Thứ sáu, 17/05/2024 | 21:37 - GMT+7

Tiếp sức cho dệt may

Sau một loạt kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) gửi lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, Bộ Công Thương đã sớm tổ chức lấy ý kiến, thảo luận từ các đơn vị liên quan và có giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.

12/11/2016 - 09:10

Sau một loạt kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) gửi lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, Bộ Công Thương đã sớm tổ chức lấy ý kiến, thảo luận từ các đơn vị liên quan và có giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.

Bước sang năm 2016, xuất khẩu dệt may liên tục gặp khó, kim ngạch giảm mạnh so với năm 2015. Đã hết quý III/2016 nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện, doanh nghiệp trong ngành lao đao vì thiếu đơn hàng, thậm chí một số doanh nghiệp phải “vơ bèo gạt tép” nhận mọi đơn hàng để duy trì sản xuất. Bộ Công Thương cũng đã phải giảm mục tiêu xuất khẩu của ngành từ 31 tỷ USD xuống 29 tỷ USD.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas, nguyên nhân của tình trạng trên là do các nước sản xuất dệt may trong khu vực đang được hưởng ưu đãi vượt trội khiến hàng dệt may Việt Nam kém sức cạnh tranh trên thị trường. Cụ thể, Campuchia có hiệp định thương mại tự do với EU được hưởng thuế suất 0%, trong khi hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đang chịu mức thuế 19,6%; Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu chính như xơ, sợi từ 5% xuống 2,5%; Pakistan áp dụng chế độ thuế 0% đối với nguyên phụ liệu, bán thành phẩm và năng lượng phục vụ sản xuất hàng dệt may xuất khẩu….

Trong khi đó tại Việt Nam, chính sách về lương tối thiểu; quy định hàm lượng formaldehyde và amin thơm trong sản phẩm dệt may; hoạt động vận chuyển, lưu kho bãi… không ổn định và phức tạp đã khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp ngày một tăng. Cùng với đó, giá đơn hàng xuất khẩu giảm khiến doanh nghiệp ngành dệt may rất khó khăn.

Trước thực trạng trên, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may, Vitas đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành giải pháp gỡ khó. Được giao nhiệm vụ đánh giá tình hình của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp tháo gỡ, Bộ Công Thương đã sớm tổ chức các buổi họp, trao đổi với các đơn vị liên quan tìm hướng giải quyết.

Theo đó, trong 10 kiến nghị của Vitas có 3 kiến nghị liên quan trực tiếp và thuộc thẩm quyền đã được Bộ Công Thương tiếp thu và có hướng giải quyết. Cụ thể, với kiến nghị điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành dệt may, sang năm 2017, Bộ Công Thương dự kiến sẽ thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là trong bối cảnh một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng vừa ký Thông tư 23/2016/TT-BCT ngày 12/10/2016 bãi bỏ Thông tư số 37/2015/TT-BCT ngày 30/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, nhằm khắc phụ những bất cập về chi phí, thời gian kiểm tra cho doanh nghiệp do văn bản này gây ra trong thời gian vừa qua. Thông tư 23 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2016. Đồng thời, bộ đang triển khai xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm dệt may và dự kiến ban hành vào năm 2017.

Bộ cũng đồng ý với kiến nghị của Vitas có chế độ khen thưởng đối với các doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước tốt, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa. Đồng thời đề nghị Vitas phối hợp, tham gia triển khai đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tích cực đưa hàng Việt ra nước ngoài thông qua việc thực hiện đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020.

Với các kiến nghị dỡ bỏ quy định cấm sản xuất, xuất khẩu mặt hàng quân trang, quân phục nước ngoài; bỏ quy định tăng thuế nhập khẩu 2% đối với mặt hàng xơ staple tổng hợp từ polyester; đưa ngành nghề giặt, in, thêu hàng may mặc xuất khẩu vào danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương cho rằng đây là lĩnh vực nhạy cảm, chưa phù hợp với thực tế nên vẫn giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Với những kiến nghị liên quan đến bộ, ngành khác như: Quy hoạch và cấp phép cho khu công nghiệp dệt may lớn từ 500-1.000 ha; bỏ quy định kiểm dịch và hun trùng đối với lông vũ/ lông gia cầm đã qua xử lý có kiểm dịch đầy đủ; giãn lộ trình tăng lương tối thiểu vùng đến năm 2020 hoặc 2022, không tăng thường xuyên hàng năm và năm 2017 không tăng…, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành khác giải quyết./.

Theo ven.vn

Cùng chuyên mục

Triển lãm quốc tế về Điều khiển và tự động hóa lần thứ 7

10/05/2024 - 08:19

Triển lãm trưng bày hàng trăm sản phẩm, giải pháp công nghệ, sản phẩm thành quả của áp dụng khoa học công nghệ đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các sở, ngành, các viện, trường và các hội tự động hóa địa phương...

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 4
  • 3
  • 0
  • 0
  • 5
  • 5