Thứ bảy, 18/05/2024 | 17:51 - GMT+7

Động lực mới cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước

Nghị định 116/2017/NĐ-CP về sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô vừa được Chính phủ ban hành đảm bảo quyền bình đẳng giữa các nhà đầu tư nhập khẩu với nhà đầu tư sản xuất lắp ráp xe ô tô trong nước.

01/11/2017 - 08:54

Nghị định 116/2017/NĐ-CP về sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô vừa được Chính phủ ban hành đảm bảo quyền bình đẳng giữa các nhà đầu tư nhập khẩu với nhà đầu tư sản xuất lắp ráp xe ô tô trong nước.

Dây chuyền sản xuất ô tô của Trường Hải

Giới buôn xe ô tô nước ta đã quen với chiêu biến xe mới thành xe cũ về Việt Nam bằng cách cho chạy lướt 10.000km và đăng kí trên 6 tháng (quy định để được tính là xe cũ) để rồi nhập khẩu về Việt Nam, kê khai giá trị thấp để giảm mức thuế phải đóng.

Những chiêu trò này đã gây thất thu thuế hàng nghìn tỷ đồng cho nhà nước. Không chỉ vậy, ô tô cũ thường tiềm ẩn nhiều rủi ro về kỹ thuật và kém an toàn hơn so với xe mới. Trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp ô tô cũ được nhập về Việt Nam tồn tại những lỗi kỹ thuật có khả năng gây mất an toàn cho người tiêu dùng, cần phải triệu hồi để khắc phục, sửa chữa, nhưng cũng không biết “kêu”ai.

Ngoài các rủi ro đối với người tiêu dùng, ô tô cũ nhập khẩu cũng tiềm ẩn các ảnh hưởng xấu đến môi trường cho Việt Nam. Nhiều ô tô đã qua sử dụng không còn đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải gây ảnh hưởng đến môi trường nước ta.

Tuy nhiên, từ nay ô tô cũ nhập khẩu sẽ không còn cơ hội “mập mờ đánh lận con đen” nữa, khi Nghị định 116 đã được ban hành và có hiệu lực ngay ngày 17/10/2017. Theo đó, doanh nghiệp muốn nhập khẩu ô tô phải tuân thủ các điều kiện: Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam. Trong trường hợp không thực hiện trách nhiệm bảo hành, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không chính xác tài liệu hướng dẫn sử dụng theo quy định hay không cung cấp sổ bảo hành, hoặc cung cấp điều kiện bảo hành thấp hơn so với điều kiện bảo hành mà Nghị đình đặt ra, doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ giấy phép kinh doanh.

Việc siết chặt điều kiện với doanh nghiệp lắp ráp và nhập khẩu ô tô thuần nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trong việc sử dụng một sản phẩm liên quan đến an toàn, tính mạng của nhiều người như ô tô. Mặt khác, đảm bảo quyền bình đẳng giữa các nhà đầu tư nhập khẩu với nhà đầu tư sản xuất lắp ráp xe ô tô trong nước.

Nếu để lợi thế nghiệp về doanh nghiệp nhập khẩu ô tô như trước đây (không cần đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, cơ sở bảo hành, an toàn cháy nổ, an toàn về môi trường, lệnh triệu hồi xe) thì nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào ngành ô tô và sản xuất linh phụ kiện tại Việt Nam sẽ không có cơ hội phát triển, và Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ xe ô tô của các nước láng giềng khi đến năm 2018 thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam xuống 0%, gây tổn hại không nhỏ đối với nền kinh tế. Theo một tính toán, nếu lượng xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, còn 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50% thì kim ngạch nhập khẩu ô tô năm 2025 đã khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 sẽ tăng lên 21 tỷ USD, góp phần làm gia tăng nhập siêu, gây khó khăn cho nền kinh tế.

Hiện cả nước có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất. Trong số này đã nổi lên 1 số doanh nghiệp đã có đầu tư mạnh cho sản xuất ô tô tại Việt Nam như Trường Hải, Hyundai Thành Công, Toyota Việt Nam hay gần nhất là các dự định đầy tham vọng của Công ty ô tô Vinfast.

Theo kế hoạch, đến năm 2018, Trường Hải sẽ có 8 nhà máy lắp ráp, 19 nhà máy công nghiệp phụ trợ, 5 doanh nghiệp logistics và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, hậu cần; số lao động sẽ tăng từ 60.000 người hiện nay lên 150.000 người sau năm 2018. Với Hyundai Thành Công, sau việc thành lập liên doanh lắp ráp ô tô du lịch tại Ninh Bình hồi tháng 3/2017, đã hình thành một tổ hợp sản xuất ô tô với quy mô vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng và tạo ra việc làm cho hơn 8.000 lao động, vừa cung cấp xe Hyundai cho thị trường nội địa, vừa xuất khẩu sang các nước ASEAN khác mà Hyundai chưa có cơ sở sản xuất. Còn với Vinfast, kế hoạch sản xuất 100.000 xe ô tô ngay trong năm đầu tiên vào hoạt động với tỷ lệ nội địa hóa 60%.

Những kế hoạch trên sẽ khó thành công nếu không có sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe ô tô trong nước. Vì thế, Nghị định 116/2017/NĐ-CP về sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô vừa được Chính phủ ban hành được kỳ vọng tạo ra động lực mới trong phát triển hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ô tô ngay tại Việt Nam.

Linh Chi

Cùng chuyên mục

Triển lãm quốc tế về Điều khiển và tự động hóa lần thứ 7

10/05/2024 - 08:19

Triển lãm trưng bày hàng trăm sản phẩm, giải pháp công nghệ, sản phẩm thành quả của áp dụng khoa học công nghệ đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các sở, ngành, các viện, trường và các hội tự động hóa địa phương...

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 4
  • 3
  • 6
  • 2
  • 7
  • 8