Thứ năm, 02/05/2024 | 06:08 - GMT+7

Bước tiến mới trong lĩnh vực chế tạo thiết bị điện của Việt Nam

Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) đã chế tạo thành công MBA 3 pha 500kV - 467MVA đầu tiên cho Nhà máy thuỷ điện Sơn La. Trước đó, EEMC cũng đã chế tạo thành công MBA 1 pha 500kV, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chế tạo được MBA 500kV. Những thành tựu này có thể xem là bước tiến mới trong lĩnh vực chế tạo thiết bị điện của Việt Nam, có tác động và ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của ngành KT-XH và đất nước.

25/09/2019 - 16:07

Vừa qua, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) đã xuất xưởng máy biến áp 3 pha 500kV - 467MVA đầu tiên sau hơn 3 năm nghiên cứu, chế tạo cho nhà máy thuỷ điện Lai Châu và Sơn La.

Trước đó, năm 2010, EEMC đã chế tạo thành công máy biến áp 1 pha 500kV,  đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á và là một trong 12 quốc gia trên thế giới chế tạo được MBA 500kV. Những thành tựu này có thể xem là bước tiến mới trong lĩnh vực chế tạo thiết bị điện của Việt Nam, có tác động và ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của EEMC, của ngành kinh tế - xã hội và đất nước. 

Máy biến áp 1 pha 500kV, 3 trụ ngâm trong dầu, làm việc ngoài trời do EEMC chế tạo.

Yêu cầu cấp bách

Nhà máy thủy điện Sơn La là công trình thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á với công suất lắp đặt 2.400MW, gồm 6 tổ máy (6 tổ x 400 MW). Tháng 8 năm 2012, tổ máy thứ 6 cũng là tổ máy cuối cùng của nhà máy được đưa vào vận hành. Với yêu cầu về an ninh năng lượng cũng như đảm bảo phát điện liên tục của nhà máy, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận thấy việc đầu tư 01 máy biến áp nguồn dự phòng cho nhà máy là hết sức cấp bách. Năm 2016, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao EEMC thực hiện chế tạo máy biến áp nguồn ba pha 500kV. 

Được biết, tại thời điểm năm 2013, toàn bộ các máy biến áp nguồn ba pha 500kV-467MVA của Nhà máy thủy điện Sơn La đều được nhập khẩu và có cấu hình tương đương với các máy biến áp nguồn của Nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ được đưa vào vận hành những năm tiếp theo. Như vậy, sau khi Nhà máy Thủy điện Lai Châu được đưa vào vận hành, sẽ có tổng số 9 máy biến áp nguồn ba pha 500kV-467MVA. 

Mặc dù vậy, hiện nay, rất ít nước trên thế giới có công nghệ chế tạo dòng máy biến áp nguồn 3 pha điện áp siêu cao áp công suất lớn. Tại Việt Nam, EEMC là đơn vị đã từng sản xuất máy biến áp 500kV nhưng chỉ là máy biến áp 1 pha và là dòng máy truyển tải. 

Tập trung nguồn lực, vượt qua thách thức

Nhận thức việc thực hiện chế tạo máy biến áp nguồn ba pha 500kV vừa là một vinh dự vừa là một thách thức to lớn, EEMC đã sớm chủ động chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ phục vụ quá trình sản xuất. 

Năm 2015, đơn vị đã hoàn thành đầu tư nhà xưởng có diện tích 2000m2, chiều cao 30m đạt tiêu chuẩn sản xuất máy 500kV, đồng thời hoàn thành đầu tư cầu trục tải trọng 320 tấn đảm bảo điều kiện sản xuất. Bên cạnh đó, EEMC cũng đầu tư mới hệ thống thí nghiệm, hệ thống máy quấn dây, máy cắt tôn silic cnc với giá trị trên 100 tỷ đồng nhằm kịp thời hoàn thiện, đáp ứng tiến độ sản xuất máy 500kV – 467MVA. 

Về công tác thiết kế, EEMC đã chủ động hợp tác với đơn vị tư vấn từ Cộng hòa Liên Bang Nga trong việc thẩm định thiết kế, giám sát thi công và đánh giá sản phẩm trong quá trình thí nghiệm. 

Đầu tư nâng cao các công cụ tính toán, mô phỏng là bước tiếp theo được EEMC hoàn thành và phục vụ công tác thiết kế, triển khai sản xuất. Các phần mềm mô phỏng điện từ trường, mô phỏng tính toán ngắn mạch và các phần mềm vẽ 3D cũng được EEMC kip thời đầu tư đáp ứng yêu cầu dự án.

Đầu năm 2017, sau khi công tác mua sắm, kiểm tra vật tư đầu vào được hoàn thiện, đội ngũ nhân lực của EEMC bắt đầu triển khai thực hiện công tác chế tạo máy biến áp.

Trong quá trình thực hiện, EEMC luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc giải quyết các bài toán về công nghệ và thiết kế mới. Cụ thể, EEMC đã nhận được sự hỗ trợ vô cùng cấp thiết trong việc nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm các mô hình máy biến áp siêu cao áp và đặc biệt việc đầu tư hệ thống xử lý, thí nghiệm đo lường ruột máy biến áp có ý nghĩa then chốt cho việc thành công trong việc chế tạo các máy biến áp siêu cao áp, công suất lớn. 

Máy biến áp 3 pha 500 kV - 467 MVA sẽ được ứng dụng lắp đặt vận hành tại Nhà máy Thủy điện Sơn La trong tháng 9/2019.

Thành quả xứng đáng

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành cơ khí của Việt Nam chỉ gia công chế tạo các chi tiết và các loại máy phần thô. Các máy móc thiết bị tinh xảo đòi hỏi trình độ khoa học và công nghệ cao đều phải nhập linh kiện và lắp ráp dạng CKD, ví dụ như ô tô (tỷ lệ nội địa hóa khoảng 32%), máy động lực (tỷ lệ nội địa hóa 35-40%),...

Việc chế tạo thành công máy biến áp nguồn 3 pha 500kV giúp EEMC làm chủ hoàn toàn về thiết kế và công nghệ chế tạo máy biến áp với tỷ lệ nội địa hóa 95%. Đơn vị chỉ phải mua một số ít phụ kiện như sứ cao áp, đồng hồ và rơle, toàn bộ các chi tiết còn lại như mạch từ, cuộn dây, vật liệu cách điện, vỏ máy, cánh tản nhiệt… đều được thiết kế và chế tạo trong nước. 

Việc chế tạo thành công và làm chủ hoàn toàn công nghệ chế tạo các máy biến áp truyền tải 110kV đến 500kV đã trở thành đối trọng để các hãng nước ngoài bán sản phẩm vào Việt Nam phải giảm giá từ 15-20%; góp phần giúp ngành điện tiết kiệm chi phí mua sắm, làm giảm nhập siêu; tạo ra lợi nhuận để doanh nghiệp có khả năng đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến nhằm mở rộng và phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. 

Sự thành công của EEMC giúp ngành điện chủ động trong việc cung cấp các máy biến áp và các sản phẩm thiết bị điện, phục vụ chống quá tải cho lưới điện quốc gia, khắc phục nhanh sự cố, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Không dừng lại ở đó, EEMC tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Tổng Công ty đặt quyết tâm thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 500kV – 900MVA.

Với ý nghĩa to lớn đối với nền an ninh năng lượng quốc gia và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, cụm công trình máy biến áp truyền tải cao áp và siêu cao áp 220kV-500kV do EEMC thực hiện đã được đưa vào sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia và là sản phẩm chủ lực của thành phố Hà Nội.

Cụm công trình máy biến áp truyền tải 220kV và 500kV đang được Bộ Công Thương xem xét bình chọn là một trong những thành tựu khoa học và công nghệ tiêu biểu của ngành Công Thương giai đoạn 2010 – 2019. 

Thông tin thêm

Công trình MBA 500kV - 467MVA Nhà máy Thủy điện Sơn La là sản phẩm của Đề tài KHCN cấp Nhà nước số 09/HĐ-ĐT/KHCN 

- Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ban QLDA Thủy điện Sơn La là đơn vị đại diện).

- Đơn vị thiết kế, chế tạo: Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - Công ty Cổ phần.

- Kiểu máy: 3 pha, 5 trụ ngâm trong dầu, làm việc ngoài trời.

- Tần số: 50Hz.

- Kích thước: 15.952 x 7.762 x 7.524 (m)

- Khối lượng toàn bộ: 418.300 kg

- Công suất danh định (ONAN/ONAF/ODAF): 280/374/467MVA

 

 

Các thành tựu khoa học và công nghệ tiêu biểu ngành Công Thương giai đoạn 2010 – 2019 được đề xuất:

1. Cụm công trình máy biến áp truyền tải 220kV và 500kV - Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC)

 

2. Công trình Giàn khoan tự nâng hoạt động ở các độ sâu đến 400ft nước - Công ty cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PVShipyard)

 

3. Giải pháp chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

 

4. Các công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của Việt Nam - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

 

5. Đề án Ứng dụng KHCN trong công nghiệp chế biến - Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương)

 

Vụ Khoa học và Công nghệ

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 3
  • 0
  • 7
  • 2
  • 3
  • 9