Thứ bảy, 07/09/2024 | 23:29 - GMT+7

Liên kết vùng trong phát triển công nghiệp công nghệ cao

Liên kết vùng là một trong những chính sách phát triển kinh tế quan trọng được Đảng và Nhà nước ta thực hiện từ năm 1997 nhằm thúc đẩy năng lực nghiên cứu và phát triển tại các địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và tạo động lực cho tăng trưởng có chất lượng dựa trên năng lực đổi mới sáng tạo nội sinh của quốc gia.

05/03/2024 - 09:20
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Nghị định 10/2024/NĐ-CP về khu công nghệ cao (Khu CNC), trong đó xác định mục tiêu, định hướng, giải pháp và tổ chức thực hiện về phát triển khu CNC ở cấp vùng. Đồng thời, quy định các Ban Quản lý Khu CNC có trách nhiệm đề xuất và tham gia ý kiến với cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; phương hướng và phương án phát triển khu công nghệ cao trong quy hoạch vùng.
Nhằm xác định vai trò của các Khu CNC trong công tác quy hoạch vùng và các điều kiện đảm bảo để các Khu CNC thực hiện vai trò, dẫn dắt của mình, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC TP. Hồ Chí Minh về vấn đề trên.
PV: Thưa ông, ông nhận định thế nào về vai trò dẫn dắt về KH&CN, động lực về phát triển kinh tế - xã hội của các Khu CNC?
PGS.TS Nguyễn Anh Thi: Mặc dù trên thế giới có nhiều định nghĩa và mục tiêu khác nhau cho mô hình Khu CNC nhưng mô hình này tiếp tục đóng vai trò duy nhất trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đào tạo, ươm tạo giúp các doanh nghiệp KH&CN và các nhóm tài năng trong cộng đồng hoạt động như những “cụm đổi mới”, từ đó tạo ra các ngành công nghiệp mới, các lĩnh vực công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới góp phần thúc đẩy chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương và vùng kinh tế nhờ tối ưu hóa vốn xã hội và chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng liên quan theo ngành.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi 
Tại Việt Nam, ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng, quyết sách đúng đắn để thúc đẩy phát triển KH&CN, đặc biệt là CNC, quyết tâm đẩy nhanh ứng dụng và phát triển CNC ở trong nước. Theo đó, Khu CNC Hòa Lạc đã được Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập (năm 1998), Khu CNC TP. Hồ Chí Minh (năm 2002), Khu CNC Đà Nẵng (năm 2010) và Khu CNC công nghệ sinh học Đồng Nai (năm 2016). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 với mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á”.
Tiếp đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 xác định: “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu CNC là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhóm phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Ở cấp độ địa phương, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định rõ việc “chuyển đổi các mô hình kinh tế hướng phát triển CNC; phát triển TP. Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy KT-XH của TP. Hồ Chí Minh”. Như vậy, các Khu CNC, đặc biệt như Khu CNC TP. Hồ Chí Minh được coi là khu CNC quốc gia và là khu CNC được đánh giá có hoạt động hiệu quả, năng động nhất Việt Nam hiện nay có trách nhiệm tiên phong dẫn dắt sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, cụ thể là có trách nhiệm góp phần trực tiếp vào việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng cho quốc gia, góp phần xây dựng một nền công nghiệp độc lập, tự chủ với hệ thống các doanh nghiệp công nghệ trong nước mạnh, nền móng của nền kinh tế độc lập, tự chủ.
PV: Thưa ông, với vai trò là người đang dẫn dắt một Khu CNC quốc gia và là khu CNC được đánh giá có hoạt động hiệu quả, năng động nhất Việt Nam hiện nay như ông đã khẳng định, ông có thể cho biết vị trí của các Khu CNC quốc gia trong quy hoạch vùng - một điểm mới trong chính sách về khu CNC của Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Anh Thi: Quy hoạch phát triển vùng không chỉ dựa trên những vấn đề mà vùng gặp phải mà còn phải tính toán tới môi trường chiến lược quốc gia và bối cảnh quốc tế. Trên thế giới hiện nay, sự phát triển của các ngành công nghiệp CNC đang thống trị cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Các chính phủ trên thế giới đều nhận thức rằng chỉ có tăng cường đổi mới công nghệ, sở hữu tài sản trí tuệ và nắm bắt nguồn tài nguyên CNC thì mới có thể chủ động trong cạnh tranh kinh tế. Do đó, các quốc gia đang điều chỉnh mô hình, vai trò và các trụ cột trong chiến lược phát triển của khu CNC. Nhằm thúc đẩy cấu trúc mạng lưới liên kết kinh tế của các khu CNC trong phạm vi vùng và các tác động lan tỏa có liên quan của đặc điểm cấu trúc mạng lưới, trình độ phát triển kinh tế và các yếu tố ảnh hưởng khác đến liên kết kinh tế.
Khi Nghị định số 10/2024/NĐ-CP về khu CNC ra đời, chúng tôi xác định rất rõ vị trí của các khu CNC quốc gia trong quy hoạch vùng là: Các khu CNC sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực dựa trên R&D và thương mại hóa bằng cách tạo ra sức mạnh tổng hợp, kích thích và quản lý dòng chảy tri thức - công nghệ giữa giới học thuật, ngành công nghiệp và chính phủ.
Ngoài ra, các khu CNC sẽ tiếp tục là cực tăng trưởng để thu hút và phát triển doanh nghiệp trong ngành công nghiệp CNC; phát triển việc làm giá trị cao, tạo ra cộng đồng kinh doanh thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp; tạo điều kiện cho việc thành lập và phát triển doanh nghiệp công nghệ thế hệ mới thông qua các quy trình ươm tạo, tách rời và chuyển giao tri thức để phát triển mạng lưới khởi nghiệp ĐMST tại địa phương.
Các khu CNC cũng sẽ là "sự kết tụ của nền kinh tế khu vực", phát triển các sáng kiến khu vực dựa trên các "cụm đổi mới", đáp ứng các điều kiện của "chuyên môn hóa thông minh" nhằm nâng cao quy mô và hiệu quả phát triển tiềm năng của vùng, thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, tập trung vào quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, các tổ chức công như chính quyền địa phương, viện nghiên cứu và trường đại học và xã hội.
Để có thể phát triển các sáng kiến khu vực, các khu CNC cần có kế hoạch xây dựng các “cụm đổi mới” dựa trên cơ sở thu hút, tập hợp, thành lập các công ty mới dựa trên công nghệ cũng như tăng cường cơ sở kinh tế địa phương và khu vực. Điều này đòi hỏi các tổ chức nghiên cứu và giáo dục đại học, doanh nghiệp, cơ quan công quyền và xã hội xác định các thế mạnh trong khu vực và ưu tiên hỗ trợ dựa trên tiềm năng địa phương, cơ hội thị trường.
Để tham gia vào liên kết vùng, các địa phương trong vùng cần thành lập một nhóm chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách xác định các ngành nghề và tiềm năng của khu vực, và phản ánh khả năng tồn tại hay không của doanh nghiệp, cũng như các yếu tố mà khu CNC có thể thực hiện được thông qua một hoạch định các nguồn lực đầy đủ và sẵn có; giao cho khu CNC tìm kiếm và thu hút các công ty dựa trên công nghệ đổi mới đóng vai trò là nhà cung cấp công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên, cũng như các công ty được coi là truyền thống nhưng phụ thuộc chiến lược vào tăng cường sử dụng công nghệ để hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên.
Để các khu CNC có thể thu hút và phát triển hoạt động nghiên cứu theo hướng "chuyên môn hóa thông minh" theo ngành, mô hình hoạt động cần được ưu tiên xây dựng thêm các phòng thí nghiệm chuyên biệt nhằm phục vụ nhu cầu kinh doanh phức tạp của các công ty đòi hỏi phải thường xuyên tiếp cận các cơ sở R&D. 
Để các khu CNC có thể thu hút và phát triển hoạt động đổi mới khu vực, mô hình hoạt động cần được xây dựng trên diện tích đất rộng lớn, với bối cảnh giống như khuôn viên trường đại học, và các trung tâm R&D đa dạng, các trường đại học và công ty chia sẻ không gian chung và khuyến khích các mối quan hệ kinh doanh.
Các chính sách này trong ngắn hạn sẽ góp phần nâng cao khả năng thu hút FDI để tài trợ cho đổi mới và tài năng địa phương, do đó cải thiện khả năng cạnh tranh kinh tế, nâng cao hiệu quả và tính linh hoạt của quá trình đổi mới cũng như giảm thiểu sự thiếu hiệu quả của thị trường công nghệ cho các công ty thường trú tại Khu thông qua các tổ chức trung gian; khắc phục những trở ngại và cung cấp không gian và cơ sở kinh doanh hợp lý, do đó giảm chi phí khởi nghiệp cho các công ty spin off; tháo gỡ các rào cản đối với việc thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm; thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ hoạt động kinh doanh, phát triển các hoạt động kinh tế bền vững và các chiến lược thu hút, đào tạo nhân tài; tăng cường mối quan hệ tương hỗ giữa đổi mới, các công ty, các lực lượng chính trị và thể chế xã hội là điều kiện cho một quá trình khuếch tán tối ưu và nhờ đó có tăng trưởng kinh tế. Các cụm có thể đem lại lợi ích của sự lan tỏa kiến thức, kết quả từ việc chuyển giao kiến thức không chính thức (trao đổi ngầm) và trao đổi ý tưởng giữa các công ty nằm trong khu CNC; thúc đẩy những đổi mới có thể tạo ra một môi trường kinh doanh có lợi dựa trên công nghệ và cung cấp cơ sở hạ tầng chuyên biệt cùng các dịch vụ đảm bảo một môi trường thân thiện cho đổi mới.
Trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng này, điều này đặc biệt góp phần giải quyết các ưu tiên, các nhu cầu cấp thiết của quốc gia và ngành thông qua cơ chế phối hợp với các bên liên quan. Điều này sẽ giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh và tiềm năng vượt trội của vùng, góp phần thúc đẩy đổi mới và chuyển đổi kinh tế vùng bằng cách giúp khu vực tập trung vào thế mạnh của vùng. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới mở với nhiều cấp độ. Đồng thời, tạo ra mối liên kết tốt hơn trong các cộng đồng đổi mới, thúc đẩy sự hợp tác giữa nhiều tổ chức và các chủ thể dựa vào cộng đồng và hình thành các cụm đổi mới cấp khu vực và quốc gia.
Nếu thực hiện hiệu quả các hoạt động nêu trên, về dài hạn các khu CNC sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của vùng.
PV: Thưa ông, theo những gì ông chia sẻ ở trên thì việc chuyển đổi mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của các khu CNC được xác định là một trong các giải pháp quan trọng trong nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu CNC trong liên kết vùng. Vậy theo ông, những yêu cầu về tiếp tục đổi mới thể chế Khu CNC là gì? Đâu là những việc cần cân nhắc, ưu tiên?
PGS.TS Nguyễn Anh Thi: Về liên kết vùng, trước tiên các cấp chính quyền cần thay đổi tư duy về thiết kế chính sách về “cụm công nghiệp liên kết ngành”. Các “cụm đổi mới” đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp CNC, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp KH&CN bằng cách sử dụng các lợi thế của cụm trong các ngành công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, cụm công nghiệp cần được sử dụng như một chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp cấp vùng vì nó ảnh hưởng đến cạnh tranh công nghiệp.
Trong liên kết vùng, các cấp chính quyền cần thay đổi tư duy xác định và đánh giá tính khả thi của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp chiến lược cần tập trung phát triển cho quốc gia cho phù hợp với tiềm lực KH&CN của địa phương và đảm bảo năng lực cạnh tranh của vùng dựa trên “Chiến lược Chuyên môn hóa thông minh” theo ngành. Đây là điều kiện tiên quyết giúp các khu CNC được hưởng lợi từ nhiều công cụ hỗ trợ có sẵn ở cấp khu vực.
Để liên kết vùng, cần quan tâm xây dựng và phát triển các Mạng lưới tri thức và công nghệ nhằm nâng cao tiềm lực KH&CN các ngành công nghiệp CNC của các địa phương và liên kết vùng nhằm phổ biến tri thức, thúc đẩy sự hợp tác của các trường đại học, viện nghiên cứu với các ngành công nghiệp và chính quyền địa phương.
Để cùng đầu tư cho phát triển vùng, cần thiết lập tiêu chí để lựa chọn dự án vùng ưu tiên đầu tư: khung pháp lý hiện hành cho phép dự án đầu tư vùng bắt nguồn từ các cấp chính quyền khác nhau mà không có quy trình mang tính hệ thống và toàn diện để hợp nhất những dự án này trong một kế hoạch cấp vùng.
Về những yêu cầu về tiếp tục đổi mới thể chế Khu CNC, trước tiên, chính sách KH, CN&ĐMST không được tách rời khỏi chính sách công nghiệp trong xây dựng và phát triển khu CNC. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam có chủ trương, đường lối chính sách của Đảng nhưng chưa luật hóa cụ thể thành các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách công nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, sự cần thiết của việc phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ phù hợp cho các công nghệ tiên phong là điều cần thiết để nắm bắt và phát triển các công ty dẫn đầu về đổi mới.
Quan trọng hơn, hiệu quả hoạt động cuả các khu CNC cần được xây dựng và phản ánh bằng các Chỉ số Hiệu suất và phải được công bố. Cần tập trung hoàn thiện cả về hạ tầng - pháp lý và tổ chức bộ máy, nâng tầm hoạt động của khu CNC theo tiêu chí quốc tế. Cuối cùng, cần có kế hoạch và có lộ trình tái cơ cấu đầu tư hiện hữu và nhanh chóng cập nhật tiêu chí thu hút đầu tư mới theo hướng chọn lọc, có trọng tâm; nhất là cần có chính sách phù hợp thu hút phát triển các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tại các khu CNC.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: dangcongsan.vn

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 5
  • 5
  • 7
  • 0
  • 2
  • 8
  • 7