Thứ hai, 29/04/2024 | 00:39 - GMT+7

Phát triển sản xuất nguyên phụ liệu da giày: Công nghệ là yếu tố hàng đầu

Mặc dù sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu ngành da giày, tuy nhiên đại diện hai tỉnh Hà Tĩnh và Thái Bình kiên quyết yêu cầu nhà đầu tư phải sử dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

15/08/2017 - 09:44

 

 

Địa phương đã mở lòng

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) phân tích: Trong cơ cấu giá trị của một đôi giày, 70% là chi phí nguyên phụ liệu, 15% chi phí nhân công, 9% chi phí đầu vào và quản lý gián tiếp, chỉ 6% là lợi nhuận của doanh nghiệp (DN). Xu hướng chung những năm gần đây là chi phí nhân công, sản xuất ngày một tăng, nên nếu chi phí nguyên phụ liệu không được cải thiện thì lợi nhuận của DN sẽ giảm.

Việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã tạo lực đẩy cho DN đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Sự chuyển biến này không chỉ ở khối DN có vốn đầu tư nước ngoài, mà một số DN trong nước như: Công ty CP Giày An Lạc, Công ty TNHH Giày Tuấn Việt, Công ty TNHH Giày Gia Định cũng đã đầu tư xứng đáng cho lĩnh vực này. “Tỷ lệ nội địa hóa của ngành hiện đã đạt khoảng 55% nhưng vẫn chưa đủ. Đây tiếp tục là bài toán khó cần tập trung tìm lời giải trong những năm tới”, đại diện Lefaso nhấn mạnh.

Việc phát triển nguyên phụ liệu nói chung và thuộc da trong nước gặp nhiều khó khăn một phần do ngành này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, nhân lực chất lượng cao, nhưng vấn đề môi trường mới là thách thức lớn. Thực tế đã có không ít DN trong ngành “kêu trời” vì không thể tìm được địa phương chấp nhận dự án thuộc da.

Tuy nhiên, tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành da - giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, đại diện hai tỉnh Hà Tĩnh và Thái Bình đã bày tỏ mong muốn đón nhận các dự án sản xuất da giày, bao gồm cả nguyên phụ liệu. Đây thực sự là tín hiệu vui với các DN trong ngành.

Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết: Tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh có Cụm công nghiệp Lam Hồng diện tích 47 ha, hiện một số DN dệt may đã sử dụng 20 ha, hơn 20 ha còn lại tỉnh ưu tiên dành cho các dự án thuộc ngành da giày. Năm 2015, đã có một số DN nước ngoài đến Hà Tĩnh tìm hiểu và có ý định đầu tư dự án sản xuất giày da tại khu vực này, tuy nhiên do chưa có quy hoạch nên không thể thực hiện. “Đề nghị Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch cụm công nghiệp thuộc da tại Hà Tĩnh để tỉnh có căn cứ xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư”, ông Hoàng Văn Quảng kiến nghị.

Ông Vũ Ngọc Khiếu - Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cũng cho biết: Thái Bình có khoảng 20 DN sản xuất giày dép, túi xách. DN lớn nhất có từ 3.000-4.000 công nhân, hình thức gia công là chủ yếu. Ngành hiện đóng góp trên 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thái Bình có quy hoạch khu công nghiệp ven biển Tiền Hải với diện tích 300 ha để thu hút các ngành dệt, nhuộm, thuộc da. Nếu được đưa vào quy hoạch sẽ rất thuận lợi cho tỉnh xây dựng liên kết chuỗi để phát triển ngành này.

Bên trong một nhà máy thuộc da của Công ty Pasubio - Italia

Môi trường là điều kiện tiên quyết

Mặc dù sẵn sàng thu hút các dự án sản xuất nguyên phụ liệu da giày, tuy nhiên ông Vũ Ngọc Khiếu băn khoăn: Thái Bình sẵn sàng kêu gọi đầu tư nhưng không đánh đổi môi trường. Riêng với ngành thuộc da sẽ kiểm tra rất chặt về công nghệ sản xuất cũng như công nghệ xử lý nước thải.

Đại diện Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng lo lắng, khu vực Hồng Lĩnh rất khó xử lý môi trường bởi nằm ở vùng trũng. Một đầu bị chắn bởi sông Lam có cống điều tiết nước, một đầu ra biển bị chắn bởi bara (công trình cống ngăn mặn, giữ ngọt thoát lũ). Vùng này nước dừng không chảy, nếu nước thải xả ra vùng này mà không được xử lý hoặc xử lý không đảm bảo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Hà Tĩnh sẵn sàng hỗ trợ về hạ tầng, cơ chế chính sách cho các dự án da giày, nhưng DN phải đặc biệt lưu tâm về công nghệ xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.

Trước lo lắng của các địa phương, ông Nguyễn Hải Trung - Viện trưởng Viện Da giày chia sẻ: Công nghệ thuộc da cũng như sản xuất nguyên phụ liệu trên thế giới hiện đã phát triển vượt bậc, không sử dụng kim loại nặng, công nghệ xử lý nước thải hiện đại cũng đã giảm áp lực lên môi trường. “Italia là nước có ngành thuộc da rất phát triển, có các khu công nghiệp thuộc da rất lớn, chủ động hoàn toàn được nguồn nguyên liệu mà vẫn bảo đảm được yếu tố môi trường”, ông Trung ví dụ.

Lefaso cũng đã xây dựng rất nhiều chương trình hợp tác với Italia trong hỗ trợ giới thiệu khoa học công nghệ, tham dự các hội chợ về máy móc thiết bị, hợp tác đào tạo, các chương trình phát triển xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành. Riêng trong lĩnh vực thuộc da, hiệp hội cũng đã mời chuyên gia về tư vấn cho DN, cử nhiều đoàn sang học kinh nghiệm ngay tại khu công nghiệp thuộc da của Italia.

Tuy nhiên, để phát triển được công nghiệp thuộc da cũng như nguyên phụ liệu khác, đại diện Lefaso cho rằng: Cần phải có sự đồng thuận từ cấp Chính phủ cho đến địa phương để xây dựng được các cụm công nghiệp chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, đạt hiệu quả kinh tế và tiết kiệm được chi phí cho DN. Nhà nước cũng cần có chính sách đặc thù hỗ trợ về vốn cho DN bởi đầu tư cho xử lý môi trường của ngành này rất tốn kém.

Việc một số địa phương đã lên tiếng mong muốn tiếp nhận dự án sản xuất nguyên phụ liệu, trong đó có thuộc da là tín hiệu tốt và là bước khởi đầu thuận lợi cho ngành da giày, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 sản xuất được 533 triệu bia da thuộc, năm 2025 đạt 680 triệu bia.

Theo Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành da - giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035, Bộ Công Thương đưa ra 3 kịch bản phát triển và lựa chọn kịch bản cơ sở với mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 43,97 tỷ USD, năm 2035 đạt 57,6 tỷ USD.

Theo VEN

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 7
  • 7
  • 2
  • 3
  • 2