Chủ nhật, 05/05/2024 | 07:50 - GMT+7

Bình Thuận xác định mục tiêu trọng điểm trong phát triển công nghiệp CNTT

Một trong những mục tiêu đó là phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước.

18/08/2016 - 16:23

Tỉnh Bình Thuận đã chính thức ban hành Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, kế hoạch đã đề ra các mục tiêu trọng điểm đến 2020 và 2025 là phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước; đồng thời tham gia với khu vực kinh tế phía Nam trong chuỗi các khu CNTT tập trung nhằm nâng cao năng lực sản xuất, gia công với mức độ tăng trưởng 15% một năm (tương đương mặt bằng trong Chương trình mục tiêu chung). Bên cạnh đó, xây dựng khu CNTT tập trung khi có điều kiện. Đến năm 2025, Bình Thuận phấn đấu có đủ nguồn nhân lực và hạ tầng kỹ thuật tham gia sản xuất, gia công các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, kế hoạch đã đưa ra một số nội dung triển khai thực hiện, bao gồm: định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh về CNTT dưới các hình thức xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư công nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư được thuê đất tại các khu công nghiệp, hưởng ưu đãi về chính sách thuế.

Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm, cụ thể là phát triển các sản phẩm, phần mềm dùng chung, dùng riêng trong các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp và xã hội, phần mềm ứng dụng trên mạng di động, trên Internet, phát triển các sản phẩm, giải pháp trên nền công nghệ mở, công nghệ điện toán đám mây. Bình Thuận sẽ ưu tiên ứng dụng và phát triển các sản phẩm nội dung số thương hiệu Việt phục vụ các ngành y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, giao thông vận tải, nông nghiệp…, ưu tiên sử dụng và tham gia nghiên cứu các phần mềm nhúng, tích hợp trong các sản phẩm phần cứng thương hiệu Việt. Bình Thuận còn hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường để từng bước gia công xuất khẩu phần mềm, chuyển giao công nghệ phần mềm có hiệu quả.

Ngoài ra, Bình Thuận sẽ phát triển dịch vụ CNTT, cung cấp dịch vụ CNTT cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, thị trường trong nước và quốc tế như nâng cấp, phát triển Trung tâm Tích hợp Dữ liệu tỉnh theo công nghệ đám mây, khuyến khích phát triển việc thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ đầu tư phát triển một số dịch vụ CNTT lợi thế của tỉnh, thực hiện các chương trình hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp, các trung tâm hoạt động trong lĩnh vực CNTT, trên địa bàn tỉnh đạt được một trong các chứng chỉ như CMMi, ISO, nâng cao năng lực trong quản lý điều hành doanh nghiệp và đảm bảo các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh có khả năng cung cấp các dịch vụ có chất lượng. Hơn nữa, Bình Thuận sẽ tham gia với các doanh nghiệp Trung ương và TP.HCM thực hiện gia công phần mềm cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước với tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm 15%.

Không những vậy, trong giai đoạn tới tỉnh đã xác định tập trung phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp CNTT là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho các tổ chức, doanh nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh, đào tạo nghiệp vụ quản lý Nhà nước về công nghiệp CNTT và đào tạo chuyên ngành phục vụ phát triển phần mềm và nội dung số, bao gồm đào tạo đội ngũ kỹ sư phần mềm và hệ thống tại Trung tâm CNTT&TT đạt chuẩn kỹ năng nhân lực CNTT chuyên nghiệp và chuẩn quốc tế. Bình Thuận sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho Trung tâm CNTT&TT tỉnh liên kết với các trường Đại học để đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực công nghiệp CNTT, nâng cao chất lượng cho các cơ sở đào tạo CNTT, hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng các chuẩn, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng trong lĩnh vực CNTT cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Cuối cùng, Bình Thuận đặt nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, khuyến khích kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị truyền thông, lắp ráp linh kiện điện, thiết bị điện tử, trên cơ sở khai thác lợi thế về đất đai và nguồn lao động địa phương, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển thị trường công nghiệp phần mềm, đặc biệt là thị trường gia công xuất khẩu phần mềm và dịch vụ. Bình Thuận sẽ đầu tư, phát triển thị trường, tham gia cùng với các hoạt động của Bộ TT&TT khu vực phía Nam và cơ quan xúc tiến thương mại của tỉnh giới thiệu, cung cấp thông tin để thu hút đầu tư, dự án về gia công, xây dựng, chế tạo thiết bị, phần mềm CNTT tại địa phương.

Hà Nguyễn

 

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 3
  • 4
  • 0
  • 4
  • 3
  • 4