Hiệu quả từ các chương trình chuyển đổi số
Thời gian qua, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số Tổng công ty giao. Công ty cũng đã chủ động xây dựng và đẩy mạnh các chương trình chuyển đổi số tại Nhà máy và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong công tác quản lý hành chính, công tác văn phòng, đào tạo được số hóa, CBCNV có chức trách, nhiệm vụ được cấp chữ ký số và được áp dụng trong các ứng dụng/giao dịch quản lý nội bộ. Kiểm soát ra/vào cổng Nhà máy, phần mềm quản lý kiểm soát đơn vị ngoài vào làm việc. Công ty đã thực hiện lập hồ sơ công việc trên hệ thống văn phòng điện tử để xử lý, áp dụng chữ kỹ số, phê duyệt lệnh công tác trên môi trường điện tử, ứng dụng các phần mềm họp trực tuyến, áp dụng mã QR cung cấp tài liệu họp, 100% cuộc họp không sử dụng giấy. Qua đó, giảm chi phí in ấn, lưu trữ tài liệu, giảm chi phí đi lại…
CBCNV vận hành đang nhập dữ liệu thông số vận hành qua máy tính bảng IPAD
Trong công tác sản xuất, các đề tài khoa học công nghệ, phần mềm áp dụng như: nghiên cứu điều khiển, giám sát hệ thống cấp nước thô bằng SCADA (Hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu) trên nền tảng Web, phần mềm mã số mã vạch, phần mềm Phiếu/Lệnh công tác, phần mềm Quản lý khiếm khuyết, quản lý phiếu đề xuất đã được CBCNV triển khai nghiên cứu, áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao. Đề tài “Nhật ký điện tử tự động trên hệ thống Main DCS” có thể tự động thu thập, cập nhật thông số vận hành của các hệ thống Lò hơi, Turbine và các hệ thống khác trong Nhà máy. Các thông số thu thập có thể được dùng để phân tích, chẩn đoán các lỗi có thể xảy ra đối với các thiết bị, từ đó có thể đề ra các giải pháp để phòng ngừa sự cố, nâng cao hiệu suất thiết bị.
Trong đó, phần mềm mã số mã vạch giúp chuẩn hóa, áp dụng mã số - mã vạch trong công tác quản lý vật tư từ khâu nhập kho, xuất kho; tìm kiếm vật tư tồn kho nhanh chóng, nhận biết chính xác vật tư cần thông qua hình ảnh, thông số kỹ thuật đã được làm rõ; tra cứu, tìm kiếm vật tư mọi lúc, mọi nơi bằng các thiết bị điện tử thông minh đáp ứng kịp thời cho công tác sửa chữa; chủ động trong việc theo dõi hàng tồn kho trên hệ thống; giảm chi phí tồn kho do luôn kiểm soát được tồn kho tối thiểu và trợ giúp quyết định mua mới vật tư. Trong khi đó, phần mềm Phiếu/Lệnh công tác đã thay thế hoàn toàn việc cấp Phiếu/Lệnh công tác bằng giấy, giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp phiếu; dễ dàng trong việc lưu trữ, theo dõi, tra cứu.
Kỳ vọng bứt phá trong tương lai
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn nhận định đẩy mạnh chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình hiện đại hóa, toàn cầu hóa, nâng cao năng suất, hiêu quả và tiết kiệm chi phí. Bước sang năm 2023, tiếp tục xu hướng của cuộc cách mạng 4.0, công tác chuyển đổi số hứa hẹn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh tại NMNĐ Nghi Sơn 1. Bên cạnh công tác văn phòng, đào tạo, hồ sơ công việc đã được số hóa và ngày càng cải thiện; một số nội dung, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất dự kiến cũng sẽ được thực hiện.
Công tác phân tích RCM cho 17 hệ thống và cập nhật dữ liệu các hệ thống đã phân tích lên phần mềm PMIS sẽ tiếp tục được triển khai theo chương trình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Các ứng dụng nhật ký vận hành điện tử, giám sát độ rung thiết bị bằng phần mềm, giám sát online hệ thống điện… dự kiến cũng sẽ được triển khai trong năm 2023, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số được giao.
Bên cạnh đó, xác định chuyển đổi số là quá trình phức tạp và đòi hỏi sự đầu tư lớn, cần có kế hoạch, mục tiêu cụ thể để vượt qua nhiều thách thức. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2023 và những năm về sau, Lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn không ngừng khuyến khích tinh thần lao động sáng tạo của CBCNV; đầu tư áp dụng công nghệ mới nhằm tăng hiệu quả sản xuất và quản lý. Đào tạo và nâng cao năng lực CBCNV trong việc sử dụng, áp dụng công nghệ mới. Tiếp tục hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm để cung cấp giải pháp công nghệ, hỗ trợ đào tạo nhân viên và cung cấp các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi số.
Giai đoạn 2023 - 2025, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn sẽ tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển, hoàn thành chuyển đổi số tại đơn vị; tăng cường số hóa và liên tục cải tiến, vận hành các quy trình chuyên môn nghiệp vụ, sản xuất kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, góp phần “nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí” trong thời đại mới, tích cực bứt phá trong tương lai.
Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (NMNĐ Nghi Sơn 1) do Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn quản lý vận hành, đặt tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 600MW; được khởi công tháng 7/2010. Kể từ khi đi vào vận hành, Nhà máy luôn đảm bảo sẵn sàng các tổ máy, đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống điện quốc gia. Tính đến hiện tại, sản lượng điện phát của Nhà máy đã đạt mốc 29 tỷ kWh, góp phần đảm bảo an ninh hệ thống điện, đặc biệt cho khu vực Thanh Hóa - Nghệ An trong các đợt cao điểm nắng nóng. |
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn/