Thứ hai, 29/04/2024 | 19:17 - GMT+7

Ngành ngân hàng thích ứng với công nghệ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức Hội thảo “Phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng”.

27/08/2018 - 08:47

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức Hội thảo “Phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng”. Tại hội thảo, nhiều vấn đề được trao đổi để hướng tới mục tiêu ngành ngân hàng thích ứng với KHCN.

Hướng dẫn khách hàng phương thức giao dịch ở Ngân hàng TMCP Quân đội

Bắt kịp xu thế phát triển

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã tác động lên mọi lĩnh vực của đời sống và ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài xu thế này. Thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng hoạt động, quản trị và phục vụ khách hàng. Nổi bật là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng, như: Điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu qua giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API)... Nhiều ngân hàng đang có sự đầu tư lớn về hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm corebank thế hệ mới, triển khai các công nghệ nền tảng mới, ứng dụng các giải pháp sáng tạo theo xu hướng chung về chuyển đổi số, số hóa dịch vụ của ngành ngân hàng. Qua đó, mục tiêu cuối cùng là cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số theo hướng đơn giản, thân thiện, tự động, thông minh và tiếp cận khách hàng đa kênh đồng nhất (Omni-Channel)...

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó trưởng Ban chỉ đạo Fintech (công nghệ tài chính) NHNN, một số ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi, hướng tới một ngân hàng số đích thực. Ví như TPBank với dịch vụ ngân hàng tự động Livebank; VPbank với ứng dụng ngân hàng số Timo; 
Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab; Vietinbank với Corebank thế hệ mới có hiệu suất cao, tích hợp đa dịch vụ và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại; MB với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ khách hàng 24x7 trên mạng xã hội. Hiện có khoảng 100 công ty Fintech đang hoạt động tại nhiều lĩnh vực, trong đó thanh toán vẫn là lĩnh vực chủ đạo, chiếm phần lớn. Tổng giá trị đầu tư nước ngoài liên quan đến các công ty Fintech tại Việt Nam trong hai năm 2016-2017 đạt khoảng 129 triệu USD. Tính hết năm 2017, giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam đạt mức 4,4 tỷ USD (theo báo cáo của Công ty tư vấn Solidiance). Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Vietinbank nhận định, các ngân hàng có mạng lưới lớn, tính tuân thủ cao nhưng quy trình lại phức tạp kéo dài thời gian ra mắt sản phẩm. Trong khi đó, các công ty Fintech gọn nhẹ, linh hoạt hơn, sản phẩm nhanh chóng được ra thị trường, chấp nhận đối diện thử thách và sai lầm, nhưng hạn chế nguồn lực, tính tuân thủ lại thấp hơn.

Thay đổi để không tụt hậu

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, ngành ngân hàng cũng đối mặt với nhiều thách thức trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0. Đó là thách thức với ngân hàng trong quá trình thay đổi mô hình quản trị điều hành, cấu trúc sản phẩm dịch vụ, cũng như phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng trong kỷ nguyên số. Hơn nữa, để đáp ứng yêu cầu thay đổi về công nghệ, nhân lực chất lượng cao, mở rộng phạm vi đòi hỏi nguồn lực tài chính không nhỏ. Nếu không có đủ nguồn lực khi tham gia đổi mới công nghệ, ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong cân đối khả năng tài chính, lợi nhuận, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Hơn nữa, để đáp ứng yêu cầu về sự tiện lợi dịch vụ ngày càng cao của khách hàng, chi phí cho nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo, vận hành công nghệ mới trong giai đoạn đầu cũng không hề nhỏ.

Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định, các vụ, cục liên quan của NHNN, các ngân hàng thương mại và các công ty Fintech cần tăng cường tìm hiểu, kết nối những thực tiễn, xu hướng ứng dụng công nghệ để giải quyết các bài toán nghiệp vụ, khắc phục sự thiếu hiệu quả, tạo sự đột phá trong hoạt động ngân hàng. Ông Đinh Bá Tiến, đại diện VietUnion-một công ty Fintech-cho biết, việc ứng dụng một số công nghệ thanh toán điện tử kiểu mới như QRcode có chi phí khá lớn, nên nhiều đơn vị thanh toán, bán hàng không muốn gánh, phía ngân hàng cũng e dè trong việc chia sẻ. Sự chưa thống nhất việc chia sẻ các chi phí là một trong những rào cản lớn giữa các đơn vị liên quan. Vì vậy, cần có chính sách ưu đãi tốt hơn về phí và cơ chế cho phép nhà cung cấp dịch vụ có thể thanh toán phí, dịch vụ công (điện, nước, thuế, học phí…), để các đơn vị thanh toán có thêm nguồn lực tái đầu tư.

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển Fintech như: Có 51 triệu người sử dụng điện thoại thông minh (chiếm 53% dân số), 64 triệu người sử dụng internet (chiếm khoảng 66,3% dân số). Mạng điện thoại di động 3G/4G phủ khắp cả nước với ba nhà mạng lớn là Viettel, Mobile và Vinaphone. Theo tính toán, giá trị giao dịch của thị trường Fintech tại Việt Nam, dự kiến sẽ tăng từ 4,4 tỷ USD lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân 

 

Cùng chuyên mục

Sản phẩm công nghệ cao, công nghệ xanh cho người tiêu dùng và sản xuất

26/04/2024 - 08:32

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Trung tâm Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị (Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia) phối hợp Hội Tự động hóa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, Hội Kinh tế số, Chi hội Doanh nhân xúc tiến thương mại quốc tế tổ chức “Triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh lần đầu được giới thiệu đến người tiêu dùng và cho sản xuất.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 8
  • 8
  • 8
  • 3
  • 9