Thứ ba, 21/05/2024 | 13:32 - GMT+7

Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu Việt Nam 2016 (Hanoitex 2016)

Từ ngày 2 -4/11/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu Việt Nam 2016 (Hanoitex 2016)

04/11/2016 - 08:54

Từ ngày 2 -4/11/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu Việt Nam 2016 (Hanoitex 2016). Đây là sự kiện thường niên được tổ chức 2 năm một lần, là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư vào công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất lao động, thân thiện với môi trường và sẵn sàng đón nhận cơ hội từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương mang lại.

Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu Việt Nam 2016 thu hút 171 doanh nghiệp đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… So với kỳ triển lãm năm 2014, Hanoitex 2016 có số lượng doanh nghiệp tham gia tăng mạnh. Điều này chứng tỏ thị trường dệt may của Việt Nam đang rất hấp dẫn.

Khai mạc Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị và nguyên phụ liệu 2016. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Phát biểu khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, triển lãm sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cơ hội lựa chọn các loại thiết bị công nghệ hiện đại được sản xuất từ các nước tiên tiến. Qua đó, định hướng đầu tư thêm công nghệ mới nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và có thêm nguồn nguyên phụ liệu, đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần phát triển ngành dệt may Việt Nam trong hội nhập.

Chia sẻ tại triển lãm, ông Nguyễn Văn Tiếp – Phó Giám đốc Công ty TNHH Phồn Thịnh – TAE GWANG còn khẳng định: Sau nhiều năm tổ chức, Hanoitex ngày càng hấp dẫn và có chuyển biến về chất. Lượng máy móc, thiết bị phục vụ ngành dệt may qua mỗi triển lãm ngày một hiện đại, tiết kiệm năng lượng và giá thành hợp lý hơn. Sự đa dạng phong phú này cũng giúp doanh nghiệp sản xuất dễ dàng chọn lựa được công nghệ phù hợp với khả năng.

Hanoitex 2016 thu hút 171 doanh nghiệp tham gia. Ảnh: Báo Công thương.

Tại triển lãm, các doanh nghiệp tham gia đã giới thiệu các mặt hàng như thiết bị sợi, dệt, nhuộm; dây chuyền may thuê tự động, máy đo và cắt vải tự động; phần mềm thiết kế, nguyên phụ liệu, vải, sợi...; các giải pháp công nghệ ngành dệt may của các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may. HanoiTex 2016 cũng sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may khu vực miền Bắc có thêm những thông tin và cơ hội tiếp cận các công nghệ sản xuất mới nhất.

HanoiTex 2016 diễn ra trong bối cảnh ngành Dệt May Việt Nam đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt, tình trạng khan hiếm đơn hàng xảy ra khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD trong năm 2016 khó đạt được. Trước những khó khăn đó, ngành Dệt may Việt Nam đã nỗ lực không ngừng, giữ vững vị trí là một trong những nhà xuất khẩu dệt may uy tín trong khu vực và trên thế giới, tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Các doanh nghiệp tham gia triển lãm. Ảnh: Báo Nhân dân.

Được biết, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt 21,11 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2015. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có mức tăng trưởng từ 3,5 - 11% so với cùng kỳ năm trước. 

“Năm 2016 đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng là năm mở ra cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nhiều cơ hội để tự nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới với năng suất cao, chất lượng tốt và thân thiện với môi trường. Tìm được nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu phù hợp để thực hiện chiến lược phát triển bền vững của toàn ngành và sẵn sàng đón nhận cơ hội từ các Hiệp định thương mại song phương, đa phương mang lại. Đây là mục tiêu HanoiTex 2016 kỳ vọng hướng tới”, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết.

Còn theo ông Hoàng Vệ Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, năm 2017 tiếp tục là năm cạnh tranh gay gắt và khó khăn. Vì vậy ngành dệt may Việt Nam đã đặt ra định hướng tập trung cho các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho công nghệ nhằm tìm kiếm thêm thị trường, nâng cao năng lực sản xuất. Cùng đó, đẩy mạnh năng lực dịch vụ từ chào hàng đến giao hàng nhằm đáp ứng yêu cầu cùa nhà nhập khẩu và tăng sức cạnh tranh.

Minh Trang

 

Cùng chuyên mục

Triển lãm quốc tế về Điều khiển và tự động hóa lần thứ 7

10/05/2024 - 08:19

Triển lãm trưng bày hàng trăm sản phẩm, giải pháp công nghệ, sản phẩm thành quả của áp dụng khoa học công nghệ đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các sở, ngành, các viện, trường và các hội tự động hóa địa phương...

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 4
  • 5
  • 7
  • 5
  • 0
  • 5