Thứ tư, 01/05/2024 | 04:06 - GMT+7

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bị lãng quên?

Dòng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, từ các dự án sản xuất tới nghiên cứu và phát triển, đang ồ ạt chảy vào VN, nhưng dường như không có nhà đầu tư nào chú ý đến việc đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc.

13/06/2016 - 10:20

Dòng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, từ các dự án sản xuất tới nghiên cứu và phát triển, đang ồ ạt chảy vào VN, nhưng dường như không có nhà đầu tư nào chú ý đến việc đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc.

“Riêng khu công nghệ cao Hòa Lạc hai năm liên tiếp không thu hút được thêm dự án FDI nào” – Đó là tất cả những gì mà UBND TP Hà Nội nhắc đến khu công nghệ cao Hòa Lạc trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mới gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây.

Yên tĩnh suốt hai năm

KCN cao Láng Hòa Lạc hoang vắng

Nghe thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó lại là sự thật. Mâu thuẫn vì đây là khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước, được Chính phủ đầu tư và định hướng thành cái nôi về công nghệ cao ở Miền Bắc, ấy vậy mà lại không hề thu hút được bất cứ một dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao nào trong suốt hai năm qua. Mâu thuẫn khác vì khi VN đang chuyển hướng dần sang thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao đó lại chọn điểm đến là những khu công nghiệp hoặc nằm ngoài khu công nghiệp thay vì vào nơi đã được quy hoạch và chuẩn bị chào đón sẵn như khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Samsung Electronics là một ví dụ. Hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới này khi bắt đầu tìm kiếm một địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động năm 2008 đã chọn Bắc Ninh. Nokia sau đó cũng theo chân Samsung xây một nhà máy sản xuất điện thoại ở Bắc Ninh. Cả hai tập đoàn công nghệ điện tử đó đều không đến khu công nghệ cao Hòa Lạc. Và sau này, dự án thứ hai của Samsung lại được đặt ở Thái Nguyên, còn trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) thì được tập đoàn này thuê hẳn 8 tầng của tòa nhà PVI Tower làm trụ sở chính. Và ngay cả bây giờ, như chúng tôi đã đề cập trong số báo trước, khi Samsung muốn tìm một địa điểm mới để xây dựng một trung tâm R&D lớn ở Hà Nội với tổng vốn đầu tư lên đến 300 triệu USD, thì nhà đầu tư này lại hướng đến khu vực quận Hoàng Mai. Các tập đoàn đa quốc gia khác như Piaggio hay LG Electronics khi phát triển các dự án R&D hoặc sản xuất sản phẩm công nghệ cao cũng đã lựa chọn Vĩnh Phúc và Hải Phòng là điểm đến.

Nếu nhìn lại lịch sử của khu công nghệ cao Hòa Lạc, cũng có thể thấy việc thu hút đầu tư vào đây chưa bao giờ sôi động. Trong suốt 18 năm tồn tại, đã có 69 dự án trong và ngoài nước đăng ký đầu tư vào đây, nhưng chỉ có 32 dự án đang hoạt động. Một con số khá khiêm tốn so với một khu công nghệ cao tầm cỡ quốc gia và cũng đã được đầu tư khá nhiều tiền của vào để phát triển hạ tầng. Đặc biệt, ở đây còn vắng bóng những dự án của các tên tuổi lớn trong làng công nghệ cao thế giới. Giữa năm ngoái Chính phủ cũng đã quyết định rót hơn 400 triệu USD vào để phát triển cơ sở hạ tầng của khu công nghệ cao Hòa Lạc, phần lớn là từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Nhưng ngần đó dường như cũng không đủ tạo thêm sức hấp dẫn nào đối với các nhà đầu tư. Phần lớn diện tích khu công nghệ cao cho đến nay vẫn là những bãi đất trống.

Nếu là vì thiếu một cơ chế đặc thù khiến các nhà đầu tư nước ngoài lãng quên, hoặc không muốn đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc thì chưa hẳn đã đúng.

Do cơ chế hay do gì?

Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, cuối năm ngoái đã giải thích rằng khu công nghệ cao Hòa Lạc không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vì thiếu một cơ chế đặc thù. Cụ thể hơn, toàn bộ các dự án đầu tư vào khu công nghệ cao này vẫn chưa được hưởng bất kỳ một chính sách ưu đãi đầu tư khác biệt nào. Một nguyên nhân nữa được ông Phạm Đại Dương viện dẫn là do khu công nghệ cao nằm trên địa bàn Hà Nội, nhưng ban quản lý lại thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nên dẫn đến sự phối hợp chưa đồng bộ với nhau.

Chính vì thế, Bộ Khoa học và Công nghệ năm ngoái đã soạn thỏa một bản đề xuất với Chính phủ cơ chế đặc thù dành riêng cho khu công nghệ cao Hòa Lạc để tạo sự hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn chưa được thông qua.

Chưa bàn tới nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư nước ngoài lãng quên, hoặc không muốn đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc là gì. Nhưng nếu là vì thiếu một cơ chế đặc thù thì chưa hẳn đã đúng. Vì các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc hay Thái Nguyên đều không có những cơ chế đặc thù đó, nhưng vẫn được các nhà đầu tư lựa chọn cho các dự án công nghệ cao. Còn cùng một cơ chế thu hút như nhau, khu công nghệ cao TP HCM lại đang tỏ ra hấp dẫn hơn rất nhiều.

Tính đến hết năm 2015, đã có 84 dự án đầu tư vào đây với tổng vốn đăng ký trên 5,4 tỷ USD. Tính về số năm tồn tại, khu công nghệ cao TP HCM còn ít hơn khu công nghệ cao Hòa Lạc 5 năm. Đặc biệt, nơi đây đang là “nhà” của rất nhiều dự án công nghệ cao của các tập đoàn đa quốc gia tên tuổi như Samsung, Intel, Jabil, Sonion và Nidec. Cuối năm ngoái, Samsung còn quyết định tăng thêm 600 triệu USD tại đây để nâng tổng vốn đầu tư vào khu công nghệ cao TP HCM lên 2 tỷ USD. Như vậy có thể thấy, cơ chế chưa hẳn là yếu tố quyết định khiến khu công nghệ cao Hòa Lạc đến 2 năm qua vẫn không thu hút thêm được dự án nào. Trong báo cáo gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hà Nội đã nhấn mạnh rằng Hà Nội đang đối diện với những thách thức cạnh tranh thu hút FDI với các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh… những nơi có lợi thế cạnh tranh hấp dẫn hơn về mặt bằng sản xuất sẵn có, giao thông, giá thuê nhân công và cả những tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính. Còn bản thân Hà Nội cho đến thời điểm này vẫn xây dựng cụ thể quy hoạch thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, đối tác, dẫn đến công tác thu hút đầu tư chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Đây là nhận xét nói chung về tình hình thu hút FDI vào Hà Nội nhưng cũng bao gồm cả khu công nghệ cao Hòa Lạc. Có lẽ đã đến lúc cần phải cải tổ công tác thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc một cách triệt để, chứ không chỉ dừng ở việc ra một cơ chế mới, để khu công nghệ cao này không còn bị các nhà đầu tư lãng quên nữa.

Ngọc Diệp (Theo http://enternews.vn)

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 9
  • 8
  • 8
  • 6
  • 3