Thứ hai, 29/04/2024 | 23:17 - GMT+7

Doanh nghiệp điện tử tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Nâng cao thực lực

Tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp điện tử Việt Nam hiện chỉ ở khoảng 5-10%, còn lại hầu như phải nhập khẩu. Điều này lý giải vì sao ngành công nghiệp điện tử nội địa đến giờ vẫn khó có “cửa” trở thành nhà cung ứng linh kiện cho các tập đoàn lớn.

22/09/2017 - 14:01

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện năng lực

Tại Triển lãm Công nghiệp phụ trợ Việt Nam - Nhật Bản 2017 diễn ra mới đây, ông Jun Yanagi - Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - cho biết, hiện có khoảng 1.600 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù gần một nửa trong số đó là từ khu vực sản xuất, nhưng tỷ lệ các linh kiện nội địa mà các công ty sản xuất Nhật Bản mua từ các DN Việt Nam rất thấp.

Ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) - đồng tình, khó khăn trong thu mua các bộ phận và linh kiện nội địa vẫn là vấn đề lớn đối với các công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam. Tỷ lệ thu mua nội địa của các nhà sản xuất Nhật Bản ở Việt Nam là 34,2% năm 2016. Con số này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 67,8% ở Trung Quốc; 57,1% ở Thái Lan và 40,5% ở Indonesia. “Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN sẽ hoàn toàn áp dụng vào năm 2018. Khi đó, các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà chế tạo từ các nước láng giềng cung cấp sản phẩm với giá thành thấp hơn do việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan này”- ông Hironobu Kitagawa - nhấn mạnh.

Ông Lê Nguyên Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Loriot - cho hay, để tăng tỷ lệ nội địa, không cần dựa vào các nhà cung ứng nước ngoài là vô cùng khó, chúng ta không đủ khả năng. “Các nước như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc đã đi trước trong sản xuất sản phẩm phụ trợ, họ có thể sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, với giá thành rẻ. Nếu mình không gì nổi trội thì sẽ thua”- ông Tuấn khuyến cáo.

Để DN điện tử tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, theo ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - cần có thực lực, mà trước tiên phải có công nghệ. Bên cạnh đó, phải có biện pháp quản lý công nghệ kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt, ổn định, giá thành phù hợp. “Sản phẩm điện tử có vòng quay rất nhanh, vì vậy, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đóng vai trò quan trọng”- ông Hải nhấn mạnh.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đặc thù của các sản phẩm linh kiện, phụ tùng ngành điện tử cần công nghệ cao, trong khi đó, DN điện tử Việt Nam còn yếu về năng lực sản xuất, trình độ công nghệ. Vì vậy, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cả DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ và DN lắp ráp để chuyển giao công nghệ, hoàn thiện năng lực, quản trị sản xuất để DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất của các DN FDI.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: Bộ Công Thương đang tích cực triển khai Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 - 2025, qua đó, hỗ trợ các DN Việt Nam áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu.

 

Theo Báo Công Thương

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 8
  • 9
  • 6
  • 0
  • 6