Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:56 - GMT+7

Tổng kết Đề án Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ khai khoáng giai đoạn 2010-2015

Ngày 12/4/2016, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 2010-2015 Đề án Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025.

27/07/2016 - 09:13

Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 2010-2015 Đề án Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, qua 6 năm thực hiện Đề án, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ ngành liên quan tổ chức thực hiện bám sát mục tiêu và nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, Chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đã được tổ chức thực hiện và quản lý nghiêm túc, chặt chẽ theo các qui định hiện hành và đã xác lập được nhiều giải pháp, công nghệ phù hợp, làm cơ sở khoa học để các doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến, tăng cường chế biến sâu khoáng sản.

 

Nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn đã tích cực thực hiện các mục tiêu về đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện lao động, an toàn và môi trường, hạn chế tổn thất tài nguyên khoáng sản. Đặc biệt, cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ, nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã được xem xét, sửa đổi và hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản thực hiện đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ.

Các ý kiến tham gia tại Hội nghị đều thống nhất, đến nay, hầu hết công nghệ trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí đã tiệm cận trình độ khu vực, hoạt động đảm bảo an toàn lao động, đạt tiêu chuẩn môi trường. Cụ thể như trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang sử dụng nhiều công nghệ hiện đại tiên tiến của thế giới bao gồm cả các ứng dụng mới nhất của công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và hóa học để nâng cao hệ số thu hồi dầu trong khai thác thứ cấp ở các mỏ; xây dựng các dự án trọng điểm sử dụng nhiều công nghệ, thiết kế mới nhất, tiên tiến nhất trong lĩnh vực lọc dầu của thế giới…

 

Như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, trong giai đoạn 2010-2015 đã phê duyệt và thực hiện đồng bộ 10 chương trình KHCN trọng điểm phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các đơn vị thành viên với 133 đề tài và 11 dự án sản xuất thử nghiệm, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng trưởng của các doanh nghiệp và của Tập đoàn.

Tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn đã chỉ đạo đầu tư mới theo hướng hiện đại hóa ngay từ đầu một số dự án trọng điểm, đầu tư và bổ sung các thiết bị mới hiện đại có năng suất cao, tiêu tốn ít năng lượng…

 

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận những hạn chế của Đề án, như: mới chỉ thực hiện đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại một số cơ sở có điều kiện thuận lợi, có năng lực tài chính do nhu cầu vốn rất lớn, trong khi ngân sách chỉ hỗ trợ được một phần rất nhỏ. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc các giải pháp công nghệ được nghiên cứu, đề xuất trong nhiều trường hợp chưa được áp dụng đồng bộ mà mới chỉ được áp dụng thử nghiệm một phần, tại một phân xưởng. Đầu tư cho chuyển giao công nghệ, sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp sử dụng kết quả nghiên cứu chưa được quan tâm đúng mức.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đồng ý với các đại biểu về việc lấy ý kiến để thống nhất mục tiêu của Đề án trong giai đoạn 2016-2020 sao cho phù hợp thực tế, để các doanh nghiệp có thể triển khai được và nhận được nhiều sự hỗ trợ nhất. Thứ trưởng đề nghị các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục có những đánh giá cụ thể để biết được mình đang đứng ở cấp độ nào, từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm đạt được mục tiêu đổi mới và nâng cao công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Các nghiên cứu phải gắn liền với thực tế sản xuất, hướng tới có sự đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp áp dụng kết quả nghiên cứu; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế biến khoáng sản tiên tiến, thân thiện môi trường.

Theo tapchicongthuong.vn

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 7
  • 1
  • 7
  • 0
  • 7