Thứ bảy, 27/04/2024 | 08:06 - GMT+7

“Bình thường mới” ở Nhật bằng số hóa nền kinh tế

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Nhật Bản diễn biến phức tạp, chính phủ nước này quyết tâm thúc đẩy trạng thái “bình thường mới” với việc ban hành Hướng dẫn chính sách kinh tế hằng năm, theo đó thúc đẩy một xã hội và nền kinh tế số hóa, ngày càng thích ứng hơn với mô hình làm việc từ xa nhằm vừa bảo đảm hồi phục, phát triển nền kinh tế, vừa ứng phó với đại dịch...

22/07/2020 - 10:00
Các biện pháp được đưa vào kế hoạch chính sách kinh tế hằng năm, nằm trong nỗ lực của Tokyo nhằm tăng cường xây dựng “năng lực phục hồi quốc gia” trước các thảm họa thiên tai và giảm thiểu thiệt hại cho đời sống cũng như sinh kế người dân. Kế hoạch mới được công bố trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế đất nước và những cơn mưa xối xả gây lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực Kyushu và những vùng khác hồi đầu tháng này.
Cụ thể, trong năm triển khai cải cách mạnh mẽ hướng tới số hóa nền kinh tế, Nhật Bản sẽ kết nối hệ thống định dạng cá nhân “My number” với thẻ cư trú cho người nước ngoài và giấy phép lái xe, nhằm hướng tới đạt mục tiêu giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến. 
Được triển khai từ năm 2015 với việc cung cấp mã số định dạng cá nhân 12 chữ số cho mỗi công dân và người nước ngoài cư trú tại nước này, hệ thống “My number” cho phép người dân có thể tiếp cận các dịch vụ công của chính phủ thông qua internet. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống này vẫn chưa phát huy tác dụng do tỷ lệ người đăng ký cấp thẻ mã số định dạng cá nhân vẫn còn thấp. Nguyên nhân của tình trạng này là do vẫn thiếu quy định pháp lý để thẻ mã số định dạng cá nhân miễn phí có chứa chip IC được áp dụng thực sự. Tỷ lệ thấp này cũng là nguyên nhân khiến việc phân phối khoản tiền hỗ trợ 100.000 yên của chính phủ cho mỗi người dân, nhằm giảm bớt tổn hại kinh tế do đại dịch, bị chậm trễ. Nếu có thẻ mã số định dạng cá nhân, người dân có thể đăng ký trực tuyến để nhận khoản tiền hỗ trợ này thay vì qua thư. 
Với việc thúc đẩy số hóa nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng cường năng lực phòng chống và quản lý thiên tai của các địa phương thông qua việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và cải thiện cơ sở hạ tầng như ngầm hóa đường dây điện và cáp viễn thông. Tầm quan trọng của việc quản lý thảm họa thiên tai gần đây đã được Nhật Bản đánh giá một cách nghiêm túc sau khi những trận mưa lớn kéo dài từ ngày 3-7 đã cướp đi sinh mạng của hơn 70 người ở Kyushu và các vùng lân cận. Còn trước đó, những trận lụt chết người năm 2018 ở phía tây Nhật Bản và thảm họa từ bão Hagibis năm ngoái, cũng khiến Tokyo chú trọng hơn tới vấn đề phòng, chống và quản lý thảm họa. 
Liên quan tới việc thay đổi mô hình làm việc theo hình thức làm việc từ xa, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ đưa ra các mục tiêu bằng con số cụ thể nhằm giúp cho mô hình này trở nên phổ biến hơn, nhất là ở các công ty vừa và nhỏ. Cùng với đó, Tokyo cũng sẽ soạn thảo các văn bản hướng dẫn cho các chủ doanh nghiệp thúc đẩy số hóa doanh nghiệp trong thời gian từ nay tới tháng 3-2021. 
“Bằng cách thực hiện những thay đổi và thúc đẩy sự đa dạng, đất nước chúng ta sẽ thúc đẩy sự bền bỉ và hình thành trạng thái “bình thường mới”, tận dụng sức mạnh và những đặc điểm độc đáo của chúng ta”, hướng dẫn chính sách kinh tế hằng năm nêu rõ. 
Mặt khác, chính phủ cũng thông qua chiến lược tăng trưởng mới, trong đó khẳng định sẽ xem xét lại mức phí chuyển tiền liên ngân hàng và cải thiện môi trường làm việc cho những lao động làm việc bán thời gian.
Đối với công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng cường các xét nghiệm PCR và các phương pháp xét nghiệm khác, đồng thời đẩy nhanh việc bào chế thuốc và vaccine. Ngoài ra, chính phủ đặt mục tiêu giảm sự tập trung quá mức của các hoạt động kinh tế-xã hội ở khu vực Tokyo, vực dậy nền kinh tế các địa phương và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch tàn phá mạnh mẽ nền kinh tế, trong hướng dẫn mới, Chính phủ Nhật Bản không đưa ra các mục tiêu về cân bằng ngân sách như đã từng đề cập tới trong các văn bản hướng dẫn chính sách kinh tế-tài chính các năm 2018 và 2019, theo đó đưa cán cân ngân sách cơ bản về mức dương vào tài khóa 2025. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho rằng không cần thiết phải xem xét lại ngay lập tức mục tiêu trên ngay cả khi các tác động của dịch Covid-19 có thể khiến tình hình ngân sách trở nên xấu đi.
Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 6
  • 0
  • 0
  • 8
  • 9