Thứ sáu, 17/05/2024 | 09:33 - GMT+7

Điện lực miền Bắc đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh

Triển khai hiệu quả Đề án Ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác sản xuất, kinh doanh (SXKD) hiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đặt ra, nhằm nâng cao năng suất lao động, vận hành hệ thống điện an toàn hiệu quả.

13/03/2020 - 09:54
Triển khai hiệu quả Đề án Ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác sản xuất, kinh doanh (SXKD) hiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đặt ra, nhằm nâng cao năng suất lao động, vận hành hệ thống điện an toàn hiệu quả. Việc tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ là đòi hỏi thiết yếu để đơn vị đạt được các chỉ tiêu về SXKD đã đề ra cho giai đoạn sau năm 2020.
Cụ thể, Đề án đặt ra các chỉ tiêu về SXKD hướng đến mục tiêu: Các chỉ số đánh giá độ tin cậy cung cấp điện (SAIDI, SAIFI, MAIFI), chỉ tiêu suất sự cố, chỉ số tiếp cận điện năng, chỉ số tổn thất lưới điện và các chỉ số khác sẽ tương đương với các Tổng công ty khác trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số chỉ tiêu tiếp cận được với các nước tiên tiến khác trong khu vực. Từ đó, xây dựng định hướng chung là đẩy nhanh các dự án đang triển khai gắn với ứng dụng rộng rãi các thành quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tới toàn bộ các đơn vị, đồng thời tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu công nghệ mới của các nước trên thế giới trong hoạt động SXKD.
Nhiệm vụ đặt ra là, cần phải có lộ trình, cụ thể hóa từng chương trình, kế hoạch cụ thể và triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào SXKD là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của EVNNPC
Đối với lĩnh vực quản lý vận hành, kỹ thuật lưới điện, hiện EVNNPC đang tiếp tục hoàn thành một số dự án đang thực hiện: Dự án bản đồ số GIS, UAV, giám sát khí online MBA... đồng thời, triển khai mở rộng các dự án như: Tự động hóa lưới điện phân phối DSM cho các tỉnh, kết nối dữ liệu của Trung tâm Điều khiển xa với hệ thống OMS. Năm 2020, sẽ tập trung và tăng cường hệ thống giám sát cho công tác kỹ thuật đối với các thiết bị, trạm, máy biến áp, đường dây, nâng cao hiệu quả và ngăn ngừa sự cố.
Đối với công tác kinh doanh, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả SXKD và chất lượng dịch vụ khách hàng.
Cụ thể, nâng cấp tích hợp hệ thống thu tiền và xây dựng kho nợ dùng chung để nâng cao hiệu quả, tính ổn định của các hệ thống thanh toán tiền điện, đặc biệt là việc tổ chức triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; bổ sung các hệ thống báo cáo phục vụ công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng sử dụng BI (công cụ hỗ trợ, giúp DN truy cập thông tin quan trọng và đưa ra quyết định nhanh chóng) và mở rộng đối tượng khai thác sử dụng đến cấp công ty điện lực.
Đổi mới và nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng (CSKH) thông qua việc xây dựng hệ thống Chatbot CSKH tự động để tự động tiếp nhận, trả lời khách hàng qua website, mạng xã hội; xem xét thuê hệ thống đánh giá chất lượng chăm sóc khách hàng qua file ghi âm để nâng cao chất lượng tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của khách hàng qua trung tâm chăm sóc khách hàng; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu về dịch vụ điện cho khách hàng theo phương thức điện tử, đồng thời phối hợp với Trung tâm Viễn thông và Công nghệ thông tin (EVNICT) để nghiên cứu, khai thác, xác thực thông tin của khách hàng qua cổng dịch vụ công quốc gia thay vì yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ, giấy tờ như hiện nay.
Để triển khai tốt việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động SXKD cần đáp ứng hai vấn đề cơ bản là cơ sở hạ tầng và các phần mềm ứng dụng, trong đó việc chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy cần đánh giá, xác định hiện trạng hạ tầng công nghệ viễn thông hiện nay, cũng như xây dựng chiến lược về công nghệ áp dụng cho thời gian tới. Nhiệm vụ chuyển đổi số phải được triển khai một cách tổng thể và bao trùm; những công việc số hóa phải phù hợp với thực tiễn của Tổng công ty.
Có thể thấy, tác động rõ rệt của cách mạng công nghiệp 4.0 lên lĩnh vực SXKD, đòi hỏi trước tiên là thay đổi cách thức làm việc của đội ngũ nhân sự theo dõi dự án theo hướng chuyên nghiệp, tự chủ.
Vừa qua, tại buổi làm việc về triển khai Đề án Ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác SXKD, bà Đỗ Nguyệt Ánh - Tổng giám đốc EVNNPC - nhận định: Đề án là cơ hội để lập ra một tổng thể về công nghệ số hóa. Để làm được nhiệm vụ này toàn Tổng công ty, đặc biệt là người đứng đầu mỗi đơn vị phải làm việc thật sự nghiêm túc và thực hiện một cách bài bản; hiểu được những nhiệm vụ cần rà soát để tìm ra một quy trình chuẩn. Mỗi một ban phải chịu trách nhiệm và thống kê đầy đủ, chi tiết các dữ liệu của ban mình, nhằm chuẩn hóa các quy trình phục vụ số hóa.
“Đây là công cuộc của cả Tổng công ty, chính vì vậy cần tuyên truyền, phổ biến đến tất cả cán bộ, công nhân viên để làm sao mỗi một cá nhân trong một tập thể 27.000 người đều phải có trách nhiệm trong công cuộc ứng dụng công nghệ 4.0” - bà Đỗ Nguyệt Ánh nhấn mạnh.
Hiện, EVNNPC là một trong những đơn vị phân phối điện lớn nhất của EVN. Bắt kịp và khai thác hiệu quả những thành tựu của công nghệ 4.0 là nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển của Tổng công ty trong những năm tiếp theo, đặc biệt trong các lĩnh vực vận hành, quản trị, kinh doanh dịch vụ khách hàng. Nhiệm vụ này là “chìa khóa” để đơn vị có thể nhanh chóng đáp ứng những thay đổi từ thị trường, tối ưu chi phí sản xuất, tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận.
Theo: Kinh tế Việt Nam

 

Cùng chuyên mục

Triển lãm quốc tế về Điều khiển và tự động hóa lần thứ 7

10/05/2024 - 08:19

Triển lãm trưng bày hàng trăm sản phẩm, giải pháp công nghệ, sản phẩm thành quả của áp dụng khoa học công nghệ đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các sở, ngành, các viện, trường và các hội tự động hóa địa phương...

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 4
  • 2
  • 5
  • 9
  • 7
  • 6