Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:05 - GMT+7

Cơ hội mới cho ngành tự động hóa Việt Nam

Vài năm trở lại đây, mặc dù Việt Nam được đánh giá là một thị trường mới nổi, nhưng theo khảo sát từ Frost & Sullivan, thị trường tự động hóa (TĐH) của Việt Nam sẽ có trị giá 184,5 triệu USD vào 2021 khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hướng đến xu hướng này.

24/05/2020 - 09:14
Tại Hội thảo về ngành tự động hóa tổ chức vào cuối năm 2019, bà Shermine Gotfredsen – Tổng Giám đốc Công ty Universal Robots (UR) khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực tập trung vào việc phát triển các sáng kiến và ban hành pháp luật để đẩy nhanh quá trình tự động hóa. Trong những nỗ lực này có Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011–2020, hướng đến năm 2025, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế và đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, ưu tiên vào tầm quan trọng của robot công nghiệp và tự động hóa công nghệ cao.
Phát biểu của bà Shermine Gotfredsen không phải là không có cơ sở. Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của JLL Việt Nam về triển vọng của ngành TĐH, hiện nay, tại nhiều trường đại học kỹ thuật của Việt Nam, các chương trình đào tạo trực tiếp hoặc gián tiếp đều có các môn liên quan đến ngành TĐH. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai có rất nhiều chương trình nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ (KHCN).
Bên cạnh đó, nghiên cứu của JLL Việt Nam cũng cho thấy, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã quan tâm đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay. Điều này sẽ ngày càng rõ hơn khi Việt Nam không ngừng tham gia vào các hiệp định thương mại song phương và đa phương tầm khu vực và quốc tế...
Hình ảnh nhà máy sữa Vinamilk sử dụng robot cho quá trình vận chuyển và đóng gói sản phẩm (Ảnh: Bảo Lan)
Theo Tổng Giám đốc của JLL Việt Nam Stephen Wyatt, đóng góp quan trọng vào việc thu hút nguồn lực cho ngành TĐH ở Việt Nam chính là những điều chỉnh kịp thời trong các quy định của Nhà nước và các hiệp định thương mại quốc tế đã có các tác động đáng kể đến thị trường công nghiệp. Cùng với đó, nhận định việc mở rộng còn được hỗ trợ mạnh mẽ bởi sự cải thiện nhanh chóng của mạng lưới đường cao tốc và các cảng nước sâu kết nối các trung tâm công nghiệp và hậu cần thông qua dịch vụ logistic. Ông Stephen Wyatt cũng cho rằng, lợi thế từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mặc dù mang hiệu ứng ngắn hạn nhưng cũng đã kéo theo sự dịch chuyển đến thị trường mới của các nhà sản xuất đang có chiều hướng gia tăng, góp phần khiến cho ngành TĐH của Việt Nam có thêm nhiều cơ hội trong thời gian tới.
Ông Stephen Wyatt lý giải, thứ nhất, hơn 26 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết hoặc đang được đàm phán đến thời điểm này sẽ không chỉ giúp giảm tối đa hàng rào về thuế quan mà còn góp phần thúc đẩy bình đẳng hóa thị trường, cũng như củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Ngoài ra, yếu tố thứ hai chính là môi trường kinh doanh thuận lợi được thiết lập với sự xuất hiện của các đặc khu kinh tế cùng nhiều ưu đãi về thuế. Hai yếu tố trên đóng vai trò là chất xúc tác để thúc đẩy các nhà đầu tư chọn Việt Nam là thị trường hướng đến.
“Sự hỗ trợ bởi Chính phủ, các FTA và sự hình thành đặc khu kinh tế, tất cả góp phần giúp Việt Nam trở thành một trung tâm công nghiệp, với một nền tảng của ngành TĐH được ứng dụng mạnh mẽ nhất của Đông Nam Á”. Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cho hay.
Tuy nhiên, theo JLL, khía cạnh quan trọng nhất để phát triển ngành TĐH và làm gia tăng sự thay đổi của thị trường, cũng như góp phần tăng trưởng kinh tế vĩ mô, chính là nhu cầu quỹ đất công nghiệp để các nhà đầu tư “đủ” điều kiện “cần” cho việc mở rộng quy mô sản xuất công nghiệp.
Trong khi đó, bà Shermine Gotfredsen cũng cho rằng, “nhu cầu của ngành TĐH đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam, khi các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ tiên tiến và robot để duy trì lợi thế cạnh tranh. Hơn nữa, Chính phủ đã đưa cuộc công nghiệp 4.0 trở thành ưu tiên hàng đầu, phát triển các kế hoạch hành động để thúc đẩy việc áp dụng công nghệ tự động mới và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.
Do vậy, để ngành TĐH của Việt Nam tận dụng được tối đa những lợi thế và phát huy các tiềm năng sẵn có, đòi hỏi các ngành công nghiệp liên quan như công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, công nghiệp điện gia dụng, đóng tàu, giải trí… phải cùng đồng hành phát triển.
Theo Báo quốc tế

Cùng chuyên mục

Cần chính sách đột phá phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

22/04/2024 - 08:40

Theo các chuyên gia, để nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, cần có cơ chế, chính sách đột phá như: Hỗ trợ học phí, các ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo...

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 5
  • 3
  • 0
  • 4
  • 8