Thứ bảy, 11/05/2024 | 16:23 - GMT+7

Thương mại điện tử: Gỡ bỏ rào cản để bứt phá

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, tổng doanh thu TMĐT Việt Nam đạt 4,07 tỷ USD năm 2015 và dự báo sẽ cán mốc 10 tỷ USD vào năm 2020.

18/10/2016 - 08:50

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, tổng doanh thu TMĐT Việt Nam đạt 4,07 tỷ USD năm 2015 và dự báo sẽ cán mốc 10 tỷ USD vào năm 2020. Tăng trưởng nhanh nhưng TMĐT Việt Nam đang gặp không ít rào cản, đặc biệt là dịch vụ chuyển phát và phí vận chuyển.

Tập trung hiện đại hóa kênh chuyển phát là giải pháp tăng sức cạnh tranh

Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), 45% khách hàng TMĐT phàn nàn về chi phí vận chuyển (cứ 10 người mua hàng trực tuyến thì có 4-5 người không hài lòng). Chuyển phát chậm, thiếu chuyên nghiệp cũng là rào cản lớn với người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến.

Lý giải vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam - cho biết: Phí vận chuyển khiến giá mua sắm trực tuyến không rẻ hơn đáng kể so với mua sắm truyền thống. Khách hàng mua sắm trực tuyến chủ yếu do tính tiện lợi hơn là chi phí và chất lượng.

Thống kê cho thấy, bình quân mỗi tháng, DN TMĐT sẽ phải tốn thêm khoảng 10-20% doanh thu cho các dịch vụ vận chuyển, đóng gói, thu tiền và chăm sóc khách hàng. Chi phí vận chuyển cao trở thành điểm yếu làm giảm sức cạnh tranh của các DN TMĐT.

Một rào cản nữa cũng được bà Lê Thị Hà - chuyên viên Cục TMĐT và Công nghệ thông tin - chia sẻ: Hình thức thanh toán chính là điểm yếu lớn nhất của TMĐT Việt Nam. 91% khách hàng vẫn sử dụng hình thức COD (thanh toán khi nhận hàng), gây khó khăn cho cả hệ thống cung cấp và khách hàng.

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, gỡ bỏ rào cản chuyển phát và tiết giảm chi phí vận chuyển sẽ tạo bứt phá cho TMĐT.

Để nâng cao năng lực chuyển phát, các dịch vụ chuyển phát truyền thống phải có những bước chuyển biến để phù hợp với tình hình mới. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng- Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam- cho rằng, phải có những công ty vận chuyển chuyên biệt phục vụ cho TMĐT kéo theo hệ thống kho bãi chuyên nghiệp hơn, phát triển, mở rộng các điểm nhận và giao hàng rộng khắp tại các địa phương.

Với vai trò DN chuyển phát đồng hành cùng TMĐT, bà Hà Thị Hòa - Phó Tổng giám đốc Công ty CP chuyển phát nhanh Bưu điện (VietNam Post) - cho biết, công ty đã đầu tư mở rộng thị trường chuyển phát bằng việc mở văn phòng, trung tâm khai thác có diện tích lớn, trang bị nhiều dây chuyền và thiết bị hiện đại nhất, cùng với các trạm trung chuyển tại các thành phố lớn và các phương tiện vận tải hiện đại. VietNam Post kỳ vọng sẽ chuyển hàng nhanh hơn để gia tăng thêm thị phần. Mỗi năm công ty đã chi khoảng từ 3-5% doanh thu để đầu tư vào công nghệ, nhằm giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí vận chuyển.

Ngoài ra, tập trung hiện đại hóa kênh chuyển phát, gia tăng các điểm trung chuyển để giảm chi phí vận chuyển là giải pháp tăng sức cạnh tranh được giới chuyên môn và các DN TMĐT quan tâm. Đó là lý do hàng loạt các “ông lớn” như FPT, Lazada… đang chạy đua trong cuộc chiến dịch vụ giao nhận nhanh- rẻ, để thu hút khách hàng.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà bán hàng trực tuyến và công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát, giúp DN TMĐT và DN chuyển phát tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát, tiến tới chuyên nghiệp.

    Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, các DN chuyển phát và các DN TMĐT cần hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy sự phát triển chung của TMĐT, đặc biệt khi xu hướng bán hàng qua điện thoại, mạng xã hội ngày càng phổ biến.

Theo Báo Công Thương

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 3
  • 9
  • 0
  • 9
  • 8
  • 2