Thứ năm, 02/05/2024 | 20:16 - GMT+7

Doanh nghiệp Thủ đô kích hoạt chuyển đổi số

Đứng trước mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác đang không ngừng đẩy mạnh số hóa quản lý và kinh doanh.

23/03/2023 - 11:09
Kích hoạt chuyển đổi số kinh tế tập thể
Trong thời gian qua, nhất là kể từ khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, các hợp tác xã tại Hà Nội đã tiếp cận chuyển đổi số theo mô hình kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với nhu cầu thị trường. Nhiều hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ cao để sản xuất, kiểm soát chất lượng đầu ra, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Chuyển đổi số góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hợp tác xã Hoàng Long ở xã Tân Ước (huyện Thanh Oai, Hà Nội) với chuỗi chuồng trại nuôi lợn sinh học là một trong những hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi của Hà Nội. Hợp tác xã có 4.180 đầu con lợn, 100% đàn lợn là giống gen của Pháp, giống tốt có năng suất, chất lượng cao. Trên diện tích hơn 22.000m2, có hơn 9.000m2 được xây dựng chuồng trại.
Các dãy chuồng nuôi được xây từ 1 đến 3 tầng để tiết kiệm tối đa diện tích chăn nuôi, với đầy đủ hệ thống làm ấm về mùa đông và làm mát mùa hè. Lợn ở đây được nuôi theo quy trình chăn nuôi sinh học, trong các chuồng đều đã có hệ thống xử lý mùi hôi. Mặc dù chăn nuôi vài nghìn con lợn nhưng khu vực chăn nuôi vẫn sạch sẽ, thoáng mát. Hợp tác xã đã đem lại công việc thường xuyên cho 10 thành viên với mức lương bình quân là 7,5 triệu đồng/tháng.
Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh túi vải xuất khẩu Thu Cường ở xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) hiện nay đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 120 lao động tại địa phương. Để có được sự phát triển này, Tổ hợp tác Thu Cường đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh.
Theo bà Lê Thị Thu - Chủ nhiệm Tổ hợp tác Thu Cường, ban đầu tổ hợp tác sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún thủ công, sản phẩm còn mang tính truyền thống, những mẫu mới giàu tính sáng tạo, có công năng sử dụng tốt chưa nhiều tạo sự đơn điệu nhàm chán nên hiệu quả sản xuất còn chưa cao. “Để khắc phục tình trạng trên, tôi thiết nghĩ cần có sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức sản xuất tại các làng nghề hiện nay bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trên cơ sở vẫn giữ được các yếu tố văn hóa truyền thống trong sản phẩm”, bà Lê Thị Thu cho biết.
Với quy mô ban đầu được trang bị 9 máy bằng một kim điện tử và 1 máy ép, đến nay tổ liên kết đã trang bị 27 máy bằng một kim điện tử và 5 máy ép, từng cơ sở tự lo doanh thu nhưng khi xuất hiện mặt hàng mới hoặc tìm kiếm được đối tác mới các cơ sở đều chung sức. Hiện nay, ngoài lực lượng chủ lực tại xưởng tổ liên kết còn giải quyết việc làm cho 42 hộ khác gia công tại nhà, thu nhập 150.000 đồng/ngày/hộ.
Nhờ cùng nhau sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ túi vải xuất khẩu, Tổ hợp tác Thu Cường ngày càng phát triển, tăng thu nhập cho người lao động và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Từ con số ban đầu chỉ có 25 người, giờ đây Tổ hợp tác Thu Cường đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 120 lao động và chủ yếu lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tiến Phong - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội tại tọa đàm “Phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong xây dựng mô hình Hợp tác xã/Tổ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội”, thì kinh tế tập thể của Thành phố đang dần ổn định, tiếp tục phát triển theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ. Các mô hình hợp tác xã kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều.
Một số hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho cán bộ, người lao động; tham gia, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối; xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi. Nhiều hợp tác xã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất Vietgap, hữu cơ, đã đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể. Đến nay, Hà Nội đã hình thành nhiều hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi số đang là xu thế được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Là một doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, Công ty thương mại và dịch vụ Anh Anh chuyên gia công đồ gỗ đa năng trên địa bàn Hà Nội đã ngay lập tức mua phần mềm quản lý doanh nghiệp để điều hành kinh doanh. Bà Trần Thị Thắm, chủ doanh nghiệp cho biết, hiện công nhân và nhân viên của toàn công ty mới có 15 người, nhưng để quản lý tốt ngay từ đầu, công ty không ngại bỏ ra hơn 200 triệu để mua phần mềm vận hành quản lý.
“Hàng nghìn doanh nghiệp hiện vẫn đang làm việc không có quy trình, quy chuẩn, dẫn đến tình trạng công tác nội bộ yếu kém, quy trình giữa các phòng ban rời rạc, không có cách nào kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp lạm dụng công cụ facebook, zalo, viber, và dùng excel, email,... để trao đổi và giao việc khiến cho nhà quản lý thường xuyên bị lỡ các thông tin quan trọng, không nắm được tổng quan tình hình công việc, phản ứng chậm khi vấn đề phát sinh. Vì vậy, dù là doanh nghiệp nhỏ chúng tôi vẫn quyết định đầu tư cho phần quản trị để hệ thống hóa tất cả các quy trình làm việc”, bà Trần Thị Thắm chia sẻ.
Tương tự, còn hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang tiến hành số hóa trong quản lý kinh doanh, số hóa quy trình sản xuất tại doanh nghiệp. Nhiều đơn vị cho rằng, chuyển đổi số không khó, nhưng chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ nhu cầu chuyển đổi số cho ngành của mình và phải lên kế hoạch, chọn đúng đối tác, nhà tư vấn; triển khai vận hành cho hiệu quả.
Nhằm giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh, cũng như tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh trong giai đoạn này, thành phố Hà Nội đã có chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, phát triển kinh tế số quốc gia nhanh và bền vững.
Ủy ban nhân dân Thành phố vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch "Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025". Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Khoảng 90.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập được nhận hỗ trợ từ Kế hoạch như sử dụng các tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo kiến thức về chuyển đổi số; hỗ trợ tư vấn; cung cấp các nền tảng chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí thuê, mua giải pháp chuyển đổi số. 100% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử. Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số thông qua phát triển mạng lưới đối tác, gồm tổ chức, cá nhân tư vấn chuyển đổi số và doanh nghiệp cung cấp nền tảng số xuất sắc trong từng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Với việc ban hành quyết này, hy vọng rằng thời gian tới các mô hình kinh tế của Thủ đô sẽ tăng sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững hơn nữa./.
Theo Báo Lao động

Cùng chuyên mục

Hơn 500 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn và Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á lần 3

22/04/2024 - 08:40

Từ ngày 17/4 đến 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Exporum Việt Nam phối hợp cùng Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số đồng tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế Đô thị thông minh châu Á - Smart City Asia 2024 lần 3 với chủ đề Công nghệ Số và Công nghệ Xanh trong phát triển đô thị thông minh.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 3
  • 1
  • 4
  • 0
  • 9
  • 3