Thứ hai, 29/04/2024 | 21:34 - GMT+7

CMCN 4.0: Cơ hội cho Việt Nam

Thị trường robot công nghiệp được dự đoán sẽ đạt 79 tỷ USD vào năm 2022. Nếu như năm 2009, mới chỉ có khoảng 60.000 robot công nghiệp được bán ra thì sau vài năm con số này đã tăng gấp 4, đạt 250.000 con/năm.

07/09/2018 - 11:19

Khái niệm CMCN 4.0 nhằm thông minh hóa quá trình sản xuất và quản lý trong ngành công nghiệp chế tạo, lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ công nghiệp Hannover tại Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 2011. Sự ra đời của CMCN 4.0 tại Đức đã thúc đẩy các nước tiên tiến khác như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ thúc đẩy phát triển các chương trình tương tự nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. 

Đơn cử như ở Nhật Bản, chính phủ nước này đã từng bước đưa ra và triển khai các chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa 4.0 như "Chiến lược toàn diện cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", "Chiến lược cách mạng hóa Robot", trong giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả là robot đã trở thành cứu cánh cho một nền kinh tế với dân số già hoá đi nhanh chóng, đồng thời mở ra một nền công nghiệp với doanh thu rất lớn trong tương lai.

PGS. TS Hồ Anh Văn, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản

PGS. TS Hồ Anh Văn, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản cho biết thị trường robot công nghiệp được dự đoán sẽ đạt 79 tỷ USD vào năm 2022. Nếu như năm 2009, mới chỉ có khoảng 60.000 robot công nghiệp được bán ra thì sau vài năm con số này đã tăng gấp 4, đạt 250.000 con/năm; đặc biệt, châu Á được đánh giá là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. 

Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam cùng tham gia. 

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, nghiên cứu của Bộ Công Thương thực hiện về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam đối với CMCN 4.0, số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 vào trong quá trình sản xuất còn rất khiêm tốn. Lý do là bởi 97% các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, do đó, họ gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo. 

Hay kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy có tới 75% doanh nghiệp sản xuất trong nước đang sử dụng máy móc hết khấu hao, 24% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình và chỉ có 1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến.

TS. Phạm Quang Cường, ĐH NanYang, Singapore

Ngoài ra, theo quan điểm của TS. Phạm Quang Cường, ĐH NanYang, Singapore, các nghiên cứu về robot ở Việt Nam vẫn còn hàn lâm và ít nơi có đủ kinh phí để lắp ráp, sử dụng robot phục vụ nghiên cứu.

Mặc dù vậy, với sự bùng trội của kinh tế trong thời gian gần đây cũng như sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, đầu tư vào công nghệ sản xuất, TS. Cường nhận xét nhiều khả năng robot sẽ được tận dụng tốt hơn.

Điển hình doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghệ mà TS. Cường nhắc đến là VinFast với dự án gồm 5 nhà máy được xây dựng tương thích với công nghệ 4.0, gồm: nhà máy dập, nhà máy hàn thân xe, nhà máy sơn, nhà máy sản xuất động cơ và nhà máy lắp ráp hoàn thiện, trong đó nhà máy hàn thân xe và nhà máy sơn lần lượt sử dụng 1.200 và 79 robot. Không dừng lại ở đó, với định hướng trở thành tập đoàn công nghệ đẳng cấp quốc tế, VinFast đã thành lập Công ty Phát triển Công nghệ VinTech, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT). 

Việc thành lập các trung tâm nghiên cứu sâu như VinFast là nền tảng cho sự phát triển của ngành công nghiệp robot sau này. "Chúng ta bước đầu chưa cần làm phần cứng, nhưng những phần khác như lập trình, thiết kế dây chuyền thì hoàn toàn có thể. Sau khi làm chủ phần mềm, Việt Nam có thể tiếp tục sản xuất phần cứng để kết hợp. Chỉ khi đó chúng ta mới thực sự sở hữu công nghiệp robot", TS. Cường nhấn mạnh.

Ngọc Diệp 

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 8
  • 9
  • 2
  • 8
  • 3