Thứ ba, 30/04/2024 | 10:10 - GMT+7

Ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến

Bắc Kạn có tiềm năng lớn về chế biến nông - lâm sản. Trong đó, bảo quản và chế biến thành thực phẩm là thế mạnh đang được định hình.

27/09/2017 - 09:12

Bắc Kạn có tiềm năng lớn về chế biến nông - lâm sản. Trong đó, bảo quản và chế biến thành thực phẩm là thế mạnh đang được định hình. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn gặp nhiều lúng túng trong việc tìm công nghệ phù hợp, với giá cả hợp lý. Công nghệ sinh học là lời giải thỏa đáng về lâu dài nhưng hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong những năm gần đây, công nghệ sinh học đã thực sự trở thành công cụ không thể thiếu, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng, trình độ của các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, y tế, công tác bảo vệ môi trường và một số lĩnh vực khác. Đối với Bắc Kạn dù rằng đầu tư khoa học công nghệ còn khiêm tốn nhưng lĩnh vực công nghệ sinh học đã có những thành tựu bước đầu. Cụ thể là việc nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào (Invitro). Điều đó đã tạo tiền đề cho việc giải quyết khâu tạo cây giống các loại cây trồng đặc sản đủ số lượng bảo đảm chất lượng. 

Sự phát triển và ứng dụng hiệu quả các dự án nghiên cứu khoa học đã góp phần tạo nên vùng trồng quýt, hồng không hạt, gạo Bao thai Chợ Đồn, dong riềng và các sản phẩm miến dong. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến nông sản của Bắc Kạn mới chỉ tiếp cận với dong riềng. Chưa có một nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học nào trong công nghiệp chế biến trong khi với những nông sản nói trên thì điều này có tính quyết định. 

Thực tế, trước đây không ít người dân đã ứng dụng công nghệ sinh học đơn giản trong bảo quản quả mơ hoặc cam, quýt khi dùng nước ozon và cho hiệu quả rõ rệt. Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn cũng đầu tư dây chuyền thiết bị ứng dụng công nghệ dùng Enzim β glucosidaza để sản xuất nước mơ tươi từ quả mơ lông. Một thời gian đầu, sản phẩm Nectamơ Bắc Kạn được thị trường đón nhận nhưng không duy trì được lâu dài. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến nông sản là điều Bắc Kạn có lợi thế và cần được quan tâm đầu tư. 

Nghiên cứu nuôi cấy mô tế bào thực vật (Invitro) tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật Bắc Kạn.

Ví dụ điển hình là đối với hồng không hạt. Dù là đặc sản, giá trị cao nhưng do thời vụ ngắn trong khi lại không bảo quản được đã khiến cây hồng chưa phát huy hết tiềm năng kinh tế. Quả hồng lại phải ngâm mới ăn được cũng tạo ra nhiều bất lợi trong khâu tiêu thụ. Sản phẩm quýt Bắc Kạn cũng trong thế khó bảo quản lâu dài nên dễ bị ép giá. Giải bài toán đó chỉ có thể là công nghệ sinh học rồi từng bước chế biến thành nhiều sản phẩm từ nguyên liệu hoa quả. 

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Khiêm- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn cho biết, công nghệ sinh học không chỉ có tác dụng đối với công nghiệp chế biến mà còn trong rất nhiều lĩnh vực khác như phát triển nông nghiệp; bảo vệ môi trường. Hiện tại ở tỉnh ta cũng đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ sinh học ứng dụng vào công nghiệp chế biến. Đó là các nghiên cứu dùng chế phẩm sinh học bảo quản tinh bột dong riềng; chế biến bã thải dong riềng, xử lý nước thải sau chế biến dong riềng… Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản hoa quả là điều cần thiết, dù tốn kém vẫn phải đầu tư vì chỉ có như vậy mới nâng cao được chuỗi giá trị.

Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020. Theo đó, đối với công nghệ vi sinh, tạo ra và hoàn thiện các quy trình công nghệ, thiết bị lên men vi sinh ở quy mô vừa và nhỏ để sản xuất, chế biến thực phẩm; ứng dụng các công nghệ sinh học để sản xuất thử nghiệm sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp các chế phẩm vi sinh… Công nghệ enzym và protein nghiên cứu tạo ra và hoàn thiện các quy trình công nghệ, thiết bị ứng dụng công nghệ enzym ở quy mô vừa và nhỏ để sản xuất, chế biến thực phẩm (các loại đường, tinh bột, bia rượu, nước chấm, nước giải khát và các nông, lâm, thuỷ, hải sản khác); thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, hoá chất, nguyên liệu hoá dược, nhiên liệu sinh học, hàng tiêu dùng... bảo đảm chất lượng ổn định và có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Như vậy, từng bước tiếp cận và ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến là điều cần quan tâm nhiều hơn. Trước mắt, phải xây dựng được quy trình ứng dụng bảo quản nông sản, sản phẩm nông sản. Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn, trong kế hoạch hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học công nghệ, UBND tỉnh đã xác định phát triển công nghệ sinh học là chương trình quan trọng. Trong đó, giao các đơn vị xây dựng đề án ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến; lĩnh vực nông nghiệp và trong bảo vệ môi trường. Với việc triển khai xây dựng những đề án trên thì chắc chắn trong tương lai công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến của Bắc Kạn sẽ có nhiều khởi sắc, góp phần nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, mũi nhọn kinh tế của tỉnh./.

Theo Báo Bắc Kạn

Cùng chuyên mục

Sản phẩm công nghệ cao, công nghệ xanh cho người tiêu dùng và sản xuất

26/04/2024 - 08:32

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Trung tâm Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị (Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia) phối hợp Hội Tự động hóa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, Hội Kinh tế số, Chi hội Doanh nhân xúc tiến thương mại quốc tế tổ chức “Triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh lần đầu được giới thiệu đến người tiêu dùng và cho sản xuất.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 9
  • 3
  • 1
  • 5
  • 9