Thứ bảy, 27/04/2024 | 03:32 - GMT+7

Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo

Hội thảo "Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo", với sự tham gia của khoảng 400 đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và cơ quan truyền thông báo chí.

26/10/2018 - 15:21
Để giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về phát triển bền vững cũng như lợi thế bền vững đến từ sự sáng tạo, ngày 26 tháng 10 năm 2018, Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức hội thảo "Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo", với sự tham gia của khoảng 400 đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và cơ quan truyền thông báo chí.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết: “Thế giới ngày nay đang bước vào thời kỳ mới của cuộc CMCN 4.0. Chúng ta biết rằng qua mỗi lần CMCN xảy ra, thế giới sẽ chứng kiến một bước phát triển lớn bởi một số nước đã biết tận dụng cơ hội, đưa công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh để tạo ra năng suất mới. Họ trở thành các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tương tự như vậy, cuộc CMCN lần thứ 4 là cơ hội duy nhất, “trăm năm mới có” để các nước đang phát triển như Việt Nam tạo ra bước nhảy vọt, theo kịp các quốc gia khác.
Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đã tạo ra được những thành tựu nhất định, nhưng phải thừa nhận rằng trình độ phát triển kinh tế của đất nước ta còn thấp. Việc nắm bắt cuộc CMCN 4.0 để vươn lên là quy luật tất yếu đối với Việt Nam. Đội quân chủ lực của nền kinh tế chúng ta là doanh nghiệp. Nếu không có doanh nghiệp, chắc chắn không thể có nền kinh tế số. Bên cạnh đó, để một doanh nghiệp phát triển theo nền tảng công nghệ mới, không biện pháp, công cụ nào tốt hơn đổi mới sáng tạo”. 
Hội thảo gồm 2 phần: CMCN lần thứ 4 và thời đại số ; Số hóa doanh nghiệp Việt Nam và quốc gia khởi nghiệp. 
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số
“Kinh tế số là hệ sinh thái gồm hàng hóa, dịch vụ, các nền tảng và giải pháp có sử dụng hoặc dựa trên việc kết nối Internet và truy cập trực tuyến”. - Khái niệm về kinh tế số của UNESCAP.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết, nền kinh tế số gồm 4 trụ cột chính là hạ tầng công nghệ số, hạ tầng hỗ trợ, kinh doanh điện tử và thương mại điện tử. Trong đó, ở 3 trụ cột đầu tiên, Việt Nam không được đánh giá cao, chỉ được xếp hạng thấp so với mức trung bình của khu vực. Điểm sáng duy nhất nằm ở thương mại điện tử, với quy mô thị trường B2C năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD và mức tăng trưởng mạnh 25%/năm. 
Theo bà Huyền, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là sự thay đổi liên quan tới việc ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động của doanh nghiệp như sản xuất, kinh doanh, kho vận, chăm sóc khách hàng và marketing,… Điều này mang lại cho doanh nghiệp 5 lợi ích lớn: tăng tỉ suất lợi nhuận, tăng năng suất, giảm chi phí, tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ mới và tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ cũ và tăng lòng trung thành của khách hàng. 
Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hitachi Consulting Việt Nam
Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hitachi Consulting Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số mang đến 3 thách thức lớn cho doanh nghiệp là thách từ về nguồn nhân lực; rào cản trong văn hóa doanh nghiệp và tính nhạy bén trong kinh doanh để đáp ứng nhanh chóng với xu hướng và cơ hội trong thị trường. 
Ông Quỳnh cho biết thêm có 3 loại hình đổi mới chính làm tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp là đổi mới sản phẩm, dịch vụ, thị trường; đổi mới hoạt động như cải thiện hiệu quả và hiệu suất của các quy trình và chức năng cốt lõi và đổi mới mô hình kinh doanh. Trong đó, đổi mới mô hình kinh doanh với các minh chứng về sự thành công như Amazon, Apple, Grab, Uber là loại hình mà doanh nghiệp nên tập trung nhất. 
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia và khách mời còn cùng nhau phân tích và làm rõ nhiều nội dung khác như Chuyển đổi kinh doanh trong ngành công nghiệp 4.0, Ứng dụng số hóa trong doanh nghiệp, Quy trình chuyển đổi doanh nghiệp sang mô hình doanh nghiệp số và Các xu hướng tiếp thị số làm thay đổi mô hình kinh doanh với các điển hình tiêu biểu của Microsoft Châu Á-Thái Bình Dương, Công ty CP Misa và Công ty CP Công nghệ chọn lọc thông tin. 
Hội thảo còn diễn ra 2 tọa đàm về “Thách thức và cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ 4.0” và “Ứng dụng số hóa trong quản trị điều hành doanh nghiệp”. 
Kết thúc hội thảo, các chuyên gia và khách mời đều đồng ý với quan điểm rằng muốn tồn tại và phát triển trong thời đại kỷ nguyên số, doanh nghiệp phải thay đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và quản trị. Đổi mới sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh; đẩy mạnh hợp tác đổi mới sáng tạo sẽ góp phần thúc đẩy kết nối các ngành kinh tế và hình thành các chuỗi giá trị khu vực. 
Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã liên tục đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, chỉ số tín nhiệm quốc gia từ ổn định lên tích cực, đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực châu Á, chỉ số phát triển bền vững tăng 20 bậc. Có được những kết quả trên là nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, áp dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong thời đại kỷ nguyên số. 
Ngọc Diệp 

 

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 5
  • 8
  • 5
  • 3
  • 7