Thứ tư, 17/04/2024 | 04:17 - GMT+7

Ngành dệt may cần chủ động thay đổi để thích ứng thời kì 4.0

Dưới tác động của dịch Covid-19, ngành dệt may cần chuyển đổi nhanh cơ cấu mặt hàng, từ các mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

02/12/2020 - 09:34
Liên tục trong hơn chục năm trở lại đây, ngành dệt may duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu 2 con số, thậm chí năm cao điểm 2018 đạt kỷ lục 17%, nhưng kịch bản tăng trưởng năm 2020 của ngành dệt may không thể giữ được do tác động từ đại dịch Covid-19. Số liệu thống kê chỉ ra, 11 tháng năm 2020, xuất khẩu dệt may, xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu đã chứng kiến mức giảm mạnh, với kim ngạch  31 tỷ USD, sụt giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Dưới tác động của dịch Covid-19, ngành dệt may cần chuyển đổi nhanh cơ cấu mặt hàng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa. 
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) cho biết, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu khiến các chuỗi cung ứng đứt gãy, cầu hàng hoá sụt giảm. Các quốc gia đóng cửa ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành kinh tế trong đó có dệt may. Mặc dù thừa nhận, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm nay giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục, nhưng ông Lê Tiến Trường khẳng định, mức giảm của dệt may Việt Nam không lớn như các quốc gia khác.
“Đặc biệt là trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%, nhiều quốc gia có sản phẩm cạnh tranh vẫn đang được hỗ trợ bởi đồng tiền của các quốc gia đó giảm giá so với đồng USD, trong khi đồng Việt Nam giữ giá so với đồng USD khiến hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đắt hơn so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác”, ông Trường phân tích.
Đến thời điểm hiện tại, dự báo được ngành dệt may đưa ra là tổng trị giá xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 33,5-34 tỷ USD, giảm khoảng 14-15% so năm 2019, nhưng cao hơn dự báo hồi tháng 4/2020 với kim ngạch dự kiến chỉ đạt từ 30-31 tỷ USD.
Trước những khó khăn lớn từ đại dịch Covid-19, trong năm 2020, các doanh nghiệp dệt may đã tập trung năng động, thực hiện triển khai chuyển đổi nhanh cơ cấu mặt hàng, từ các mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh như chuyển từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, liên quan tới phát triển ngành dệt may, phát biểu tại cuộc làm việc để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may, da giày Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như đại dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, ngành dệt may tăng cường áp dụng kinh tế số, công nghệ số, tiếp cận ngành thời trang thế giới; tận dụng hiệu quả hơn nữa các FTA, phát triển mở rộng ngành nguyên liệu, tăng giá trị gia tăng; đồng thời chú trọng mô hình khu công nghiệp dệt may, nhuộm... Thủ tướng cũng nhắc tới việc các địa phương phải chú trọng để có các khu công nghiệp dệt may hiện đại, thân thiện môi trường; chú trọng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn…
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may cần tiếp tục có thêm các giải pháp mới, nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Đồng thời khai thác và mở rộng thị trường nội địa; chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA)...
Theo: VietQ.vn

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 5
  • 7
  • 2
  • 0
  • 8