Ngày 9 tháng 11 năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 3853/QĐ-UBND ban hành Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số (Bộ chỉ số chuyển đổi số) là cơ sở để theo dõi, đánh giá khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các ngành, địa phương. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức tại các ngành, địa phương trong công tác xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số. Bộ chỉ số chuyển đổi số đượ xây dựng còn nhằm mục đích góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị Quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đối tượng áp dụng Bộ chỉ số chuyển đổi số bao gồm các sở, ban, ngành cấp tỉnh (gọi chung là cấp sở); UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện); UBND các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã). Trong đó, Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp sở gồm 02 nhóm, có 06 chỉ số chính, 41 chỉ số thành phần, thang điểm 1.000. Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp huyện gồm 02 nhóm, có 08 chỉ số chính, 63 chỉ số thành phần, thang điểm 1.000. Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp xã gốm 02 nhóm, có 08 chỉ số chính, 56 chỉ số thành phần, thang điểm 1.000.
Bộ chỉ số chuyển đổi số là cơ sở để theo dõi, đánh giá khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các ngành, địa phương. (Ảnh minh họa: Báo Thanh Hóa)
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Bộ chỉ số chuyển đổi số được xây dựng phù hợp với định hướng và mục tiêu Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về phê duyệt Đề án "Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia". Cùng với đó, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế và đánh giá thực chất, khách quan kết quả triển khai chuyển đổi số hằng năm của các ngành, địa phương.
Việc đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số phải bảo đảm tính khoa học, công khai, khách quan, minh bạch, phản ánh đúng thực trạng chuyển đổi số tại các ngành, địa phương; đồng thời cho phép các cơ quan, đơn vị tự đánh giá và đối chiếu với kết quả đánh giá thông qua việc công khai phương pháp đánh giá, cách tính điểm đối với các nội dung đánh giá.
Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc hướng dẫn, đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các ngành, địa phương theo đúng quy định. Theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện sau đánh giá; phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn các ngành, địa phương có thứ hạng thấp để khắc phục những tồn tại, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng dự toán kinh phí, đưa vào kế hoạch ngân sách chi hằng năm của Sở Thông tin và Truyền thông; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các chỉ số chuyển đổi số; cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, số liệu, tài liệu kiểm chứng về mức độ chuyển đổi số của ngành, địa phương theo đúng thời gian qui định. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc kiểm tra, xác minh số liệu và đánh giá mức độ chuyển đổi số của ngành, địa phương.
Chủ tịch UBND cấp huyện đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số hằng năm đối với UBND cấp xã thuộc phạm vi quản lý; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh về kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của ngành, địa phương.
Hà Nguyễn