Thứ tư, 08/05/2024 | 08:32 - GMT+7

Thúc đẩy các sáng kiến Chính phủ điện tử

Các sáng kiến Chính phủ điện tử đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết để khôi phục tăng trưởng kinh tế đất nước sau những ảnh hưởng của COVID-19.

01/06/2020 - 08:23
Cải thiện môi trường kinh doanh
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Đại học RMIT Việt Nam, triển khai tốt chính phủ điện tử ở cấp quốc gia và địa phương không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng niềm tin của người dân mà còn có lợi cho ngân sách nhà nước. Chỉ riêng Cổng dịch vụ công quốc gia ước tính sẽ giúp tiết kiệm hơn 4.200 tỷ đồng/năm.
Theo báo cáo gần đây của Liên Hiệp quốc và Ngân hàng Thế giới, những quốc gia áp dụng chính phủ điện tử hiệu quả thường cũng có môi trường kinh doanh khỏe mạnh. Đây là một chỉ số cạnh tranh quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao, có khả năng tạo hiệu ứng lan tỏa như chuyển giao công nghệ và quy trình quản lý hiện đại.
Đảng và Chính phủ đã coi việc triển khai Chính phủ điện tử rộng khắp từ trên xuống làm một trong những nhiệm vụ quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Các báo cáo gần đây cho thấy, việc triển khai Chính phủ điện tử được thực hiện rất nghiêm túc tại nhiều khu vực và thành phố. Ví dụ, theo UBND TP. Hà Nội hiện có 1.818 dịch vụ công trực tuyến, từ phường, xã cho đến quận, huyện, sở, ngành. Trong đó, 82% số thủ tục ở cấp độ 3 và 4.
Theo TS. Trung, kinh nghiệm tại một số quốc gia áp dụng thành công Chính phủ điện tử như Hàn Quốc, Singapore cho thấy điều này sẽ tạo ra những thay đổi tích cực khác như giảm tham nhũng và minh bạch kinh doanh.
Chìa khóa tới Chính phủ 4.0
Mô hình họp Quốc hội trực tuyến vừa qua đã cho thấy những lợi ích của Chính phủ 4.0.
Tháng 8/2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và ban hành Nghị quyết 17/NQ-CP vào tháng 3/2019 nhằm chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. 
Một số dự án lớn gần đây có thể kể đến gồm hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet) ra mắt vào tháng 6/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia triển khai vào tháng 12/2019. Hay như thời gian qua Quốc hội đã triển khai họp trực tuyến rất thành công. Mô hình này đã cho thấy những lợi thế như tạo điều kiện cho các đại biểu hoàn thành nhiệm vụ kép tại TW và địa phương, tiết kiệm NSNN và còn đem lại những tác động tới môi trường, xã hội như giảm việc đi lại gây ra ô nhiễm, hạn chế tắc đường...
Tuy vậy, để thực sự tạo lợi thế cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong đầu tư nguồn lực cho phát triển chính phủ điện tử. Kinh nghiệm ở các quốc gia khác cho thấy, các nhóm yếu tố tạo nên thành công của chính phủ điện tử gồm: năng lực quản trị, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và đặc điểm kinh tế - xã hội.
Đảng và Chính phủ đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, với yêu cầu tập trung cao độ nhằm nhanh chóng đưa Việt Nam tới mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng, sáng tạo và công bằng. Nhiệm vụ này càng bộc lộ tính cấp bách của nó trong bối cảnh đất nước đang cần những giải pháp cấp bách để kích thích phát triển kinh tế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, TS. Trần Phạm Khánh Toàn nhận định.
Thùy Trang

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 3
  • 6
  • 7
  • 0
  • 5
  • 5