Thứ năm, 02/05/2024 | 16:41 - GMT+7

Công ty Nhôm Lâm Đồng - TKV: Chuyển đổi số là lựa chọn duy nhất để tồn tại và phát triển

Trong những năm gần đây, chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đặt ra yêu cầu và trọng trách cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư khoa học công nghệ, chuyển đổi số mô hình sản xuất, kinh doanh.

19/01/2024 - 08:38
Nắm bắt xu thế này trong những năm qua dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty Nhôm Lâm Đồng - TKV (LDA) với sức trẻ, trí tuệ, niềm đam mê của đội ngũ CBCNV đầy nhiệt huyết cống hiến với công việc đã không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giảm giá thành sản phẩm, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong sản xuất kinh doanh góp phần vào mục tiêu chung chuyển đổi số của Tập đoàn và LDA.
Được sự lãnh chỉ đạo từ Ban lãnh đạo Công ty, Phòng Cơ điện đã đề xuất, phối hợp triển khai các giải pháp thực hiện chuyển đổi số và đưa vào áp dụng trong thực tế.
LDA nhận thức chuyển đổi số không chỉ là áp dụng công nghệ mà cốt lõi là ở con người, đó là tư duy, nhận thức, phương pháp, quy trình thực hiện. Thực hiện chuyển đổi số còn là sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu, từ đó truyền động lực, phát huy vai trò, sự quyết tâm của các bộ phận trong bộ máy tổ chức. Do vậy ngay từ năm 2019, thực hiện chủ trương của Tập đoàn, Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo tin học hóa, tự động hóa (nay là Ban chỉ đạo chuyển đổi số) với nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng mục tiêu, chiến lược hành động, xác định công nghệ qua từng giai đoạn.
Căn cứ các mục tiêu của ban chỉ đạo, Ban chỉ đạo chuyển đổi số do Giám đốc Công ty làm Trưởng ban, đã thành lập các tổ công tác do Giám đốc công ty là Tổ trưởng chỉ đạo trực tiếp bao gồm: Tổ công tác chuyển đổi số với mỗi phòng ban được tuyển chọn thành viên có trình độ chuyên môn tốt, nắm chắc quy trình nghiệp vụ, có khả năng tiếp cận nhanh về Công nghệ thông tin. Tổ công tác thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Giám đốc trong việc quy hoạch, thiết kế hệ thống trung tâm dữ liệu, số hóa, chuẩn hoá dữ liệu, tối ưu quy trình nghiệp vụ; Lập trình, ứng dụng phần mềm vào công tác chuyển đổi số hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh của công ty.
Các tổ công tác phần mềm có các thành viên từ các đơn vị phụ trách trực tiếp nghiệp vụ, có chức năng thực hiện các yêu cầu kỹ thuật, phối hợp cùng chuyên gia, đơn vị cung cấp phần mềm trong suốt quá trình thực hiện, đánh giá tính hiệu quả và tính khả thi; với mục tiêu phần mềm đảm bảo các điều kiện hoạt động ổn định, tính năng thiết thực, hiệu quả, tính kết nối hệ thống theo bản quy hoạch tổng thể.
Quan tâm đào tạo, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số
Để phát huy vai trò con người, trong thời gian qua Công ty đã triển khai quyết liệt công tác đào tạo, phổ cập nhận thức đã đến từng bộ phận và cá nhân: Từ chỗ còn nhiều cách hiểu khác nhau đến việc có nhận thức chung, cùng hướng về mục tiêu chung trong chuyển đổi số.
Hình ảnh buổi họp chuyên đề về chuyển đổi số tại công ty
Để thực hiện được việc đào tạo nhận thức chuyển đổi số, LDA đã và đang “làm mới” những “người cũ”. CBCNV được đào tạo bài bản về nhận thức, thao tác trên máy tính, phần mềm thông qua các buổi đào tạo tập trung, các buổi học chuyên đề, để nắm bắt, thực hành những công nghệ mới thay thế cho cách làm truyền thống. Đối với cán bộ thì phải đào tạo ở trình độ cao hơn, nắm bắt những công nghệ cao hơn; Người biết đào tạo cho người chưa biết, từ đó lan tỏa đến tất cả thành viên đơn vị mình; kết hợp với việc đánh giá mức độ thực hiện, có cơ chế thưởng phạt theo quy định. Đến nay kết quả đào tạo nhận thức đạt 100% ở bộ phận quản lý gián tiếp, và trên 92,5% lao động trực tiếp.
Phát triển hệ thống phần mềm, ứng dụng công nghệ
Từ nền tảng quy hoạch, kế hoạch tổ chức thực hiện, đến nay chuyển đổi số ở LDA đã chuyển từ nhận thức thành hành động. Hầu hết hoạt động chính của Công ty đã được đưa lên môi trường số ở các mức độ khác nhau. Có thể nêu một số điển hình như:
Về phần mềm Cơ điện, từ khi đưa vào hoạt động đến nay về công tác quản lý thiết bị đã hoàn toàn thực hiện trên phần mềm.
Hình ảnh tổng quan phần mềm quản lý cơ điện
Công tác tuần kiểm thực hiện bằng phần mềm Barcode, nên việc xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng đạt độ chính xác và tin cậy cao.
Ngoài ra phần mềm đã kết nối liên thông được với các phần mềm kế toán, Voffice nên việc xuất, lĩnh vật tư, trình ký văn bản được thực hiện hoàn toàn tự động. Ưu điểm của giải pháp là thời gian xử lý công việc nhanh, quy trình tin gọn, công tác quản lý thiết bị bài bản khoa học, phương pháp bảo trì theo hiện trạng tiên tiến hiện đại, chính xác, mang lại hiệu quả quản lý cao.
Hình ảnh ứng dụng quản lý thiết bị trên app mobile
Trước đây công tác quản lý tiêu thụ còn thủ công, đếm bao bì sản phẩm, thống kê bằng chi chép sổ sách, bảng tính excel. Sau khi ứng dụng phần mềm quản lý tiêu thụ, sản phẩm được dán mã QR code, việc thống kê, báo cáo thực hiện hoàn toàn bằng phần mềm. Ưu điểm của ứng dụng là tiết kiệm thời gian, nhân công, số liệu nhanh chóng, tin cậy. Quy trình tinh gọn, tiết kiệm thời gian, tính chính xác cao, là phương pháp quản lý tiên tiến có tính minh bạch, chính xác cao. Tiết kiệm được rất nhiều thời gian đầu ngày, đầu ca cho việc viết bằng tay như trước khi có phần mềm.
Hình ảnh trước và sau khi áp dụng Qcode
Hình ảnh phần mềm quản lý tiêu thụ
Bên cạnh quá trình phát triển các phần mềm trên, điểm nhấn trọng tâm tại LDA là phát triển hệ thống phần mềm quản trị nội bộ. Trong thời gian qua, với tinh thần nỗ lực học hỏi, Công ty đã tự nghiên cứu áp dụng các công nghệ phần mềm như: nền tảng Office 365, quản trị dữ liệu tập trung SQL Server, phân tích báo cáo thông minh Power BI. Từ đó lập trình thành công một số phần mềm phục vụ quản lý nội bộ như: lập kế hoạch; nghiệm thu, thống kê, quản lý chất lượng; khoán quản trị chi phí… Ưu điểm của phần mềm là hệ thống quản trị nội bộ phân tích dữ liệu tập trung, tổng thể các đối tượng thống kê điều hành sản xuất, quản lý kỹ thuật công nghệ, quản trị chi phí, quản lý thiết bị… tạo các biểu đồ trực quan, theo thời gian thực, giúp cho ban lãnh đạo có bức tranh đầy đủ, logic, trực diện tình hình sản xuất kinh doanh, hỗ trợ ra quyết định điều hành chính xác, mọi lúc, mọi nơi. Nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý, tối ưu phương thức sản xuất, mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Từ khi tiếp nhận nhà máy, hệ thống điều khiển tự động hóa dây chuyền của nhà máy gặp rất nhiều khó khăn và tồn tại trong quá trình sử dụng và vận hành. Hệ thống điều khiển thiết bị lỗi thời, không được sự hỗ trợ từ các hãng sản xuất như Honeywell, Siemens,… các phòng điều khiển bố trí rời rạc chưa tập trung nhiều về phòng điều hành trung tâm, tín hiệu chập chờn, thường xuyên gây ra các sự cố lớn ảnh hưởng đến sản xuất và kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty trong thời gian đầu tiếp quản.
Sau khi tiếp nhận và vận hành, LDA đã ngày một cải tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật, triển khai giải pháp mới tiên tiến từ các hãng Honeywell, Siemens…; triển khai xây dựng chương trình quy hoạch hệ thống tự động hóa trong giai đoạn 2018- 2020, 2020-2025 và tầm nhìn 2030, làm cơ sở để nâng cấp, phát triển hệ thống điều khiển tự động, nâng cao chất lượng, tối ưu hóa sản xuất theo lộ trình đã đăng ký với TKV. Các nội dung thực hiện cụ thể như sau: với hệ thống chấp hành, thay thế hệ thống van điện điều khiển tự động cho hệ thống van cơ vận hành thủ công bằng tay; thay thế, bổ sung hệ thống thiết bị đo công nghệ hiện đại cung cấp tin hiệu hệ thống điều khiển tự động, giám sát điều hành sản xuất.
Trong giai đoạn 2018-2020, Công ty đã thực hiện sửa chữa lớn các phòng điều khiển trung tâm, đưa toàn bộ tín hiệu điều khiển, giám sát về phòng điều hành tập trung D26 với giá trị khoảng 48 tỷ đồng. Hệ thống sau sửa chữa được áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến của hãng Honeywell và Siemens đáp ứng được yêu cầu công nghệ. Các thông số vận hành dây chuyền được quản lý tập trung và thể hiện trên màn hình trung tâm, từ đó được trực quan hóa dạng biểu đồ theo thời gian thực bằng phần mềm Power Bi, hỗ trợ điều hành tổng thể quy trình sản xuất và thống kê, quản lý chỉ tiêu KTCN. Bên cạnh đó dữ liệu sản xuất được số hóa, quản lý tập trung làm tiền đề quan trọng cho phát triển chuyển đổi số tại Công ty.
Chú trọng số hóa dữ liệu, quy trình
Để thực hiện chuyển đổi số, bước đầu tiên là thực hiện công tác số hóa, chuẩn hóa dữ liệu và quy trình. Trước đây hầu hết dữ liệu tại Công ty chưa được số hóa, lưu trữ rời rạc, tên gọi chưa thống nhất...; quy trình làm việc còn nhiều bước, nhiều khâu theo các làm thủ công truyền thống. Do vậy, ngay từ năm 2019, Công ty đã chủ động đẩy mạnh triển khai số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình. Đến nay, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Đã hoàn thành cập nhật 100% dữ liệu thiết bị sản xuất với 3.200 mã định danh thiết bị, trên 65.000 mã phụ tùng, 22.000 mã hiện trạng, tiêu chuẩn vận hành thiết bị sản xuất. Chuẩn hóa hơn 25.200 mã vật tư theo tiêu chuẩn quy định của Tập đoàn. 720 mã định danh sản phẩm, bán thành phẩm, 1.200 chỉ tiêu quản lý chất lượng. 54 mã khoản mục phí, quản trị chi phí.
Trên cơ sở số hóa, dữ liệu được kết nối, lưu trữ, quản trị tập trung tại trung tâm dữ liệu… đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn, tính kết nối và giá trị sử dụng cho các phần mềm và cổng thông tin dữ liệu.
Hình ảnh minh hoạ về số hoá dữ liệu
Bên cạnh việc số hóa dữ liệu, công tác số hóa, chuẩn hóa Quy trình được Công ty triển khai quyết liệt, một số quy trình theo phương pháp làm thủ công truyền thống còn bất cập, chưa phù hợp với cách làm trên công nghệ số đã được Giám đốc và ban lãnh đạo chủ trì trực tiếp cùng các phòng ban, đơn vị số hóa và chuẩn hóa cho phù hợp, tuân thủ nguyên tắc lấy người lao động làm trung tâm để ứng dụng các công nghệ số, cải tiến công việc. Đến nay số hóa trên 33 quy trình công việc, tiêu biểu như: Thống kê, điều hành sản xuất, quản lý chất lượng, kế hoạch nội bộ, nghiệm thu, khoán quản trị chi phí, quản lý KTCN…
Số hóa, chuẩn hóa dữ liệu và quy trình góp phần thay đổi căn bản, toàn diện về tư duy, mô hình, văn hoá làm việc, thu hẹp khoảng cách không gian, thời gian ở tất cả các bộ phận trong toàn Công ty, giúp gắn kết và gia tăng sức mạnh tập thể, cùng nhau vì mục tiêu chung thực hiện chuyển đổi số.
Quy hoạch tổng thể hệ sinh thái chuyển đổi số tại LDA
Trên cơ sở chiến lược của Ban chỉ đạo. Từ cuối năm 2021, để đảm bảo chuyển đổi số phát triển một cách đồng bộ, tối ưu và đúng hướng. Công ty đã phối hợp cùng các tập đoàn công nghệ lớn như Siemens, FPT, Viettel… tập trung xây dựng Quy hoạch Hệ sinh thái chuyển đổi số. Và sau gần 1 năm đến tháng 7/2022 Công ty chính thức ban hành Quyết định Quy hoạch cùng với lộ trình triển khai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Bản quy hoạch này chính là nền móng cho việc phát triển hệ sinh thái, có vai trò như một bản đồ tư duy, định hướng cho việc triển khai các kế hoạch cụ thể ở từng khu vực, từng thời kỳ. Hướng tới mục tiêu xây dựng nhà máy thông minh, doanh nghiệp số.
Hình ảnh quy hoạch hệ sinh thái chuyển đổi số của công ty
Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là hướng đi tất yếu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, là con đường nhanh nhất đi đến mục tiêu phát triển bền vững. Với thành công bước đầu của chương trình chuyển đổi tại LDA đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác sản xuất, kinh doanh; tin tưởng rằng chương trình chuyển đổi số tại Công ty sẽ tiếptục được đẩy mạnh, phát triển trong giai đoạn tới, đáp ứng xu thế của thời đại./.
Nguồn: vinacomin.vn/

Cùng chuyên mục

Sản phẩm công nghệ cao, công nghệ xanh cho người tiêu dùng và sản xuất

26/04/2024 - 08:32

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Trung tâm Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị (Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia) phối hợp Hội Tự động hóa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, Hội Kinh tế số, Chi hội Doanh nhân xúc tiến thương mại quốc tế tổ chức “Triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh lần đầu được giới thiệu đến người tiêu dùng và cho sản xuất.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 3
  • 1
  • 2
  • 4
  • 5
  • 2