổi công nghệ có thể thay thế 85 triệu việc làm trong 5 năm tới.
Chia sẻ thêm từ góc độ doanh nghiệp, ông Dương khuê – Tổng giám đốc công ty cổ phần dệt may Phong Phú cho biết, Công ty đã ứng dụng công nghệ vào việc quản lý, vận hành. Theo đó, nhờ việc ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp đã thu được những lợi ích rất đáng kể. 
“Việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ tự động trong quá trình sử dụng đã giúp các sản phẩm tạo ra giảm thiểu được rủi ro, sai sót do thao tác của công nhân, nâng cao chất được chất lượng sản phẩm và đặc biệt giúp khách hàng có thể truy xuất được các dữ liệu quá khứ, hiện tại và đoán được dữ liệu sản xuất trong tương lai.” – Ông Dương khuê nhấn mạnh.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trong xu thế toàn cầu, các công ty thuộc mọi quốc gia trên thế giới muốn tồn tại và phát triển và để hút khách hàng ngày càng đòi hỏi cao về năng suất và chất lượng. Do đó, các doanh nghiệp phải chấp nhận cạnh tranh lẫn nhau và đưa chất lượng vào nội dung quản lý vận hành.
Theo phân tích của ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch hội Dệt may, thêu đan TP.HCM, nếu không có được năng suất và chất lượng tốt đảm bảo các quy định về quản lý thì sản phẩm ngành dệt may của Việt Nam sẽ không đảm bảo được cạnh tranh, khó giữ được khách hàng và thị trường.
Đối với ngành dệt may, đây là bài học rất lớn, nếu không chuyển đổi kịp thời trong thời gian qua, sẽ không thể tăng trưởng tốt. “Cách đây 4 - 5 năm, khi các khách hàng từ Hoa Kỳ và châu Âu có xu thế dịch chuyển sang các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh - những quốc gia rất đông dân, có lực lượng lao động dồi dào và thu nhập người lao động thấp hơn Việt Nam. Chúng tôi phát hiện thấy rằng, nếu tại thời điểm đó, tiếp tục sử dụng phương án cạnh tranh bằng lao động giá hợp lý thì không thể duy trì được sự phát triển của dệt may Việt Nam” - ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay.
Có thể nói, không có một kỹ năng nào của cá nhân người lao động có thể bù lại được tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN). Tiến bộ KH&CN có thể làm giảm số lượng lao động trên một đơn vị sản phẩm, làm cho giá trị lao động ở mỗi đơn vị sản phẩm giảm đi từ 5-10 lần tùy vào loại hình sản phẩm. Nói cách khác, không có ai có thể tăng năng suất lên 10 lần như năng suất kỹ thuật. Chính vì vậy, thời gian qua, vai trò của KH&CN nói chung và công nghệ tự động hóa trong ngành dệt may nói riêng đã trực tiếp xây dựng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Trong năm 2020, dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu may mặc vẫn tăng 3,3% so với cùng kỳ. Hiện, có 30% doanh nghiệp lớn ngành dệt may ứng dụng công nghệ tự động hóa cho từng công đoạn trong sản xuất. Trong đó, nhiều đơn vị triển khai công nghệ tự động hóa kết nối giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất từ đó hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh chi phí lao động trong nước và giá nhập khẩu nguyên phụ liệu ngày càng tăng.
Hương Linh

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 5
  • 4
  • 9
  • 8
  • 4