Thứ năm, 25/04/2024 | 23:15 - GMT+7

Ngành Công Thương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiếp cận 4.0

Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030.

02/06/2021 - 08:21


Việc ứng dụng các công nghệ mới cùng với quá trình chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thiết lập được một hệ thống sản xuất, kinh doanh có tính linh hoạt, hiệu quả cao và tạo ra những bước phát triển đột phá. Theo đó, một trong những vấn đề trọng tâm trong hoạt động khoa học và công nghệ của ngành Công Thương đó là hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo nhận định của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), phát triển sản xuất thông minh là hướng đi tất yếu, đặc biệt khi Việt Nam mong muốn trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như từng bước hình thành và dẫn dắt các chuỗi cung ứng. Để làm được điều này, đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng các công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) vào trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Phát triển sản xuất thông minh là hướng đi tất yếu (Ảnh: Quỳnh Nga)
Không chỉ là vấn đề nâng cao hiệu quả hay chất lượng sản phẩm, dịch vụ, việc ứng dụng các công nghệ còn mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc tạo ra những giá trị hoàn toàn mới bằng việc hình thành những sản phẩm, dịch vụ mới, thậm chí những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Chúng ta có thể nhìn thấy không ít các ví dụ thành công cho câu chuyện này trên thực tế như mô hình vận tải của Uber hay Grab…
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát, đánh giá mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 dựa trên bộ chỉ số đánh giá của Hiệp hội công nghiệp chế tạo của Đức, do Bộ Công Thương thực hiện vào năm 2017 - 2018 cho thấy, về cơ bản, các doanh nghiệp có mức tiếp cận thấp ở tất cả các khía cạnh về chiến lược và cơ cấu tổ chức/vận hành thông minh/nhà máy thông minh/sản phẩm thông minh/dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu và người lao động.
Trong đó, những điểm yếu nhất của các doanh nghiệp chính là việc thiếu những chiến lược, kế hoạch cụ thể trong tiếp cận với cuộc CMCN4.0, đặc biệt là các nội dung về đầu tư, đổi mới công nghệ gắn với ứng dụng các công nghệ mới; các doanh nghiệp gần như chưa chưa có các sản phẩm thông mình, do đó, các dịch vụ dựa trên dữ liệu cũng rất hạn chế.
Khảo sát cũng cho thấy, các mô hình quản trị doanh nghiệp, công nghệ chủ yếu từ cuộc CMCN 4.0 được áp dụng ở mức độ hết sức khiêm tốn, ví dụ như công nghệ in 3D, nhận dạng bằng sóng vô tuyến, bigdata chỉ ở mức 2%; 3% với trí tuệ nhân tạo, định vị thời gian thực... Phần mềm điện toán đám mây có mức độ doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất (15%), tuy nhiên mức độ khai thác và sử dụng phần mềm này cũng rất khác nhau tại các doanh nghiệp…
Trước tình hình đó, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã dành nhiều nguồn lực và tập trung triển khai hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ theo xu hướng của cuộc CMCN 4.0. Đây sẽ là những đòn bẩy, cú hích quan trọng để giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp này.
Chia sẻ cụ thể về các hoạt động hỗ trợ cuả Bộ Công Thương, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết: Để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, những ưu tiên triển khai của Bộ Công Thương trong thời gian qua đã tập trung nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp khi tham gia vào cuộc CMCN 4.0.
Đầu tiên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo hiểu biết và nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, đặc trưng, cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đối với doanh nghiệp ngành Công Thương. Trong giai đoạn đầu, các hội thảo/diễn đàn ở quy mô lớn đã được tổ chức, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức chung của cấp lãnh đạo, quản lý và doanh nghiệp về cuộc CMCN 4.0. Trên cơ sở những nhận thức đầy đủ về CMCN 4.0, các đơn vị đã đi vào triển khai những chương trình và kế hoạch cụ thể nhằm tiếp cận với cuộc cách mạng này.
Bên cạnh đó, thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về CMCN 4.0, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, xây dựng các mô hình thí điểm về nhà máy thông minh trong ngành Công Thương. Bộ Công Thương đã chủ động lồng ghép triển khai các nhiệm vụ, dự án hỗ trợ doanh nghiệp trong các chương trình khoa học và công nghệ hiện có của Bộ.
Một số mô hình điển hình như: Hỗ trợ xây dựng và áp dụng module quản lý theo dõi sản xuất cho dây chuyền sản phẩm LED và điện tử tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; hệ thống giám sát, điều hành sản xuất trực tuyến (module quản lý năng lượng và bảo trì bảo dưỡng) tại Công ty Bia Sài Gòn - Hà Nội; dự án ứng dụng bản đồ số để quản lý và cung cấp thông tin ngành da - giày Việt Nam; hệ thống điều khiển tự động cho thiết bị chiết xuất cao dược liệu đáp ứng công nghiệp 4.0; hệ thống giám sát chất lượng tự động trong quá trình sản xuất giấy bao bì công nghiệp tại Công ty CP Giấy Vạn Điểm…
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất trong bối cảnh và yêu cầu của cuộc CMCN 4.0; tiếp tục hợp tác với tổ chức KOSEN - Nhật Bản để thí điểm mô hình đào tạo kỹ sư thực hành trong các trường của Bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành: Điện tử công nghiệp, cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử.
Cùng với đó, Bộ cũng đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doah nghiệp cung cấp, tư vấn công nghệ, chuyển đối số trên thế giới, nhằm kế thừa và tận dụng nhanh chóng thành tựu và kết quả phát triển của các quốc gia đi trước.
Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển CMCN 4.0, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số tiếp tục là định hướng ưu tiên của Bộ trong xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ trong thời gian tới. “Đặc biệt, để triển khai Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/1/2021, Bộ Công Thương đang tập trung hoàn thiện Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2030, trong đó, tập trung vào việc phát triển, ứng dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào trong các ngành sản xuất công nghiệp, thúc đẩy hình thành và phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao” - ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh.
Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030. Các nội dung của Đề án được đánh giá là những giải pháp có tính chiến lược trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030 cũng như việc hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong giai đoạn tiếp theo.
Theo: Kinh tế Viêt Nam

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 4
  • 8
  • 5
  • 1
  • 2