Thứ tư, 08/05/2024 | 10:30 - GMT+7

1.900 tỷ đồng xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương gấp rút nghiên cứu Đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.

31/10/2018 - 15:59
Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chiến lược quốc gia trong CMCN 4.0, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương gấp rút nghiên cứu Đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
Ngày 31 tháng 10 năm 2018, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức Tọa đàm “Mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia” nhằm tham vấn ý kiến của các bộ, ngành liên quan, trước khi hoàn thiện đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. 
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Trong bối cảnh CMCN 4.0, 2 trụ cột chính mà Việt Nam cần hướng tới là chuyển đổi sang nền kinh tế số, hay còn gọi là nền kinh tế 4.0 và nghiên cứu đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ thuộc các ngành công nghiệp cốt lõi của CMCN 4.0.
Việt Nam đang đi sau các nước trên khu vực và thế giới về hệ sinh thái ĐMST. Cụ thể, các nước đã có chính sách thành lập các trung tâm ĐMST, thực hiện R&D và chuyển giao các công nghệ mới nhất, như True Digital Park của Thái Lan, Trung tâm CMCN 4.0 của Ấn Độ, Smart City Hub của Estonia hay Station F của Pháp,… Các trung tâm ĐMST Việt Nam hiện nay chủ yếu làm nhiệm vụ thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất không phải đặc trưng của CMCN 4.0 và chưa tạo ra tác động đáng kể về công nghệ. Thực tế đòi hỏi Việt Nam phải có các trung tâm ĐMST tiên tiến để nhanh chóng đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển dựa trên ĐMST trên nền tảng công nghệ 4.0”. 
TS. Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh trạnh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương xây dựng là một doanh nghiệp xã hội với 100% vốn tư nhân. Theo TS. Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh trạnh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hình thức đầu tư này được lựa chọn nhằm đảm bảo Trung tâm hoạt động linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường, nhanh chóng đi vào hoạt động và tạo ra kết quả cho nền kinh tế, đồng thời đảm bảo Trung tâm có thể tiếp nhận hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước vì mục đích phát triển và chuyển giao công nghệ trong nước. 
Trung tâm được xây dựng tại trung tâm Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.900 tỷ đồng, trong đó 1.700 tỷ đồng là vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 200 tỷ đồng vốn lưu động. Theo kế hoạch, thời gian xây dựng Trung tâm sẽ kéo dài 3 năm, bắt đầu tư năm 2019. Từ năm thứ 2, Trung tâm có thể đi vào hoạt động. 
 
Trung tâm đảm nhận 4 chức năng, nhiệm vụ chính, bao gồm (1) giới thiệu, trình diễn, tư vấn chuyển giao công nghệ; (2) đào tạo, tư vấn về công nghệ; (3) đầu tư, góp vốn kinh doanh, trực tiếp thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới và (4) cho thuê mặt bằng trọn gói cho các dự án startup và doanh nghiệp công nghệ, mặt bằng tổ chức sự iện, hội nghị chuyên ngành công nghệ, thiết bị nghiên cứu, thiết bị mô phỏng,… phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm dịch vu. 
Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được kỳ vọng sẽ thu hút ít nhất 40 công ty công nghệ lớn, 150 startup, 15 quỹ đầu tư mạo hiểm, 2 trung tâm hỗ trợ phát triển cho startup, 40 công ty dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và tạo ra hơn 5.000 việc làm chất lượng cao trong ngành công nghệ. 
Trong giai đoạn đầu, Trung tâm sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính là nhà máy thông minh, thành phố thông minh, công nghiệp nội dung số và công nghiệp an ninh mạng. 
Về mặt quản trị và điều hành, theo ý kiến của Viện Nghiên cứu quản ký kinh tế Trung ương, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cần một bộ máy đặc biệt, có gắn kết chặt chẽ với Chính phủ, bao gồm hội đồng thành viên (5-7 người là đại diện chủ đầu tư và Chính phủ), hội đồng cố vấn (8-12 chuyên gia, đại diện của Nhà nước, khu vực tư nhân, hiệp hội, cơ sở giáo dục, nghiên cứu) và ban giám đốc. 
Để đảm bảo cho Trung tâm hoạt động hiệu quả, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ cho cả Trung tâm và Khu CNC Hòa Lạc.
Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các công nghệ bản địa tiên tiến, tạo ra hệ sinh thái ĐMST đầy đủ hiện đại để các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thể triển khai các ý tưởng kinh doanh dựa trên công nghệ của mình, ươm tạo các doanh nghiêp unicorn.
Việc hình thành, phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và từng bước kết nối với mạng lưới các trung tâm ĐSMT toàn quốc sẽ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, nâng cao năng lực ĐMST, năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) là chỉ số do Học viện Quản trị kinh doanh Châu âu (INSEAD), và các tổ chức như Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (FII), Trường Đại học Cornell (Hoa Kỳ) phối hợp xây dựng, và được xem là thước đo khách quan dùng để đánh giá tổng thể các hoạt động trí tuệ thực hiện bởi cư dân ở một quốc gia. Chỉ số này xem xét sự ĐMST không chỉ dưới góc độ những bài báo khoa học, những kết quả trong những phòng thí nghiệm, mà còn bao gồm cả những đổi mới, sáng tạo về công nghệ, tổ chức quản lý xã hội cũng như về các mô hình kinh doanh.
Việt Nam được đánh giá cao về mức độ tăng bậc liên tục trên bảng xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu GII. Cụ thể Việt Nam xếp thứ 71 năm 2014; 59 năm 2016; 47 năm 2017 và 45 năm 2018. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay và có thể nói là cột mốc đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc về các hoạt động ĐMST quốc gia. 
Cũng theo theo báo cáo của WIPO, nếu so sánh với thứ hạng GDP thì xếp hạng ĐMST quốc gia của Việt Nam có sự vượt trội hơn hẳn. Với 37,94/100 điểm, Việt Nam đứng thứ 45/126 Quốc gia về chỉ số ĐMST, tỷ lệ ĐMST hiệu quả đạt 0,8 (xếp hạng 16). Riêng trong nhóm thu nhập trung bình thấp, chỉ số ĐMST của Việt Nam xếp thứ 2/30 nước, đứng trên Moldova, Ấn Độ và Mông Cổ. 
Đặc biệt Việt Nam xếp thứ hai trong nhóm 30 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đánh giá. Báo cáo GII 2018 cũng cho thấy Việt Nam nằm trong top 5 của nhóm thu nhập trung bình thấp trong tất cả các chỉ số chính về ĐMST.
Ngọc Diệp 

 

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 3
  • 6
  • 7
  • 4
  • 6
  • 9