Thứ bảy, 27/04/2024 | 19:20 - GMT+7

Chiến lược thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới, mang đến cơ hội cũng như thách thức đối với nền kinh tế của các quốc gia.

11/01/2024 - 08:33
Vì vậy, để tiếp cận và bắt nhịp được với cuộc cách mạng này nhiều nước trên thế giới nói chung cũng như một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á nói riêng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã có những chiến lược và chính sách thích ứng và thúc đẩy cuộc cách mạng này.
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng đồng thời sẵn sàng hướng tới quĩ đạo của cuộc CMCN 4.0. Vì vậy, chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp thông minh, thúc đẩy công nghiệp 4.0, tuy nhiên mới chỉ thể hiện phần nào trong một số lĩnh vực riêng biệt mà chưa có mục tiêu cụ thể và chiến lược tổng thể chung của quốc gia, đặc biệt là các biện pháp chiến lược thúc đẩy cuộc cách mạng này.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước đi trước, đặc biệt là các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Bắc Á (có vị trí địa chiến lược gần gũi, có quan hệ mật thiết, có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, đã và đang triển khai khá tốt chiến lược thúc đẩy công nghiệp 4.0) là rất cần thiết. Đó là lý do nhóm nghiên cứu của TS. Võ Hải Thanh tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã thực hiện đề tài: “Chiến lược thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam” từ năm 2019 đến năm 2020.
Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu nghiên cứu, phân tích làm rõ chiến lược thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam.
Nghiên cứu cho thấy Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều rất chủ động, có chiến lược rõ ràng về CMCN 4.0 và khá thành công trong việc xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách thúc đẩy CMCN 4.0, đặc biệt là trong việc phát triển các 22 công nghệ 4.0 như: AI, IoT, Bigdata, mạng 5G, Robot thông minh, máy móc thông minh… cũng như ứng dụng nó trong các ngành và lĩnh vực chủ chốt như: nhà máy thông minh, phương tiện tự hành, thành phố thông minh, chính phủ điện tử (chính phủ số), công nghệ tài chính (Fintech), chăm sóc y tế, giáo dục, nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển (R&D)… và đã đạt được một số kết quả bước đầu ở trong nước và thậm chí còn xuất khẩu vươn ra thế giới và được chuyển giao, ứng dụng, áp dụng ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh những thành công còn có không ít hạn chế thách thức mà các nền kinh tế này cần phải khắc phục và vượt qua như: vấn đề già hóa dân số, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, thiếu hụt nguồn lực lao động công nghệ cao (đặc biệt là các chuyên gia về lĩnh vực công nghệ 4.0), bảo mật thông tin cá nhân, an ninh mạng, văn hóa phong tục tập quán, qui định luật pháp, thể chế, văn hóa quản lý, địa chính trị bất ổn…
Ba nền kinh tế này đều có những nét tương đồng trong chiến lược thúc đẩy CMCN 4.0 đó là: vai trò chủ đạo (lãnh đạo, dẫn dắt) của chính phủ cùng với các bộ ngành, cơ quan liên quan (các trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp…); có tầm nhìn, định hướng, mục tiêu cụ thể rõ ràng ở cả cấp độ vĩ mô (tổng thể quốc gia, nền kinh tế, xã hội) và vi mô (các ngành, lĩnh vực, công nghệ cụ thể); có kế hoạch, lộ trình (thời gian) và ngân sách tài chính rõ ràng để thực hiện; Nhưng cũng có những nét đặc thù riêng như: Nhật Bản thì tập trung vào phát triển các lĩnh vực, công nghệ 4.0 có lợi thế như Robot thông minh, xe tự hành, chắm sóc y tế… nhằm xây dựng một xã hội thông minh (5.0) lấy con người làm trung tâm; Hàn Quốc thì tập trung vào xe hơi tự hành, nhà máy thông minh, máy bay không người lái và thành phố thông minh, đổi mới kỹ thuật số quốc gia, xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số… nhằm thực hiện các kế hoạch liên quan đến cuộc CMCN 4.0 hướng tới người dân hơn, trực quan và dễ gần hơn; Đài Loan thì tập trung vào tối ưu hóa hệ sinh thái chuỗi cung ứng thông minh của 5 ngành hàng đầu là (điện tử và thông tin, vận tải kim loại, máy công cụ, thực phẩm, và dệt may), tập trung vào việc tận dụng IoT để số hóa việc sản xuất thông tin, nâng cao năng lực công nghệ nhằm giúp các công ty nâng cao năng suất nhờ áp dụng công nghệ 4.0, nhằm có được khả năng tự chủ, phát triển các công nghệ quan trọng và thay đổi trò chơi công nghệ.
Do mỗi nước có bối cảnh, nền tảng, môi trường, cơ chế thể chế, xuất phát điểm cũng như điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, sự chủ động sẵn sàng tham gia CMCN 4.0 là khác nhau, nên mỗi nước có cách tiếp cận, thích ứng và thúc đẩy cuộc CMCN 4.0 theo cách riêng, phù hợp với mình và với xu thế chung của thế giới, nhằm giải quyết các vấn đề nội tại của đất nước. Việt Nam mặc dù còn nhiều hạn chế và thách thức nhưng có lợi thế là nước đi sau nên có thể tham khảo một số kinh nghiệm quí báu của các quốc gia và vùng lãnh thổ đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan trong việc hoạch định và thực thi chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 sao cho phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như đặc thù riêng của đất nước.
Nguồn: vista.gov.vn

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 6
  • 3
  • 2
  • 3
  • 3