Thứ bảy, 27/04/2024 | 21:44 - GMT+7

Phát triển ngành sản xuất nguyên phụ liệu da giày

Theo Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành da - giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035, Bộ Công Thương đưa ra 3 kịch bản phát triển và lựa chọn kịch bản cơ sở với mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 43,97 tỷ USD,.

03/11/2017 - 09:27

Theo Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành da - giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035, Bộ Công Thương đưa ra 3 kịch bản phát triển và lựa chọn kịch bản cơ sở với mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 43,97 tỷ USD, năm 2035 đạt 57,6 tỷ USD.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong cơ cấu giá trị của một đôi giày, 70% là chi phí nguyên phụ liệu, 15% chi phí nhân công, 9% chi phí đầu vào và quản lý gián tiếp, chỉ 6% là lợi nhuận của doanh nghiệp (DN). Xu hướng chung những năm gần đây là chi phí nhân công, sản xuất ngày một tăng, nên nếu chi phí nguyên phụ liệu không được cải thiện thì lợi nhuận của DN sẽ giảm.

Việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã tạo lực đẩy cho DN đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. 

Ảnh: Internet

Việc phát triển nguyên phụ liệu nói chung và thuộc da trong nước gặp nhiều khó khăn một phần do ngành này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, nhân lực chất lượng cao, nhưng vấn đề môi trường mới là thách thức lớn. Thực tế đã có không ít DN trong ngành gặp khó khăn vì không thể tìm được địa phương chấp nhận dự án thuộc da.

Tuy nhiên, tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành da - giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, đại diện hai tỉnh Hà Tĩnh và Thái Bình đã bày tỏ mong muốn đón nhận các dự án sản xuất da giày, bao gồm cả nguyên phụ liệu. 

Theo Viện trưởng Viện Da giày - ông Nguyễn Hải Trung, công nghệ thuộc da cũng như sản xuất nguyên phụ liệu trên thế giới hiện đã phát triển vượt bậc, không sử dụng kim loại nặng, công nghệ xử lý nước thải hiện đại cũng đã giảm áp lực lên môi trường. Italia là nước có ngành thuộc da rất phát triển, có các khu công nghiệp thuộc da rất lớn, chủ động hoàn toàn được nguồn nguyên liệu mà vẫn bảo đảm được yếu tố môi trường.

Lefaso cũng đã xây dựng rất nhiều chương trình hợp tác với Italia trong hỗ trợ giới thiệu khoa học công nghệ, tham dự các hội chợ về máy móc thiết bị, hợp tác đào tạo, các chương trình phát triển xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành. Riêng trong lĩnh vực thuộc da, hiệp hội cũng đã mời chuyên gia về tư vấn cho DN, cử nhiều đoàn sang học kinh nghiệm ngay tại khu công nghiệp thuộc da của Italia.

Tuy nhiên, để phát triển được công nghiệp thuộc da cũng như nguyên phụ liệu khác, cần phải có sự đồng thuận từ cấp Chính phủ cho đến địa phương để xây dựng được các cụm công nghiệp chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, đạt hiệu quả kinh tế và tiết kiệm được chi phí cho DN. Nhà nước cũng cần có chính sách đặc thù hỗ trợ về vốn cho DN bởi đầu tư cho xử lý môi trường của ngành này rất tốn kém.

Minh Long

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 6
  • 6
  • 4
  • 0
  • 0