Chủ nhật, 28/04/2024 | 22:35 - GMT+7

Tạo hành lang pháp lý, cơ chế phát triển blockchain

Xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp là điều kiện cần để thúc đẩy các doanh nghiệp blockchain phát triển nhanh và mạnh mẽ.

04/12/2023 - 08:06
Từ “vết xe đổ” của ngành game
Ông Trần Dinh, Giám đốc điều hành AlphaTrue, ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho biết, thời gian qua, VBA đã có nhiều buổi làm việc với Chính phủ, địa phương, tổ chức và tham gia nhiều hội thảo, tọa đàm… nhằm phổ cập tới chính quyền, người dân với những nội dung blockchain là gì, đem lại lợi ích như thế nào cho nền kinh tế Việt Nam…
Làm như vậy, theo ông Trần Dinh, blockchain là một ngành, một khái niệm rất mới kể cả ở trên thế giới và Việt Nam. Nếu các khái niệm về blockchain không được hiểu đúng và đủ, sẽ dễ dẫn tới việc xây dựng hành lang pháp lý không phù hợp, tạo cái nhìn phiến diện khiến các doanh nghiệp trong ngành khó phát triển.
“Câu chuyện như vậy đã từng xảy ra với doanh nghiệp ngành game Việt Nam. Mặc dù người Việt có thể làm ra những game rất ăn khách, phát triển rất tốt, nhưng lại ít có công ty sản xuất game nào trong nước”, ông Dinh nêu ví dụ.
Nguyên nhân do hành lang chính sách chưa phù hợp, khiến nhiều doanh nghiệp phải “đi đường vòng” bằng cách đăng ký kinh doanh tại các nước khác như Singapore, Australia… rồi mới quay lại thị trường Việt.
Đây là một trường hợp đáng tiếc, bởi theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), có tới khoảng 50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất hiện nay có nguồn gốc từ Việt Nam, cứ 25 game tải trên các kho ứng dụng, thì có 1 game của Việt Nam. Trong 10 studio game hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương và Australia, thì có một nửa đến từ Việt Nam. Tuy nhiên, quy mô giá trị ngành game Việt Nam lại rất nhỏ, chỉ chiếm 0,5% giá trị toàn cầu.
Chính vì vậy, theo ông Trần Dinh, các hoạt động của VBA là rất cần thiết cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành. Bởi thông qua đó, không chỉ giúp tham vấn cho cơ quan nhà nước, mà cũng giúp các doanh nghiệp có hướng phát triển đúng đắn hơn.
“Doanh nghiệp blockchain đang phát triển rất nhanh, với đa dạng ứng dụng trong nông nghiệp, tài chính, bảo mật… Nhưng chỉ nhanh thôi là không đủ, mà doanh nghiệp còn phải đi đúng hướng thì mới bền vững”, ông Dinh nói.
Song, theo ông Nguyễn Khương Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Onyx, doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ tem chống giả, truy xuất nguồn gốc cho biết, hành lang pháp lý, quy định pháp luật sẽ cần thiết hơn đối với doanh nghiệp chuyên về mảng tài chính, crypto, tiền mã hóa…
“Đối với chúng tôi, blockchain chỉ là một công cụ, công nghệ được đưa vào để sử dụng trong các dịch vụ đã có như tem chống giả, vậy nên, việc thiếu các quy định liên quan tới blockchain sẽ không ảnh hưởng nhiều”, ông Tuấn nhận xét.
Pháp lý cần thiết hơn cho doanh nghiệp về tiền mã hóa
Tháng 5/2023, dư luận dậy sóng về vụ cướp 37 tỷ đồng tiền ảo của hai cựu cán bộ công an Nguyễn Quốc Dũng và Nguyễn Anh Tuấn. Theo Hội đồng Xét xử, các bị cáo đã dùng vũ lực ngay tức khắc, uy hiếp, khiến bị hại tê liệt ý chí, để thực hiện hành vi cướp tiền ảo (tiền điện tử) rồi quy đổi sang tiền đồng.
Thuộc đoàn luật sư biện hộ trong vụ án này, luật sư Nguyễn Thị Cẩm Thúy nhận định: “Việt Nam vẫn chưa công nhận tiền điện tử là tiền tệ, phương tiện thanh toán nên vẫn còn rất nhiều lỗ hổng trong vụ án này nói riêng và trên mặt bằng pháp lý nói chung”.
Luật sư Cẩm Thúy cũng nhận định, các vụ án tố tụng, tranh chấp, khiếu nại trong lĩnh vực blockchain, đặc biệt đối với tiền mã hóa, NFT… rất phức tạp, khó giải quyết bởi chưa có đầy đủ các quy định pháp luật cho lĩnh vực này.
Trong khi đó, khi nói về câu chuyện có cần luật cho blockchain hay không, luật sư Đào Tiến Phong, Giám đốc điều hành Hãng Luật Investpush Legal cho biết, phải căn cứ vào mục đích sử dụng của công nghệ blockchain, công nghệ chuỗi khối là gì. Theo đó, blockchain có thể ứng dụng đa dạng trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, logistics… bằng việc truy xuất nguồn gốc, số hóa dữ liệu… Lúc này, blockchain chỉ là công cụ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh, nên không cần xây dựng luật riêng. Tuy nhiên, nếu blockchain tạo ra các dịch vụ mới như tiền mã hóa, NFT, defi (tài chính phi tập trung)… thì sẽ cần có hành lang pháp lý để quản lý các dịch vụ mới này và bảo vệ người dùng. Lúc này, theo luật sư Đào Tiến Phong, sẽ cần luật cho dịch vụ mới phát triển từ công nghệ blockchain, chứ không phải cần luật cho blockchain. 
“Việt Nam chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về lĩnh vực tiền mã hóa, chủ yếu trong phạm vi quản lý hành chính và giao dịch dân sự. Chính vì vậy, giả sử có vi phạm ở lĩnh vực này thì chưa có cơ sở để xử lý ở các góc độ hành chính, thu thuế, tranh chấp dân sự…”, Luật sư Phong nhận định.
Nguồn: baodautu.vn/

Cùng chuyên mục

Cần chính sách đột phá phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

22/04/2024 - 08:40

Theo các chuyên gia, để nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, cần có cơ chế, chính sách đột phá như: Hỗ trợ học phí, các ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo...

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 7
  • 6
  • 7
  • 4
  • 5