Thứ bảy, 05/10/2024 | 13:05 - GMT+7

Thanh Hoá: Tăng cường các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số năm 2024

Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu 25% hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây trong năm 2024.

08/01/2024 - 08:22
Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu 25% hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây trong năm 2024.
Năm 2024, mục tiêu chung của tỉnh Thanh Hoá tiếp tục duy trì và hoàn thiện hạ tầng, phát triển các hệ thống thông tin, dữ liệu mở, CSDL dùng chung và chuyên ngành tạo nền tảng phát triển Chính quyền số bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề ra các giải pháp trọng tâm:
Một là, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, đẩy mạnh công tác truyền thông về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Thực hiện đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền như: xây dựng chuyên mục, phóng sự, hội thảo, hội nghị, các giải pháp truyền thông hiện đại để tuyên truyền rộng rãi các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của tỉnh; nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Trung tâm Giám sát - điều hành thông minh tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: VOV)
Bên cạnh đó, ứng dụng các kênh truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ Chính phủ số; đưa nội dung đào tạo kỹ năng số vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học; ứng dụng các nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân; ứng dụng các nền tảng, kênh tương tác trực tuyến giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp; phổ cập điện thoại thông minh đến mọi người dân.
Hai là, phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp thủ tục hành chính (TTHC) với phát triển Chính quyền số; rà soát các TTHC, quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số; rà soát loại bỏ một số TTHC, quy trình nghiệp vụ khi ứng dụng công nghệ số. 
Đồng thời, chuẩn hóa kiến thức cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) các cơ quan nhà nước theo khung chương trình bồi dưỡng về ứng dụng CNTT và an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về CNTT do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn; Tăng cường phối hợp với các tập đoàn Viễn thông, CNTT để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, chuyên sâu về kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức. 
Ba là, nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ, sản phẩm CNTT phục vụ xây dựng Chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số. Tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với một số tỉnh, thành phố về cơ chế, chính sách phát triển chính quyền số. Chủ động hợp tác với các Tập đoàn viễn thông và CNTT để triển khai hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại.
Bốn là, thu hút nguồn lực CNTT, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đa dạng hóa nguồn lực để phát triển chính quyền số; tăng cường thực hiện giải pháp thuê dịch vụ CNTT. Ưu tiên bố trí đầu tư công để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, cơ sở dữ liệu, nền tảng số, các ứng dụng dịch vụ của tỉnh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Năm là, tăng cường hợp tác trong và ngoài nước: chủ động hợp tác về chuyển đổi số; tổ chức hội thảo, chương trình hợp tác, huy động nguồn lực, đào tạo cán bộ, chuyên gia về chuyển đổi số. Học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ số, nhất là với các đối tác có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến và có chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác với tỉnh; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thanh Hóa là địa phương sớm banh hành Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.
Tố Uyên

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 6
  • 0
  • 9
  • 1
  • 7
  • 1
  • 7