Chủ nhật, 12/05/2024 | 08:18 - GMT+7

Công nghệ năng lượng mặt trời thúc đẩy tăng trưởng xanh

Ngày 12/10/2017, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Giải pháp công nghệ năng lượng mặt trời cho tăng trưởng xanh”.

13/10/2017 - 14:32

Ngày 12/10/2017, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Giải pháp công nghệ năng lượng mặt trời cho tăng trưởng xanh”. Hội thảo do công ty Solar Electric Việt Nam (SEV) và ABB phối hợp tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước đến từ Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam; Ban Xúc tiến thương mại và đầu tư - Đại sứ quán Úc; Ngân hàng Thế giới, Tổ chức GIZ, UNDP... và đông đảo doanh nghiệp quan tâm.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã giới thiệu các kinh nghiệm, mô hình phát triển năng lượng mặt trời; các công nghệ có thể áp dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đã đặt câu hỏi về tiềm năng kinh tế thực sự của điện mặt trời tại Việt Nam; suất đầu tư cho dự án; những khó khăn khi phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam...

Quang cảnh hội thảo (Nguồn: Báo Công Thương)

Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực những năm gần đây. Sự phát triển là kết quả của quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, sự đổi mới cải cách cũng như gia tăng dân số đi kèm với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, sự phát triển cũng kéo theo nhu cầu sử dụng điện ở Việt Nam tăng cao với mức tăng trưởng khoảng 10-11%.

Mức tiêu thụ điện tại các ngành công nghiệp chiếm khoảng 53-60% sản lượng điện sản xuất ra, mức tiêu thụ của các hộ gia đình khoảng 35-40%.

Để đáp ứng nhu cầu này buộc Việt Nam phải phát triển và đa dạng các nguồn cung, trong đó ứng dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, sinh khối... đang được coi là giải pháp hữu ích, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Theo nghiên cứu của Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, Việt Nam có đủ tiềm năng thuận lợi hơn so với các nước trong khu vực với tổng lượng bức xạ trung bình từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2 (tương đương khoảng 49 tỷ TOE - tấn dầu quy đổi). Số giờ nắng trong năm tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên vào khoảng 2.000-2.600 giờ; khu vực Nam bộ là 2.200-2.500 giờ. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình 4,9-5,7 kWh/m2/ngày. Đây chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên sạch, dồi dào để chuyển hóa thành điện năng, đáp ứng mục tiêu của Việt Nam đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Mặt khác, nếu khai thác tối đa các tiềm năng này, không chỉ mang lợi ích về kinh tế mà còn giảm thiểu tác hại đến môi trường, đáp ứng mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững cũng như các cam kết quốc tế về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia quốc tế khẳng định, cơ hội phát triển điện mặt trời là rất lớn bởi với công nghệ hiện nay, cùng sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất sẽ giúp chi phí đầu tư giảm xuống đáng kể. Bên cạnh đó, các dự án năng lượng mặt trời cũng đang nhận được sự quan tâm của một số định chế tài chính lớn.

Minh Trang

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 3
  • 9
  • 4
  • 7
  • 6
  • 2