Thứ bảy, 04/05/2024 | 10:13 - GMT+7

Tác động của chính sách ưu đãi thuế đến phát triển công nghiệp hỗ trợ

Hàng loạt ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được áp dụng đối với các doanh nghiệp, chủ đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

06/12/2017 - 08:56

Xác định công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành CNHT phát triển. Cụ thể, năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về phát triển một số ngành CNHT.

Quyết định này nêu rõ, Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển CNHT. Cùng với đó, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 ban hành Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển và Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 về phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong lĩnh vực CNHT”…

Hướng dẫn Quyết định số 12/2011/ QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2011/TT-BTC quy định chi tiết về các chính sách ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; về vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; về các chính sách trợ giúp tài chính theo quy định về trợ giúp phát triển DNNVV; chính sách đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho phát triển công nghiệp công nghệ cao. Theo đó, hàng loạt ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được áp dụng đối với các DN, chủ đầu tư hoạt động trong lĩnh vực CNHT.

Bên cạnh đó, để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi hơn cho ngành CNHT phát triển, năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

Theo đó, Luật đã đưa ra các quy định về ưu đãi cao nhất về thuế TNDN (thuế suất 10% trong vòng 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế) cho Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT.

Trên cơ sở các chính sách thuế trên, Chính phủ tiếp tục ban hành các nghị định: Nghị định 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật số 71; Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn, triển khai các chính sách ưu đãi về thuế vào thực tiễn.

Cụ thể như: Thông tư 55/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục xác nhận ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm CNHT; Thông tư 21/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về ưu đãi thuế TNDN đối với Dự án sản xuất sản phẩm CNHT đã được ban hành để hướng dẫn về ưu đãi thuế TNDN đối với CNHT.

Tiếp đó, ngày 18/1/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025 và Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 3/4/2017 về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT. Đây là những chính sách góp phần tạo động lực thúc đẩy ngành CNHT ở Việt Nam phát triển cũng như khuyến khích cho các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.

Điều đáng chú ý là các chính sách thuế này đã nêu rất cụ thể các mục tiêu ở các nhóm trong ngành CNHT ở Việt Nam. Ví dụ: Ở lĩnh vực linh kiện phụ tùng, nêu rõ: Phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 35% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển; Đến năm 2025, cung ứng được 55% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Đối với lĩnh vực CNHT ngành Dệt may - Da giày, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành Công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành Da giày đạt 75-80%. Hay ở lĩnh vực CNHT cho công nghiệp công nghệ cao, Chính phủ cũng đặt mục tiêu phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống DN cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao; Hình thành các DN bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển DN sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này; Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.

Mai Lan

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 3
  • 2
  • 8
  • 9
  • 2
  • 4