Thứ ba, 30/04/2024 | 05:36 - GMT+7

Ngành công nghiệp chế biến gỗ mở rộng cơ hội xuất khẩu

Các hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ tạo cơ hội rộng mở cho các mặt hàng đồ gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.

06/10/2016 - 08:21

Sáng nay (4/10), tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã tổ chức hội thảo Ngành công nghiệp chế biến gỗ: Mở rộng cơ hội xuất khẩu. Theo đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ là ba thị trường xuất khẩu quan trọng của đồ gỗ Việt Nam.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ là ba thị trường xuất khẩu quan trọng của đồ gỗ Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trends - cho biết: Hoa Kỳ đã và đang tiếp tục là quốc gia quan trọng nhất cho ngành gỗ của Việt Nam trên cả phương diện nguồn cung gỗ nguyên liệu và tiêu thụ gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD từ thị trường này, chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam từ tất cả các thị trường xuất khẩu.

Cũng theo ông Tô Xuân Phúc, trong khi xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang một số thị trường khác trong đó có EU có xu hướng giảm nhẹ, thì tại thị trường Mỹ tốc độ tăng trưởng của mặt hàng này vẫn rất cao, trên dưới 10%/năm. Trong 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt 1,4 tỷ USD, chiếm trên 50% trong tổng kim ngạch của cả năm 2015. “Đối với thị trường Mỹ, cơ hội mở rộng và tăng trưởng thị trường đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ rất lớn”, ông Tô Xuân Phúc nhận định.

Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản, thị trường này có tốc độ tăng trưởng thấp hơn thị trường Mỹ nhưng bền vững hơn thị trường Mỹ. Các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ổn định theo thời gian. Đây là tín hiệu đáng mừng cho việc xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập, bao gồm cả việc Việt Nam và Nhật Bản tham gia TPP, cơ hội mở rộng cho các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, theo ông Tô Xuân Phúc, cơ hội không phải qua góc độ thuế, vì hầu hết các mặt hàng đang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có mức thuế rất nhỏ, thậm chí có nhiều mặt hàng thuế xuất bằng không. Cơ hội ở đây chính là việc tạo ra tiếng vang cũng như tạo ra dòng đầu tư từ các nước không nằm trong khối TPP về Việt Nam và có thể chế biến xuất khẩu sang các quốc gia nằm trong khối TPP. Đây là cơ hội rất tốt cho tương lai.

Về thị trường Hàn Quốc, đây là thị trường nhỏ hơn so với thị trường Nhật Bản và thị trường Mỹ, tuy nhiên, đây là thị trường rất quan trọng đối với sản phẩm dăm gỗ của Việt Nam. Một tín hiệu không lạc quan là hiện nay, việc xuất khẩu dăm gỗ sang thị trường này đang có xu hướng giảm, tuy nhiên, một số mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm gỗ (HS 94) đang tăng.

Ý kiến chung tại hội thảo đều thống nhất rằng ba thị trường trên là những thị trường rất quan trọng của Việt Nam cho việc tiêu thụ các mặt hàng đồ gỗ và sản phẩm gỗ. Các hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ tạo cơ hội rộng mở cho các mặt hàng đồ gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. Để biến cơ hội thành hiện thực đòi hỏi ngành chế biến gỗ xuất khẩu cần phải có một số thay đổi, trong đó bao gồm cả việc loại bỏ hoàn toàn rủi ro trong xuất khẩu, đặc biệt là việc loại bỏ các rủi ro có liên quan đến nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào. Làm tốt được điều này không những tạo cơ hội phát triển thị trường mà còn trực tiếp xây dựng thương hiệu và hình ảnh tích cực, thân thiện với môi trường cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ của Việt Nam trong tương lai.

Theo Báo Công Thương

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 9
  • 1
  • 5
  • 8
  • 1