Thứ sáu, 10/05/2024 | 07:44 - GMT+7

Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam: Tái cơ cấu để tồn tại và phát triển

Theo các chuyên gia trong ngành, để tồn tại trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp ngành cơ khí buộc phải lựa chọn con đường chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa.

07/09/2017 - 13:57

Do sức cạnh tranh của ngành cơ khí rất yếu nên nguy cơ phá sản khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là rất cao. Thực vậy, sức ép tăng năng lực cạnh tranh được đặt ra khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước, các liên minh kinh tế trong khu vực, trên thế giới đang và sắp có hiệu lực.

Theo các chuyên gia trong ngành, để tồn tại trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp ngành cơ khí buộc phải lựa chọn con đường chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa. Con đường này được thực hiện thông qua đầu tư các dây chuyền thiết bị có trình độ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, với mức độ tự động hóa cao. Nhờ đó, họ mới có thể sản xuất ra các loại sản phẩm chất lượng cao, ổn định, giá thành hợp lý và không tác động xấu tới môi trường.

Các doanh nghiệp ngành cơ khí cần phải chủ động cơ cấu lại sản xuất, tìm hướng đi thích hợp cho doanh nghiệp, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tìm mọi cách giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng; mở rộng thị trường, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết quá trình sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới để mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới.

Về tư vấn thiết kế và công nghệ, cần thực hiện chuyên môn hóa các cơ quan nghiên cứu cơ khí hiện có, xây dựng các dự án khoa học công nghệ cần phù hợp các sản phẩm cơ khí trọng điểm nhằm tạo nguồn kinh phí cho các cơ sở nghiên cứu cơ khí hoạt động hiệu quả. Hợp tác các cơ sở nghiên cứu cơ khí trong nước với các công ty tư vấn nước ngoài trong chuyển giao công nghệ, đào tạo. Nhà nước cũng cần hỗ trợ trong công tác này.

Tuy nhiên, để các sản phẩm cơ khí Việt Nam có thể cạnh tranh với các nhà cung cấp nước ngoài và đặc biệt là các nhà cung cấp khu vực thì cần nâng cao năng lực tư vấn thiết kế và năng lực chế tạo, trong đó giải pháp nâng cao năng lực tư vấn thiết kế là việc cần làm trước vì giá trị phần công việc tư vấn thiết kế chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá trị công trình, lại có giá trị gia tăng cao.

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí phát triển đúng hướng, đúng quy luật theo phương châm chuyên môn hóa sâu, hợp tác hóa rộng, tránh đầu tư trùng lặp và cạnh tranh gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Sớm sắp xếp lại khối các doanh nghiệp cơ khí nhà nước, tạo sức mạnh liên kết, hợp tác đầu tư sản xuất cho toàn ngành, củng cố nguồn lực cho các tập đoàn đã thành lập tạo được sức mạnh chủ lực cho ngành cơ khí chế tạo cả nước.

Theo Trang thông tin điện tử Công nghiệp hỗ trợ

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 3
  • 8
  • 0
  • 8
  • 6
  • 5