Thứ hai, 13/05/2024 | 05:46 - GMT+7

Dệt may đón cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) đã bắt đầu từ vài năm trở lại đây với xu hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất…, buộc doanh nghiệp (DN) phải định hình lại chiến lược phát triển cho phù hợp.

15/08/2017 - 14:36

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) đã bắt đầu từ vài năm trở lại đây với xu hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất…, buộc doanh nghiệp (DN) phải định hình lại chiến lược phát triển cho phù hợp. Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có những chia sẻ với Kinh tế Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ về công nghệ sản xuất, tuy nhiên với năng lực nội sinh chưa mạnh, DN trong nước sẽ rất khó đáp ứng, ông nhận định ra sao về những thách thức này?

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)

Công nghiệp 4.0 là thách thức lớn đối với DN ngành dệt may. Hệ thống sản xuất của chúng ta tuy đã có tự động hóa nhưng thực sự chưa liên kết đúng mức. So với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp mới có khoảng cách lớn, đặc biệt là khoảng cách trong ứng dụng big data, mạng lưới vạn vật kết nối internet, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hệ thống sản xuất. Như các chuyên gia đã nói, công nghiệp 4.0 không phải tăng trưởng tuyến tính mà tăng trưởng theo hàm số mũ, vì thế sự thay đổi của công nghệ sẽ diễn biến rất nhanh, có nhiều yếu tố không dự đoán được. Nếu không có sự chuẩn bị, nghiên cứu tốt thì việc rơi vào trạng thái hệ thống sản xuất đang có không còn phù hợp hoặc không có được năng lực cạnh tranh tốt sẽ là những thách thức hiện hữu trong vòng 5 năm tới.

Theo ông, nhận thức của DN dệt may trong nước về vấn đề này như thế nào?

Các DN đã nhận thức rất tốt việc ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất lao động sẽ trở thành yếu tố tiên quyết trong cạnh tranh. Vì vậy, ở khu vực sản xuất nguyên liệu như sợi - dệt - nhuộm sẽ hướng tới đầu tư công nghệ tự động, bởi lượng lao động tuy không đòi hỏi nhiều nhưng sản xuất phải ở trình độ công nghệ cao.

Khu vực may sử dụng nhiều lao động nên trong kế hoạch đầu tư nâng cấp, tự động hóa cần cân đối hài hòa giữa tạo việc làm và cập nhật trình độ công nghệ. Theo dự báo của Vinatex và Hiệp hội Dệt may Việt Nam, không thể có sự thay đổi đột ngột từ hệ thống công nghệ này sang hệ thống công nghệ khác mà sẽ có một thời gian chuyển tiếp. Vì vậy khi đầu tư mới, DN phải hướng tới đầu tư công nghệ tự động trong khi vẫn cần duy trì sản xuất, khai thác hiệu quả hệ thống công nghệ hiện tại. Từng bước chuẩn bị cho 5 năm tới khi bước vào chu kỳ thay đổi mạnh mẽ hơn về trình độ công nghệ tại các DN dệt may.

Trong dài hạn, với vai trò là đơn vị nòng cốt, Vinatex có định hướng cụ thể gì để theo kịp xu hướng sử dụng công nghệ chung, đồng thời củng cố được vị trí hiện tại của dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới, thưa ông?

Ngay trong giai đoạn 2017-2022, Vinatex quan tâm đến việc cập nhật, nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu của công nghiệp 4.0. Qua đó, nâng cao được năng suất lao động trên đầu người, tạo môi trường làm việc ngày một tốt hơn, chất lượng sản phẩm cũng đặc biệt hơn. Quan trọng là giữ cho tập đoàn không bị đào thải khỏi hệ thống chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Đây là mục tiêu khó trong việc tiếp cận, có yêu cầu cao về nhân lực và về nguồn vốn thực hiện. Do đó, tập đoàn sẽ dành nguồn lực cho hướng nghiên cứu phát triển này, đồng thời chuẩn bị cho chuyển đổi tốt nhất để cập nhật được hệ thống sản xuất phù hợp với yêu cầu mới về kỹ thuật công nghệ.

Cùng với đó, xu thế tiêu dùng chung trên toàn thế giới là ưu tiên sản phẩm được sản xuất với giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch và bảo vệ môi trường. Các DN thuộc tập đoàn cũng phấn đấu đầu tư mới, nâng cấp cải tạo công nghệ nhằm đạt tiêu chuẩn xanh trong sản xuất. Hướng tới các sản phẩm của Vinatex xanh từ nguyên liệu đến sản xuất và cuối cùng là thành phẩm.

Theo VEN

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 4
  • 0
  • 0
  • 7
  • 2
  • 1