Chủ nhật, 05/05/2024 | 21:03 - GMT+7

Vĩnh Phúc tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Dự án về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030.

03/11/2016 - 08:41

Công nghiệp hỗ trợ được xem là nền tảng phát triển cho tất cả các ngành công nghiệp khác. Đây cũng là một trong những nhân tố then chốt giúp phát triển nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Đối với tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, công nghiệp hỗ trợ được xác định là tiền đề quan trọng, phục vụ trực tiếp các ngành công nghiệp chủ lực trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh.

Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành một số cơ sở chuyên sản xuất phụ tùng, linh kiện, vật tư cung ứng cho các nhà sản xuất lắp ráp ô tô như: Gương, kính, ghế, radio, dây điện, săm, lốp, ắc quy, xốp chống nóng… Tuy nhiên, công nghệ gia công tại một số doanh nghiệp cơ khí còn nhiều hạn chế, các mối liên kết giữa các nhà sản xuất còn chưa bền vững, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp, hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, cấp điện, cấp nước chưa hỗ trợ kịp thời cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và công nghiệp nói chung. 

Vì vậy, để ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh phát triển theo đúng tiềm năng và lợi thế vốn có của mình, ngày 05/7/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Dự án về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó nêu lên những giải pháp thực hiện chủ yếu, bao gồm: nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội tạo sự đồng thuận để thực hiện các nội dung phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Vĩnh Phúc; tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; huy động nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển thị trường xuất khẩu; phát triển khoa học công nghệ cho công nghiệp hỗ trợ. 

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển song song với thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, mặt bằng...tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư.

Kế hoạch được phê duyệt cũng chỉ rõ quy hoạch phát triển đối với từng phân ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh như công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô – xe máy, lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ điện tử tin học, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt–may, da giầy và công nghiệp hỗ trợ sản xuất vật liệu xây dựng.

Cụ thể, đối với CNHT phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô – xe máy, cần tập trung thu hút vốn đầu tư và công nghệ mới của các công ty, tập đoàn sản xuất đa quốc gia các ngành nghề sản xuất chủ chốt, đầu tư theo hướng tập trung sản xuất.

Đối với lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo, tỉnh sẽ tập trung phát triển cho các lĩnh vực trọng tâm để sản xuất lắp ráp máy và các thiết bị phục vụ nông, lâm nghiệp, cơ khí xây dựng, cơ khí tiêu dùng và các ngành khác.

Đối với CNHT điện tử tin học: Tập trung chủ yếu vào sản xuất lắp ráp các thiết bị tin học (như máy vi tính, máy in, linh kiện máy tính); phát triển phần mềm.

Đối với phát triển CNHT ngành dệt–may, da giầy: Tỉnh kêu gọi đầu tư vào các dự án sản xuất phụ liệu may như: Chỉ may, bông tấm, mex, cúc nhựa …

Đối với ngành CNHT sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD): Khuyến khích và đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các VLXD mới, vật liệu nhẹ, không nung.

Với những định hướng và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cụ thể và phù hợp, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2020 công nghiệp hỗ trợ trở thành ngành công nghiệp phát triển hiện đại, tham gia vào việc sản xuất và cung cấp phần lớn các linh kiện, phụ tùng, dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Phấn đấu công nghiệp hỗ trợ của tỉnh trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

Linh Nga

 

Cùng chuyên mục

Hệ thống quản lý AI - đóng vai trò quan trọng cho việc phát triển và triển khai công nghệ AI

04/05/2024 - 10:01

Với những rủi ro và sự phức tạp của AI, điều quan trọng là phải có cơ chế quản trị mạnh mẽ. Hệ thống quản lý AI đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển và triển khai công nghệ AI. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn tầm quan trọng của các hệ thống như vậy trong việc cung cấp các đánh giá và xử lý rủi ro AI hiệu quả.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 3
  • 4
  • 6
  • 5
  • 4
  • 4