Thứ năm, 02/05/2024 | 15:53 - GMT+7

Hưng Yên tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí

Hưng Yên là một trong những tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và mạnh nhất của miền Bắc với nhiều khu công nghiệp lớn như: Phố Nối, Như Quỳnh, Thăng Long II….

19/08/2017 - 09:48

Hưng Yên là một trong những tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và mạnh nhất của miền Bắc với nhiều khu công nghiệp lớn như: Phố Nối, Như Quỳnh, Thăng Long II…. Đóng góp vào thành quả này không thể không kể đến sự phát triển của ngành công nghiệp cơ khí, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành cơ khí chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Ngành mũi nhọn

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hưng Yên, giai đoạn 2011-2016, ngành cơ khí, luyện kim, gia công kim loại của Hưng Yên đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 8,7%/năm, phát triển tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như: Cơ khí xây dựng, ô tô, xe máy, tiêu dùng.... Trong đó, một số sản phẩm CNHT có sức cạnh tranh tốt, đứng vững trên thị trường trong nước và từng bước hướng tới xuất khẩu như các sản phẩm nội thất văn phòng, gia đình; phụ tùng ô tô, xe máy....

Một trong những lĩnh vực nổi bật, có đóng góp quan trọng trong việc đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng nhanh trong những năm vừa qua là lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe máy, ô tô. Bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất lắp ráp có tiếng như: Công ty TNHH SUFAT Việt Nam, Công ty CP Hỗ trợ phát triển công nghệ Detech, Công ty Liên doanh chế tạo xe máy Lifan Việt Nam, Công ty CP Ô tô TMT, Công ty CP Cơ khí ô tô 3-2…, thì Hưng Yên cũng có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ, phục vụ cho các doanh nghiệp này như: Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Hưng Yên (AMA); Công ty Sản xuất phụ tùng ô tô và xe máy Việt Nam (VAP), các công ty sản xuất linh kiện phụ tùng Lifan….

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng các sản phẩm hỗ trợ phục vụ ngành cơ khí vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, chủng loại cũng như tiến độ sản xuất như kỳ vọng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh phải đầu tư công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp này là khó khăn về vốn. Trên thực tế, các ưu đãi không lớn, trình tự thủ tục tương đối phức tạp, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa….

Tập trung vào các giải pháp cụ thể

Theo ông Vũ Đức Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên, để đẩy mạnh phát triển CNHT ngành cơ khí, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã đề xuất với các bộ, ngành của Trung ương rà soát lại danh mục các chuyên ngành, sản phẩm hỗ trợ cơ khí trọng điểm và chỉ giới hạn 5-6 chuyên ngành, sản phẩm có giá trị cao, điều kiện thị trường thuận lợi để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, từ đó thúc đẩy các ngành, sản phẩm khác. Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về vốn, nghiên cứu đầu tư phát triển và thị trường.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn cho các doanh nghiệp CNHT có ý nghĩa rất quan trọng. Các doanh nghiệp CNHT đang rất cần vốn để sản xuất, nhất là các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư máy móc, thiết bị và ứng dụng công nghệ mới. Do vậy, để ngành CNHT trên địa bàn tỉnh phát triển, ưu tiên hàng đầu là ban hành các chính sách kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhất là tăng cường xúc tiến đầu tư tới các nước có ngành CNHT phát triển trong khu vực; thực hiện đồng bộ 4 yếu tố về nguồn nhân lực, công nghệ, tài chính và hệ thống phân phối; đẩy mạnh thực hiện các ưu đãi về tài chính, đất đai, hạ tầng, đầu tư, nguồn nhân lực….

Được biết, để thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí nói chung và CNHT ngành cơ khí nói riêng, Hưng Yên đã xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường, giá, nhà sản xuất… cung cấp cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí. Cùng với đó, xây dựng những chính sách về vay vốn, thuế… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cơ khí cũng như các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho ngành này đầu tư thiết bị, công nghệ. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trong các ngành chủ lực như: Cơ khí; điện, điện tử; gia công chính xác và cơ khí chế tạo…, góp phần đẩy mạnh phát triển CNHT trong giai đoạn tiếp theo.

Thời gian tới, ngành CNHT Hưng Yên rất cần sự hỗ trợ thiết thực và cụ thể hơn nữa từ phía Nhà nước để thúc đẩy ngành phát triển, góp phần đưa công nghiệp Hưng Yên “cất cánh” cùng sự phát triển chung của công nghiệp nước nhà.

Theo Trang thông tin điện tử ngành công nghiệp hỗ trợ

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 3
  • 1
  • 2
  • 0
  • 8
  • 1