Sáng 30/11, tại Trường Đại học Công nghệ thông tin (CNTT) – Truyền thông Việt Hàn (Đà Nẵng) diễn ra phiên khai mạc Hội thảo quốc tế lần thứ 12 về Trí tuệ nhóm (12th International Conference on Computational Collective Intelligence - ICCCI) năm 2020.
ICCCI là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia về công nghệ thông tin trao đổi thông tin về các vấn đề trí tuệ nhóm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn Hội thảo quốc tế ICCCI được sáng lập, chủ trì bởi GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành (Đại học Bách Khoa Wrocław, Ba Lan) và được tổ chức lần đầu tiên tại TP. Wroclaw, Ba Lan vào năm 2009. Qua 11 lần tổ chức luân phiên tại nhiều quốc gia, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, Hội thảo đã được tổ chức bằng phương thức trực tuyến tại 4 điểm cầu gồm Trường Đại học Bách Khoa Wrocław, Ba Lan, Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Văn phòng KOICA Việt Nam – Đại sứ quán Hàn Quốc, và Trường Đại học CNTT-Truyền thông Việt Hàn.
Trong 4 ngày diễn ra Hội thảo (từ 30/11 – 3/12), các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học về công nghệ thông tin sẽ cùng trao đổi các vấn đề về trí tuệ nhóm, các phương pháp tính toán thông minh dựa trên máy tính và các ứng dụng trong các lĩnh vực: xử lý dữ liệu và tri thức từ các nguồn độc lập, đặc biệt là xử lý tập thể, công nghệ tri thức và web ngữ nghĩa, ra quyết định nhóm, hệ thống đa tác tử, điện toán đồng thuận, hệ thống đề xuất và phân tích mạng xã hội. Từ đó, đưa ra các đề xuất, các sản phẩm ứng dụng các nghiên cứu này vào thực tiễn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là góp phần vào giải quyết các vấn đề nóng của thế giới như Covid -19.
Trong chuỗi hội thảo ICCCI có sự tham dự của các giáo sư đầu ngành đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu uy tín trên thế giới về công nghệ thông tin cũng như trí tuệ nhóm, trình bày các vấn đề về tính ứng dụng thực tiễn của công nghệ thông tin, các xu hướng phát triển của công nghệ thông tin. Ngoài ra, ICCCI còn có sự hỗ trợ chuyên môn của của Ủy ban kỹ thuật của IEEE SMC về trí tuệ nhóm và đội ngũ chuyên gia có uy tín đến từ Ba Lan, Đài Loan, Rumani, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Síp, Đức, Anh Quốc và Pháp.
Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, năm nay, ICCCI được tổ chức theo phương thức trực tuyến tại 4 điểm cầu Trước đó, ngày 27/11, tại trường Đại học CNTT – Truyền thông Việt Hàn đã diễn ra Hội thảo Khoa học quốc gia về Công nghệ thông tin (CNTT) và ứng dụng trong các lĩnh vực – CITA 2020 với sự tham gia của khoảng 120 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đối số.
Với chủ đề “Thông tin & Chuyển đổi số”, các đại biểu tham dự CITA 2020 đã cùng trao đổi về ứng dụng của công nghệ thông tin vào chuyển đổi số, áp dụng vào từng lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, tập trung vào tính ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blcokchain), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), Internet kế nối mạng vật (IoT), mạng di động thế hệ thứ 5 (5G), điện toán đám mây… tạo ra các sản phẩm trong tất cả các lĩnh vực y tế, du lịch, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp chế biến – chế tạo, giáo dục – đào tạo, giao thông, xây dựng, an ninh, quốc phòng….
Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là quá trình số hóa trong lĩnh vực kinh tế. Theo GS.TS Nguyễn Thanh Thủy (Trường Đại học Công nghệ Hà Nội), Việt Nam đang nỗ lực để thích ứng với CMCN 4.0 với nền tảng kỹ thuật số, vì vậy, Chính phủ, các Bộ ngành dành sự quan tâm rất lớn đến công nghệ nền tảng để số hóa nền kinh tế. “Ở góc độ quốc gia, Chính phủ, các địa phương đã có sự quan tâm xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh, cổng thông tin dữ liệu quốc gia…; đã có kế hoạch quốc gia, chương trình quốc gia về chuyển đổi số, và sắp tới là chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia”, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy nói và cho rằng, vì vậy, nhiệm vụ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học công nghệ thông tin là phải làm sao phát triển được những công nghệ nền tảng, hình thành được những công cụ lưu trữ dữ liệu lớn (Big Data) để tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm cho người sử dụng.
CITA được khởi xướng từ năm 2012 và duy trì tổ chức thường niên đến nay. Qua 9 lần tổ chức, CITA đã trở thành một diễn đàn khoa học uy tín về công nghệ thông tin tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nơi quy tục và kết nối các nhà khoa học về công nghệ thông tin và ứng dụng trong cả nước. Cũng theo GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, một nghiên cứu công nghệ thông tin quan trọng nhất là phải tạo ra được sản phẩm có thể ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống và có giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. “Chúng tôi kỳ vọng CITA không chỉ góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn phát triển kinh tế miền Trung – Tây Nguyên, mà còn rộng hơn là trong cả nước”, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy nói.
Theo Báo Công Thương