Trước sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trên toàn cầu đã, đang và sẽ tác động sâu sắc đến nền kinh tế, chính trị thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, CĐS đối với Vietsovpetro không chỉ là tất yếu khách quan của doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài có vốn đầu tư của nhà nước, mà còn là động lực để phát triển bền vững và lâu dài.
CĐS với mục tiêu chính là tối ưu chi phí, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả. Với Vietsovpetro, để tăng năng suất chính là tăng cường ứng dụng công nghệ giúp nâng cao hiệu quả thăm dò và khai thác dầu khí cũng như tối ưu hóa quản trị, góp phần tiết giảm chi phí hoạt động, giảm giá thành khai thác trên một tấn dầu, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả chung.
Xác định CĐS chính là chìa khóa để doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia đạt được thành công trong cuộc CMCN 4.0. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã sớm nêu các giải pháp đột phá cần chú trọng thực hiện, trong đó cần "Nghiên cứu ứng dụng thành tựu mới của công nghệ thông tin và CMCN 4.0 vào quản lý, điều hành và các hoạt động phục vụ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí". Từ kỳ họp Hội đồng Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro lần thứ 53 năm 2020, hai phía đã giao nhiệm vụ thực hiện các biện pháp phát triển hệ thống thông tin có liên quan đến công tác CĐS "Xây dựng Trung tâm điều hành sản xuất mới, tìm hiểu về Trung tâm giám sát vận hành của Zarubezhneft, xây dựng Digital Twin cho BK-20".
Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội về CĐS
Để triển khai các hạng mục công việc liên quan CĐS một cách đồng bộ hiệu quả, đến cuối năm 2021, Vietsovpetro đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác CĐS của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Tại kỳ họp lần thứ 54 Hội đồng Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro năm 2021, hai phía đã giao Vietsovpetro thuê tư vấn bên ngoài để xây dựng chiến lược (chương trình) tổng thể về CĐS, phát triển hệ thống công nghệ thông tin có xem xét kinh nghiệm của AO Zarubezhneft, Công ty liên doanh Rusvietpetro.
Với tầm quan trọng, tính cấp bách của CĐS với Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, năm 2022 Đảng ủy Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro tiếp tục Ban hành Nghị quyết số 79-NQ/ĐU về "Thực hiện CĐS tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đến năm 2025, định hướng 2030". Tại Nghị quyết này, Đảng ủy đã đánh giá rõ tình hình, nguyên nhân, sự cần thiết phải tiếp cận chủ động tham gia CMCN 4.0, trong đó xác định "CĐS là xu thế tất yếu khách quan, là chìa khóa để gia nhập cuộc CMCN 4.0". Trong đó, Đảng ủy Vietsovpetro đưa ra quan điểm chỉ đạo: CĐS phải gắn liền với thay đổi nhận thức của cán bộ đảng viên người lao động Vietsovpetro. Công tác CĐS phải có sự chỉ đạo thống nhất của cấp ủy lãnh đạo đơn vị, sự tham gia của cán bộ đảng viên, người lao động và các tổ chức chính trị xã hội.
Trong năm 2022, Vietsovpetro đã thực hiện triển khai xây dựng chiến lược tổng thể CĐS và phát triển hệ thống thông tin của Vietsovpetro phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất; tổ chức các khóa đào tạo về CĐS, trong đó chú trọng về các nền tảng cốt lõi gồm điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Liên doanh đã tổ chức nhiều khóa tập huấn CĐS trong doanh nghiệp cho các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ công tác CĐS cùng các cán bộ quản lý thuộc các phòng ban, đơn vị; tổ chức các buổi hội thảo về CĐS với các nhà tư vấn chuyên nghiệp…
Một khóa tập huấn về CĐS tại Liên doanh Việt- Nga Vietsovpetro.
Ngoài ra, trong thời gian này, Vietsovpetro cũng đã triển khai hàng loạt các giải pháp liên quan CĐS và hoàn thiện hệ thống thông tin như: hệ thống quản lý việc vận chuyển người và hàng hóa bằng tàu ra các công trình biển; thu thập và truyền dữ liệu công nghệ từ công trình biển vào bờ trong thời gian thực; xây dựng đường truyền biển - bờ tốc độ cao; tìm kiếm giải pháp kỹ thuật số điều hành sản xuất; tự động hóa quản lý bảo trì định kỳ, chống ăn mòn đường ống và thiết bị; hệ thống huấn luyện ảo "Khai thác thiết bị bơm ngầm ly tâm"; tích hợp hệ thống thông tin Trung tâm giám sát vận hành của Zarubezhneft vào hệ thống SVODKA VSP; xây dựng phương án trang bị hệ thống camera giám sát các công trình bờ; đánh giá khả năng áp dụng chương trình giám sát trực tuyến các thông số vận hành máy bơm điện ngầm ly tâm; xây dựng Digital Twin cho BK-20…
Đến nay, điểm nhấn trong năm 2023 của Vietsovpetro có thể kể đến dự án "Tư vấn chiến lược tổng thể về CĐS và phát triển hệ thống công nghệ thông tin" với Liên danh nhà thầu FPT - PetroSouth. Đây được đánh giá là một bước đi quan trọng trong lộ trình CĐS tại Vietsovpetro theo nghị quyết đã được thông qua tại Hội đồng 54 và 55 của hai phía. Việc xây dựng chiến lược CĐS và phát triển hệ thống công nghệ thông tin được tiến hành song song với công việc sản xuất kinh doanh và phát triển các giải pháp công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu sản xuất trong khuôn khổ các nội dung mà hội đồng hai phía đã phê duyệt. Bên cạnh đó, Vietsovpetro cũng đã lập quy trình khảo sát nội bộ để thống nhất về định hướng, quan điểm chỉ đạo và bố trí nguồn lực nội bộ để phối hợp thực hiện tốt và đúng tiến độ các hạng mục của dự án.
Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và Liên danh nhà thầu FPT - Petro South ký Biên bản khởi động dự án "Tư vấn chiến lược tổng thể về CĐS và phát triển hệ thống công nghệ thông tin".
Đến thời điểm hiện tại, dự án đã nhận được những tín hiệu tích cực; các hạng mục ưu tiên được triển khai gồm nâng cấp hệ thống eOfficen, nâng cấp hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP ORACLE, công tác an ninh mạng, tìm kiếm giải pháp kiểm soát trực tuyến và tối ưu hệ thống đường ống, xử lý dầu thành phẩm, hệ thống gaslift và bơm ép nước, áp dụng trí tuệ nhân tạo AI/máy học ML trong minh giải địa chấn… Bên cạnh việc triển khai dự án tư vấn CĐS, Vietsovpetro cũng đã và đang tiếp tục thực hiện, triển khai các hạng mục phát triển hệ thống thông tin, chuẩn bị cho chương trình CĐS đã nằm trong kế hoạch sản xuất của Vietsovpetro.
Bám sát những mục tiêu của chủ trương và chiến lược CĐS của Petrovietnam, nhất là giai đoạn 2023-2025 và đến 2030, Vietsovpetro sẽ tiếp tục triển khai công tác CĐS với những mục tiêu cụ thể.
Giai đoạn 2023-2025, Vietsovpetro sẽ triển khai thực hiện chương trình chiến lược CĐS theo lộ trình trong phạm vi toàn liên doanh, chú trọng triển khai đồng bộ về văn hóa số và văn hóa doanh nghiệp, đồng thời xây dựng/triển khai các sáng kiến số trong chương trình tổng thể CĐS để thực hiện một trong những nhóm giải pháp đột phá (được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Vietsovpetro lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025), đó là nghiên cứu ứng dụng thành tựu mới của công nghệ thông tin và CMCN 4.0 vào quản lý điều hành và các hoạt động phục vụ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
Giai đoạn 2025-2030, Vietsovpetro sẽ tiếp tục triển khai và đánh giá việc thực hiện chương trình CĐS theo lộ trình với tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu 100% các đơn vị trực thuộc Vietsovpetro vận hành hoạt động sản xuất - kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, tiến tới hình thành văn phòng không giấy tờ (trừ các giấy tờ bắt buộc theo quy định), cũng như ứng dụng các công nghệ số hàng đầu, chuyên ngành trong lĩnh vực tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí, các công trình sản xuất thông minh.
Giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ
Được thành lập vào năm 1981, chỉ sau đó 3 năm, Vietsovpetro đã phát hiện dòng dầu công nghiệp tại trầm tích Mioxen, mỏ Bạch Hổ. Những tấn dầu xuất khẩu đầu tiên của Vietsovpetro vào ngày 26/6/1986 đã ghi tên Việt Nam trên bản đồ dầu khí thế giới. Ngày 6/9/1988, doanh nghiệp đánh dấu bước ngoặt của ngành Dầu khí Việt Nam qua sự kiện tìm thấy một loại thân dầu mới trong tầng đá móng granit nứt nẻ - một hiện tượng địa chất rất hiếm, cũng tại mỏ Bạch Hổ. Thành công của Vietsovpetro đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử ngành Dầu khí, đặt nền móng và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khí, điện, đạm tại Việt Nam.
Trong suốt 42 năm xây dựng và phát triển, Vietsovpetro đã khảo sát hàng trăm nghìn km2 tuyến địa chấn 2D và hàng chục nghìn km2 địa chấn 3D trên thềm lục địa Việt Nam, phát hiện 9 mỏ dầu khí có giá trị thương mại. Với sản lượng khai thác hơn 246 triệu tấn dầu, chiếm gần 60% tổng lượng dầu khai thác của toàn ngành Dầu khí Việt Nam, cung cấp về bờ trên 38,2 tỷ m3 khí.
Với những thành quả đã đạt được làm nền tảng, cùng với những chiến lược phát triển được hoạch định trong dài hạn, chương trình CĐS toàn diện sẽ góp phần giúp Vietsovpetro giữ vững vai trò trụ cột trong Petrovietnam, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.
Nguồn: Petrotimes