Thứ sáu, 03/05/2024 | 03:57 - GMT+7

Phát triển công nghiệp công nghệ cao, nhìn từ thực tiễn Bắc Ninh

Ngày 17-3, Ban Biên tập Báo Nhân Dân phối hợp Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức hội thảo khoa học - thực tiễn: "Bắc Ninh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiệu quả, thân thiện".

11/08/2017 - 08:58

Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta xác định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiến hành qua ba bước: tạo tiền đề, điều kiện để công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; và nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong 5 năm tới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chủ trương này, cùng thực tiễn sinh động của Bắc Ninh, ngày 17-3, Ban Biên tập Báo Nhân Dân phối hợp Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức hội thảo khoa học - thực tiễn: "Bắc Ninh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiệu quả, thân thiện".

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo "Bắc Ninh đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiệu quả, thân thiện". Ảnh: DUY LINH

Gợi ý để hội thảo tập trung phân tích sâu thêm, làm rõ các quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) theo hướng công nghiệp công nghệ cao (CNCNC); kinh nghiệm và cách giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn Bắc Ninh, Báo cáo đề dẫn do đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ, trải qua các kỳ Đại hội và 30 năm đổi mới, Đảng ta đã tổng kết thực tiễn, nghiên cứu kế thừa và phát triển tư duy lý luận, ngày càng rõ hơn quan điểm, mục tiêu, nội dung, phương thức huy động nguồn lực cho CNH, HĐH. Trong xu thế đó, tỉnh Bắc Ninh đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, vươn lên thành tỉnh công nghiệp; thu hút đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Microsoft, Canon, Pepsico... Quy hoạch 16 khu công nghiệp tập trung, Khu công nghiệp Yên Phong là khu công nghiệp lớn nhất cả nước. Đồng chí Thuận Hữu đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo phân tích, đánh giá ở nhiều góc độ khác nhau, khái quát, tổng kết, nêu những bài học kinh nghiệm; những khó khăn, hạn chế; dự báo, đề xuất những giải pháp phát triển CNCNC thời gian tới; vấn đề tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường cụm công nghiệp, làng nghề. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh Bắc Ninh; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; khai thác có hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp...

Bắt kịp xu hướng

Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định phấn đấu đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 2020 theo hướng văn minh, hiện đại. Để thực hiện mục tiêu đó, không thể thiếu sự phối hợp đồng bộ với quyết tâm cao của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Đăng Túc, việc cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt về những vấn đề có tính lý luận, thực tiễn, thời sự, liên quan CNH, HĐH, đã nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quy chế phối hợp giữa các cơ quan góp phần giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của nhân dân nảy sinh trong quá trình CNH, HĐH, như: giải phóng mặt bằng; ô nhiễm môi trường; xử lý rác thải; xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật; bảo đảm an ninh trật tự, đời sống công nhân lao động... Đồng chí cho rằng, cần chú trọng cập nhật kiến thức mới cho lãnh đạo chủ chốt về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tham khảo các mô hình trong nước và ngoài nước về phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao (CNC), thân thiện với môi trường… Bởi đây là xu thế tất yếu.

Cục trưởng Thống kê tỉnh Bắc Ninh Nghiêm Đình Thuận cho biết, đến ngày 31-12-2016, toàn tỉnh có 40 doanh nghiệp (DN) ứng dụng CNC và năm DN sản xuất sản phẩm CNC; gần 200 nghìn người làm việc trong các DN và dự án FDI, trong đó số lao động đang làm việc trong các DN ứng dụng CNC và DN sản xuất sản phẩm CNC chiếm 42,1%. Tuy nhiên, trong lĩnh vực ứng dụng CNC và sản xuất sản phẩm CNC, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp và số DN trong nước tham gia ít. Một mặt, do năng lực tài chính yếu, trình độ quản lý thấp; mặt khác, do khả năng tiếp nhận, ứng dụng và nghiên cứu phát triển CNC của người lao động còn hạn chế.

Việc thống nhất nhận thức cao trong hệ thống chính trị và toàn xã hội đã tạo động lực thúc đẩy phát triển CNH, HĐH theo hướng CNCNC. Hiệu quả từ các phong trào thi đua yêu nước; phát huy thế mạnh, tiềm năng giúp nhau phát triển sản xuất, kinh doanh; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… góp phần vào thành tích chung của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 5.200 USD/năm, Bắc Ninh đứng thứ hai cả nước; thu ngân sách đứng thứ 10 cả nước, khoảng 17.000 tỷ đồng...

Cơ hội và thách thức

Để đẩy mạnh CNH, HĐH theo hướng phát triển CNCNC, Bắc Ninh có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đặt ra. Trong đó, khái niệm sản xuất theo chuỗi giá trị cần được nhận thức rõ hơn, nhất là khi tiếp cận một số dự án FDI có thương hiệu lớn. Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh Vũ Đức Quyết, trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển công nghiệp hỗ trợ cần được nhận thức đầy đủ là một bước đi, một nấc thang cần thiết. Từ thực tiễn Bắc Ninh, đồng chí cho rằng, việc lựa chọn khôi phục, phát triển làng nghề, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tạo đà, tạo hình ảnh để thu hút đầu tư, là hướng đi độc đáo. Đến nay, công nghiệp Bắc Ninh đã tạo sức bật cho phát triển kinh tế-xã hội với tốc độ cao, tỷ trọng công nghiệp đã chiếm 74,3%. Tuy nhiên, chọn ngành công nghiệp gì, phát triển ra sao, tham gia vào phân khúc nào của thị trường trong nước cũng như khu vực, vẫn là những vấn đề cần làm sáng rõ hơn. Theo đó, cần tạo đột phá phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách thiết thực, hiệu quả, có định hướng và phân công theo quy hoạch vùng; xác định các bước đi và tiếp cận công nghệ hợp lý cho từng ngành; khuyến khích và giúp đỡ doanh nghiệp Việt tham gia phát triển theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động hiệu quả,…

Cùng quan điểm này, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Bá Thành cho rằng, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Ninh đã hình thành các ngành CNCNC có giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu lớn. Ngành khoa học và công thương của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO, Q-Base, HACCP, SA...) trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp các doanh nghiệp từng bước tham gia cạnh tranh và hội nhập kinh tế… Tuy nhiên, CNCNC chủ yếu được đưa từ nước ngoài vào các doanh nghiệp FDI. Cơ cấu dịch vụ trong tổng sản phẩm GRDP của tỉnh thấp; liên kết giữa doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài về cung ứng dịch vụ, sản phẩm hỗ trợ, chuyển giao công nghệ chưa hiệu quả…

Một thách thức không nhỏ trong đẩy mạnh CNH, HĐH là vấn đề giải phóng mặt bằng. Trao đổi kinh nghiệm về công việc này, Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung, huyện Yên Phong Nguyễn Văn Sự nêu: Phải làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ lợi ích của CNH đối với địa phương cũng như của cả nước. Phải công khai, dân chủ, minh bạch các quyền lợi người dân được hưởng khi thu hồi đất nông nghiệp. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã phải tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Cơ hội lớn cho Bắc Ninh nhưng thách thức rõ ràng cũng không nhỏ, nhất là áp lực phát triển công nghiệp lên môi trường ngày càng lớn, nguy cơ trở thành các bãi chứa chất thải công nghiệp. Để từng bước khắc phục, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đào Quang Khải kiến nghị phải thống nhất quan điểm không vì lợi ích, phát triển kinh tế mà làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái; cần gắn kết công tác bảo vệ môi trường trong cấp phép đầu tư, quy hoạch phát triển kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo vệ môi trường...

PGS, TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự báo, làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang tới, tạo biến đổi sâu sắc cả về trình độ công nghệ, cơ cấu ngành, sản phẩm, mở ra những xu hướng phát triển mới của công nghiệp và kinh tế thế giới. Các nước phát triển thấp, trong đó có Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức to lớn khi lao động và tài nguyên thiên nhiên ngày càng mất lợi thế. Nền kinh tế nước ta còn nhỏ, trình độ khoa học, công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống kết cấu hạ tầng, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh thấp; doanh nghiệp trong nước yếu, công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI; các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, người lao động đông, giá rẻ, đang ở giai đoạn “dân số vàng” không còn hấp dẫn, do đó càng thấy, quan điểm coi khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu là hoàn toàn đúng đắn.

Tạo đà phát triển bền vững

Nhằm thu hút đầu tư, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, có tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi phát triển CNCNC, đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), giúp các doanh nghiệp vào chuỗi giá trị với tư cách là nhà cung cấp, tiếp nhận công nghệ nước ngoài, quản trị có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, hỗ trợ đào tạo lao động tại chỗ, tham gia thiết kế triển khai chi tiết sản phẩm trong sản xuất. Nhiều giải pháp đưa ra nhằm tạo đột phá phát triển CNHT, bao gồm thiết lập đầu mối và tổ chức hạ tầng khu, cụm công nghiệp để đáp ứng cho tất cả các doanh nghiệp có quy mô khác nhau, cùng với nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Trọng Tân cho biết, toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước đã đạt mức độ 2. Bắc Ninh đã công bố 335 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân và doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng. Nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế được triển khai hiệu quả.

Các huyện, thành phố, thị xã cũng xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển CNCNC. Bí thư Thành ủy Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn thể hiện quyết tâm xây dựng đô thị Bắc Ninh thông minh, với trọng tâm là chính quyền điện tử, hiệu quả trong quản lý, điều hành. Thành phố nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động công vụ điện tử. Thị xã Từ Sơn hình thành ba cụm công nghiệp đa nghề, bảy cụm công nghiệp làng nghề, chín khu thương mại dịch vụ làng nghề và 20 làng nghề. Hầu hết các cụm công nghiệp cơ bản được lấp đầy, thị xã có gần 1.000 doanh nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau như sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, sắt thép, dệt may, xây dựng, chế biến nông sản, cơ khí, thương mại, dịch vụ… Đối với huyện Quế Võ, nơi có nhiều KCN, cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đình Lợi nêu chủ trương của huyện là đẩy mạnh xúc tiến đầu tư công nghiệp theo hướng hiện đại, có chọn lọc, ưu tiên CNCNC để phát triển bền vững...

Vấn đề chất lượng nguồn nhân lực

Hơn lúc nào hết, tỉnh Bắc Ninh rất cần nguồn nhân lực có kỹ thuật và chuyên môn trong các lĩnh vực, như công nghệ điện tử và CNC, nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ,… Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đinh Văn Duân, hai kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây, Tỉnh ủy đều có nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực. Nhiều đề án, chương trình, chính sách về đào tạo được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong giai đoạn 2011 - 2015, đã đào tạo được gần 15 nghìn lao động có trình độ cao đẳng và trung cấp nghề, chủ yếu là các ngành nghề điện, điện tử công nghiệp, điện lạnh, cơ khí, vận hành máy công nghiệp. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên đạt tỷ lệ 16 người/1.000 dân. Bộ máy quản lý khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp huyện được tăng cường. Một số doanh nghiệp khoa học và công nghệ được thành lập.

Những cán bộ đứng đầu các cơ quan đảng, đoàn thể, cơ quan hành chính hiểu rõ chính sách phát triển CNCNC của tỉnh để lãnh đạo, tham mưu tổ chức thực hiện ở cơ quan, địa phương mình. Do đó, tỉnh Bắc Ninh chú ý đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý. Đồng chí Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ cho biết: Chương trình đào tạo của trường chú trọng nội dung CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu. Nhà trường đã cố gắng cung cấp cơ sở lý luận quan trọng cho chủ trương phát triển CNCNC hiệu quả và thân thiện của tỉnh.

Trong giai đoạn hiện nay, cần tạo ra môi trường phát triển các ngành CNHT, các ngành dịch vụ, nguồn nhân lực chất lượng cao và trách nhiệm của tỉnh trong cam kết thực hiện các dịch vụ xã hội cơ bản cho người lao động trong khu công nghiệp như: nhà ở xã hội, y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, tỉnh phải chuyển hướng, điều chỉnh chính sách chuyển nền kinh tế thích ứng với quá trình đô thị hóa.

Xác định rõ hơn hướng phát triển

Kiến giải một số vấn đề về phát triển CNCNC, đại diện lãnh đạo một số bộ, cơ quan trung ương nhấn mạnh, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ trong phát triển công nghiệp nói chung và phát triển các ngành CNCNC nói riêng là một chủ trương lớn của Đảng ta. Tuy nhiên, mỗi ngành, mỗi địa phương, doanh nghiệp đều phải xác định rõ hướng đi và đổi mới trong cách thức thực hiện để tận dụng tốt cơ hội, đồng thời biến những thách thức thành động lực để đổi mới và phát triển. PGS, TS Phạm Quốc Trung, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần thiết phải tiếp tục nâng cao nhận thức về CNH, HĐH. Thời gian tới, Bắc Ninh cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước cần năng động, linh hoạt hơn. Việc phát triển CNCNC của mỗi địa phương cần đặt trong quy hoạch của khu vực và cả đất nước. Tỉnh Bắc Ninh cần tận dụng lợi thế địa kinh tế để tạo bước phát triển nhảy vọt.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh gợi ý phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở Bắc Ninh theo chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới; phát triển nền nông nghiệp sạch; phát triển nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là thị trường các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thị trường Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; coi nông nghiệp CNC là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Nhiều đại biểu phân tích sâu về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong đẩy mạnh phát triển CNCNC, thân thiện, hiệu quả.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh khẳng định, để đẩy mạnh CNH, HĐH theo hướng CNCNC, hiệu quả, thân thiện - một hướng đi đúng đắn, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tìm những giải pháp đột phá về thể chế, môi trường kinh doanh nhằm phát huy tốt hơn nữa nền tảng hiện có. Chủ động rà soát quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung đô thị và Quy hoạch điều chỉnh vùng Thủ đô. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị gắn với phát triển thương mại, dịch vụ; quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường cụm công nghiệp, làng nghề. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh Bắc Ninh, thu hút các doanh nghiệp có CNC, thân thiện môi trường vào đầu tư. Kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa để tiến nhanh tới hiện đại hóa; tổ chức không gian kinh tế và đô thị tạo động lực cho phát triển, phát huy lợi thế cạnh tranh; gia tăng ảnh hưởng lan tỏa của công nghiệp tới nông nghiệp, nông thôn; hài hòa giữa phát triển công nghiệp và đô thị; phát triển đô thị đại học và ứng dụng công nghệ gắn với cụm ngành, phát huy năng lực cạnh tranh từ yếu tố năng suất tổng hợp. Công tác xây dựng Đảng phải được chú trọng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng chính quyền điện tử, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo Báo Nhân dân

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 3
  • 1
  • 6
  • 8
  • 2
  • 3