Thứ năm, 28/03/2024 | 15:14 - GMT+7

Xác định tiêu chí dự án công nghệ cao rõ ràng, thuận lợi

Theo VCCI, qui định xác định tỷ lệ % dựa trên tổng doanh thu thuần của dự án cần được xem xét lại.

02/10/2020 - 08:48
Bộ Khoa học và Công nghệ đang xin ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN ngày 15/11/2011 về việc “xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao… (gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, các tiêu chí xác định đưa ra cần qui định rõ ràng, dễ thực hiện và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Liên quan đến tiêu chí chi phí, Dự thảo đưa ra qui định, chi phí hoạt động ứng dụng công nghệ cao được thực hiện tại Việt Nam của dự án, phải thuộc một trong các trường hợp: Dự án có quy mô vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên và tổng số lao động của dự án trên 300 người thì chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 0,5% tổng doanh thu thuần của dự án; dự án không thuộc trường hợp trên thì chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu thuần của dự án.
Theo VCCI, qui định xác định tỷ lệ % dựa trên tổng doanh thu thuần của dự án cần được xem xét lại. Bởi theo phản ánh của các doanh nghiệp, khi hoàn thành một sản phẩm để đưa ra thị trường, chi phí nghiên cứu và phát triển có thể cố định, khi mở rộng sản xuất, tăng doanh thu nếu vẫn áp dụng tính tỷ lệ % cứng như trên (0,5% hoặc 1%) dựa trên tổng doanh thu thuần thì nhiều khả năng dự án sẽ không đáp ứng được điều kiện. Điều này có thể dẫn đến cản trở nhà đầu tư khai thác hiệu quả công nghệ của dự án đầu tư và hạn chế nhà đầu tư mở rộng sản xuất hoặc tham gia liên kết với các nhà sản xuất khác để chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất. Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc sửa đổi theo hướng, chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được tính trên phần giá trị gia tăng tại Việt Nam, tức là được tính trên doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào là nguyên liệu sản xuất (nhập khẩu hoặc mua trong nước).

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Ảnh minh họa)
Đối với tiêu chí môi trường, tiết kiệm năng lượng của dự án công nghệ cao, Dự thảo quy định “áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng "tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành”. Ở nội dung này, trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn, qui chuẩn Việt Nam, nhưng chỉ chi là áp dụng “tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành” là còn chung chung, chưa đủ rõ ràng, gây khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn vì doanh nghiệp sẽ không biết tiêu chuẩn nào để so sánh áp dụng. Để đảm bảo tính minh bạch, VCCI cho rằng, cần quy định cụ thể các tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành (chẳng hạn, đối với tiêu chí về môi trường, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn quốc tế ISO 14000 hoặc tiêu chuẩn tương đương; về tiêu chí tiết kiệm năng lượng, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 hoặc các tiêu chuẩn tương đương).
Đối với chi phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao của dự án, Dự thảo quy định “phí bản quyền, li-xăng theo hợp đồng chuyển giao được ứng dụng trong dự án và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ” được xem là chi phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao của dự án. Quy định này được hiểu, phí bản quyền, li-xăng chỉ được tính vào chi phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao khi hợp đồng chuyển giao đã thực hiện thủ tục đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký theo quy định.
Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, trên thực tế một số dự án đầu tư vào khu công nghệ cao, được hưởng ưu đãi theo địa bàn vì vậy không thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ để được hưởng ưu đãi theo diện cấp giấy chứng nhận này. Đối với các trường hợp này, theo Dự thảo, phí bản quyền, li-xăng theo hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ không được tính vào chi phí hoạt động ứng dụng công nghệ, trong khi thực tế có phát sinh chi phí bản quyền, li-xăng. Điều này có thể không tạo thuận lợi và có thể phát sinh thủ tục cho các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị quy định theo hướng các trường hợp trên doanh nghiệp cũng sẽ được tính phí bản quyền, li- xăng vào chi phí hoạt động ứng dụng công nghệ.
Theo Báo Công Thương

Cùng chuyên mục

Bổ sung 4 nền tảng số quốc gia phục vụ Chuyển đổi số Việt Nam

28/02/2024 - 08:32

Theo danh mục nền tảng số quốc gia lần 2 được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành để thay thế cho danh mục công bố lần 1, có 4 nền tảng được bổ sung gồm: Hóa đơn điện tử, Bảo hiểm Xã hội số, Cảng biển số và Cửa khẩu số. Với 4 nền tảng được bổ sung, tổng số danh mục nền tảng số quốc gia phục vụ Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số gồm 38 nền tảng.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 3
  • 9
  • 9
  • 8
  • 2
  • 5
  • 8