Chủ nhật, 28/04/2024 | 20:28 - GMT+7

Ưu đãi đầu tư công nghệ cao nhằm tận dụng làn sóng dịch chuyển sản xuất

Theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, “bối cảnh quốc tế hiện nay tạo ra những lực đẩy cơ bản thuận chiều, có lợi, để Việt Nam duy trì và gia tăng sức hấp dẫn trong thu hút FDI”.

26/09/2023 - 09:03
Thời cơ "lớn khác thường"
Đầu tiên phải kể tới sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Có thể "lượng hóa" phần nào sự chuyển dịch này từ báo cáo "Dòng vốn FDI: Bền bỉ đối mặt với thách thức" do Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa công bố.
Báo cáo cho biết, tỷ trọng FDI toàn cầu của khu vực ASEAN đã tăng vọt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) năm 2008 và tăng tốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gần đây. ASEAN thu hút mức cao kỷ lục gần 17% vốn FDI toàn cầu trong năm 2022 (tương đương khoảng 230 tỷ USD), gần gấp đôi so với 4 năm trước.
Robot thao tác trên tấm pin năng lượng mặt trời tại nhà máy REC Solar ASA, Singapore - Nguồn: Bloomberg
Đáng chú ý là trong 3 năm qua, Mỹ với thị phần 17%, đã thay thế khu vực nội khối ASEAN (14%) để trở thành quốc gia đầu tư FDI lớn nhất trong khu vực, mặc dù cách biệt với tỷ lệ không lớn. Một phần lớn FDI của Hoa Kỳ đã chảy vào ngành sản xuất tiên tiến, chẳng hạn như sản xuất chất bán dẫn cao cấp ở Singapore và Malaysia.
"Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy các nhà đầu tư đẩy nhanh việc di dời chuỗi cung ứng sang nơi khác, trong đó ASEAN nhờ vào địa lý lân cận và các tiêu chuẩn cơ bản được cải thiện, đã hiển nhiên nổi lên như một điểm đến thay thế" và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được hưởng lợi chính - báo cáo nhận xét.
Việt Nam và Mỹ cũng vừa nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện - một mốc lịch sử mở ra cơ hội có tính chất chiến lược cho Việt Nam.
Chiến lược "friend - shoring", nghĩa là đưa đầu tư và chuỗi cung ứng sang các nước được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp, được Hoa Kỳ và các nước đồng minh quyết liệt thúc đẩy sau khi xảy ra căng thẳng thương mại với Trung Quốc, lại thêm tác động của đại dịch Covid - 19 nhằm bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng.
Theo các phân tích gần đây, đến năm 2025, có đến 25% sản phẩm của Apple được sản xuất ngoài Trung Quốc và con số này sẽ tăng dần theo thời gian. Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia được Apple lựa chọn.
Đến nay tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. "Bộ ba" đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở nước ta thời gian gần đây.
Vấn đề là tận dụng thế nào?
Trong tham luận gửi đến Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút FDI từ các đối tác thuộc các nước phát triển".
Một ý kiến của chuyên gia đến từ Hàn Quốc là quốc gia có nhiều dự án lớn đang đầu tư tại Việt Nam cũng rất đáng lưu tâm: "Trong bối cảnh môi trường đầu tư có nhiều yếu tố không thuận lợi, nếu các chính sách về thuế không có hiệu quả thì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như thế mạnh về giá nhân công rẻ sẽ không còn nữa."
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, điều quan trọng nhất là Việt Nam phải duy trì được môi trường pháp lý ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, minh bạch.
Đặc biệt là cần có chính sách hỗ trợ mới cho các nhà đầu tư có đóng góp lớn cho sự phát triển của quốc gia, tuyển dụng số lượng lao động lớn, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng xanh.
Sự có mặt của các "đại bàng" công nghệ cao sẽ kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh, từ đó hình thành và mở rộng hệ sinh thái công nghệ, tạo hiệu ứng lan tỏa. Điều này đã được chứng thực từ các "trường hợp điển hình" như Samsung, LG, Canon… Khi hệ sinh thái công nghệ mở rộng, "đất" cho các dự án FDI chất lượng thấp, quy mô nhỏ khắc sẽ thu hẹp lại!
Thực tế, Việt Nam là điểm sáng thu hút FDI nhưng chất lượng có xu hướng suy giảm và phần lớn doanh nghiệp FDI đang hoạt động có quy mô nhỏ và vừa, dù là theo tiêu chí về vốn, lao động hay doanh thu.
Theo khảo sát PCI - FDI 2022 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (thực hiện tại 1.282 doanh nghiệp FDI), có gần 83% doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 100 tỷ đồng; 1/4 doanh nghiệp FDI sử dụng dưới 10 lao động và 57,4% có dưới 50 lao động. 
Về doanh thu, gần 25% số doanh nghiệp FDI có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 77,8% có doanh thu dưới 100 tỷ đồng trong năm 2022.
Phân theo hệ thống ngành nghề, kết quả khảo sát có gần một nửa (49,5%) số doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và chế tạo; 39% trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại; 7% trong lĩnh vực xây dựng.
Còn theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, bình quân vốn đầu tư FDI tại Việt Nam thời gian qua khoảng 15 - 16 triệu USD/dự án. Tuy số dự án đầu tư vào Việt Nam tăng nhưng tổng vốn đăng ký lại giảm, do các dự án đầu tư quy mô lớn giảm. Đây là điều đáng lo ngại, bởi "có bột mới gột nên hồ".
FDI đã, đang và sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam - đây là tiếng nói chung của các chuyên gia có mặt trong Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 vừa diễn ra.
"Nguồn lực này chứa đựng tiềm năng tạo bước nhảy vọt phát triển. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là thu hút và định hướng sử dụng FDI thế nào để lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", vấn đề TS. Trần Đình Thiên nêu rất đáng suy nghĩ, nhất là khi cơ hội không chờ đợi ai và thời gian cũng là một nguồn lực quan trọng cần được sử dụng hiệu quả.
Nguồn: tuoitre.vn

Cùng chuyên mục

Cần chính sách đột phá phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

22/04/2024 - 08:40

Theo các chuyên gia, để nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, cần có cơ chế, chính sách đột phá như: Hỗ trợ học phí, các ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo...

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 7
  • 5
  • 7
  • 4
  • 0