Chủ nhật, 08/09/2024 | 01:38 - GMT+7

Thống kê kết quả đạt được của Chương trình Công nghiệp công nghệ cao

Kết quả nổi bật của Chương trình CNC do Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020

02/04/2020 - 10:51
Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đã đạt được một số mục tiêu đề ra và cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều doanh nghiệp/viện/trường thông qua việc triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình đã nâng cao được trình độ KH&CN (với viện/trường và các nhà khoa học là trình độ nghiên cứu KH&CN hiện đại, tiên tiến; với doanh nghiệp là nâng cao năng lực làm chủ công nghệ).
Đặc biệt đối với doanh nghiệp, việc làm chủ, phát triển CNC, áp dụng/ứng dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất đã làm tăng hiệu quả, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi giảm được giá thành khi so sánh với các sản phẩm nhập ngoại, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm tạo ra, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp.
Kết quả nổi bật của Chương trình CNC do Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn trước đó là huy động nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia thực hiện Chương trình tiếp tục có xu hướng gia tăng cả về giá trị tuyệt đối và tỉ lệ tương đối.
Trong giai đoạn 2013-2015 tổng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách của các dự án được phê duyệt đạt khoảng 54.868,5 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 54% tổng nguồn vốn thực hiện. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách của các dự án được phê duyệt (tính cả số kinh phí dự kiến bố trí trong Kế hoạch năm 2019-2020) đạt 756.951 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 83,4% tổng nguồn vốn thực hiện.
Đến thời điểm hiện tại, các nhiệm vụ được nghiệm thu, sản phẩm của các dự án đều mang lại hiệu quả cao về khoa học công nghệ, hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp tham gia thực hiện, hiệu quả xã hội cho cộng đồng cũng như tạo tiền đề để tổ chức chủ trì tiếp tục phát triển công nghệ nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao.
Có thể kể đến một số kết quả tiêu biểu như:
Dự án "Hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị hệ thống thu thập, lưu trữ hình ảnh DICOM hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến Video và phần mềm bảo mật, khai thác cơ sở dữ liệu hình ảnh DICOM phục vụ chuẩn đoán bệnh"  do Công ty cổ phần công nghệ thông minh Ưu Việt chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2015-2017. Nhóm thực hiện dự án chế tạo thành công hệ thống hội chẩn video nhằm phục vụ việc hội chẩn trực tuyến các trường hợp siêu âm, X-quang, CT, MRI, DSA. Ưu điểm của hệ thống hội chẩn video là “tạo ra một phòng họp trực tuyến” từ phòng siêu âm, chụp X-quang, chụp CT, phòng mổ,..., giúp các bác sĩ giao tiếp từ khoảng cách rất xa qua mạng internet. Từ đó, các bác sĩ cùng nắm bắt được tình trạng của bệnh nhân, cùng trao đổi và thống nhất đưa ra được phương hướng điều trị thích hợp nhất. Hệ thống hội chẩn video còn được tích hợp với hệ thống PACS, giúp việc số hóa các hình ảnh X Quang, CT, MRI, siêu âm trở nên dễ dàng hơn. Sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 85%, nên giá thành giảm xuống còn khoảng chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập ngoại. Hệ thống PACS được kết hợp với giải pháp bảo mật cao, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế (ISO 12052:2006), đảm bảo khả năng lưu trữ dữ liệu ảnh lâu dài hay luân chuyển dữ liệu qua kênh bảo mật riêng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các bệnh viện xây dựng bệnh án điện tử.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh Ưu Việt đã chính thức chuyển giao và đào tạo cách thức vận hành hệ thống cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế và kỹ thuật tại nhiều bệnh viện tiêu biểu như Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Trung tâm Medic Hòa Hảo, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh Nghệ An, Phòng khám Victoria và Phòng khám BMS. Nhờ việc số hóa dữ liệu hình ảnh, các bác sĩ tại các bệnh viện có thể linh hoạt xem được các hình ảnh DICOM qua giao diện website hay thậm chí trên các thiết bị di động. Nhờ đó, các bệnh viện sẽ không phải in ra các phim như truyền thống, từ đó hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Theo ước tính, chi phí nhập nguyên vật liệu để in, rửa phim và bảo quản tại 38 bệnh viện tham gia đề án lên tới 10 tỷ (ngoại tệ quy đổi)/năm/bệnh viện. Năm 2018, việc thương mại hóa sản phẩm đã đem lại cho Công ty 25 tỷ đồng. Ước tính, với số lượng hơn 1.000 bệnh viện và cơ sở y tế tại Việt Nam, nhu cầu khám chữa bệnh từ xa và kết nối liên thông dữ liệu chẩn đoán hình ảnh giữa các bệnh viện là rất lớn. Do đó, Công ty ước tính, doanh thu từ hai hệ thống trên có thể lên tới 100 tỷ đồng trong 5 năm tới, tăng trưởng 80%/năm, đóng góp 90% tổng doanh thu của Công ty. Sản phẩm của Dự án cũng đã giành Giải thưởng đội chiến thắng trong cuộc thi của Slush GIA Việt Nam tại Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp HATCH! FAIR năm 2017.
Dự án “Ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang” do Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện (POSTEF) chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2017-2019. Với sự hỗ trợ kinh phí của ngân sách nhà nước từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ tham gia Chương trình cho hoạt động nghiên cứu, làm chủ công nghệ cao được chuyển giao từ đối tác nước ngoài, Nhà máy sản xuất sợi quang của POSTEF có diện tích gần 5ha đặt tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh đã chính thức được khánh thành vào ngày 15/8/2019. Nhà máy với công suất thiết kế 3,2 triệu km sợi quang/năm, được trang bị thiết bị hiện đại, tự động hóa và công nghệ cao thế hệ mới nhất trên thế giới. Dây chuyền sản xuất chính (tháp kéo sợi) do NEXTROM (Phần Lan) cung cấp là tháp kéo sợi quang cao nhất tính đến thời điểm này, với tốc độ 3.000m sợi/phút. Các thiết bị kiểm tra chất lượng, đo lường sản phẩm của PK (Mỹ). Phôi đầu vào và công nghệ sản xuất sợi quang được SUMITOMO (Nhật Bản) chuyển giao, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế của IEC và ITU. Dự án không chỉ giúp POSTEF đa dạng hóa sản phẩm, có thêm sản phẩm lõi, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh, phát triển POSTEF theo chiều sâu để có thể tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, mà còn đạt được mục tiêu chủ động nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất cáp quang cho Tập đoàn VNPT, thay thế hàng nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, góp phần đảm bảo hạ tầng an ninh thông tin cho Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Dự án “Nghiên cứu sản xuất chip sinh học trên nền công nghệ DNA microarray để chẩn đoán một số bệnh ở người” do Công ty TNHH MTV Nhà máy Công nghệ sinh học và Thiết bị y tế - BIMEDTECH chủ trì thực hiện. Đây là dự án tiên phong tại Việt Nam và trong khu vực trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm chip công nghệ cao phục vụ ngành Y tế. Công ty đã phối hợp với các đơn vị đầu ngành như Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương và Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai tiến hành khảo sát các đột biến gen đã biết có trong các chip sinh học do quốc tế sản xuất và một số đột biến gen mới và/hoặc đặc trưng ở người và tác nhân gây bệnh tại Việt Nam có liên quan đến các bệnh: tan máu bẩm sinh (Thalassemia), 17 chủng vi khuẩn không lao (NTM) và kháng Clopidogrel ở bệnh nhân can thiệp tim mạch. Cùng với đó, BIMEDTECH đã tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống phòng sạch và các trang thiết bị, máy móc tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới trong nhà máy tại Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. BIMEDTECH đã ký kết hợp tác với các công ty công nghệ cao tại Mỹ, Châu Âu để tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất DNA và Protein Microarray, nền tảng để phát triển các sản phẩm phục vụ chẩn đoán một số bệnh lý ở người. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chương trình, đội ngũ BIMEDTECH đã tiến hành phát triển 3 sản phẩm: (1) BIMEDCHIP® Thalassemia Detection kit; (2) BIMEDCHIP® Non-tuberculous Mycobacteria panel kit và (3) BIMEDCHIP® Cardiovascular Drug PGx testing kit. Trong đó, sản phẩm BIMEDCHIP® Thalassemia Detection Kit phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) đang trong giai đoạn cuối cùng hoàn thiện hồ sơ để lưu hành sản phẩm thương mại. Bệnh Thalassemia là nhóm bệnh thiếu máu di truyền lặn. Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc bệnh thalassemia cao trên thế giới: khoảng 3% dân số mang gen bệnh thalassemia, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 0,5-1% đối với người dân tộc Kinh, tăng cao 10-25% ở một số dân tộc miền núi. Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh Thalassemia giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh thalassemia.
Dự án "Phát triển dịch vụ ứng dụng công nghệ GPS trong quản lý, giám sát, điều phối và tối ưu hóa kế hoạch sử dụng phương tiện" do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chủ trì thực hiện, dự án đã được nghiệm thu và xếp loại "Xuất sắc". Các sản phẩm của dự án đã được đơn vị chủ trì và nhóm tác giả trực tiếp chuyển giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh đầu tư, thương mại hóa sản phẩm cho 14 hãng taxi triển khai ứng dụng trên 5000 xe trong 12 tháng. Hiệu quả của dự án đã được thể hiện trên các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế, xã hội: với vốn đầu tư đối ứng của doanh nghiệp tham gia dự án khoảng 9,6 tỷ đồng, doanh nghiệp đã có thể hoàn vốn trong 01 năm. Các sản phẩm công nghệ cao của dự án cũng góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải trong nước trong dịch vụ taxi truyền thống với dịch vụ vận tải công nghệ Uber, Grab. Những kết quả của dự án còn tạo cơ sở phát triển các dịch vụ ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực logistics và vận tải.
Dự án "Hoàn thiện dây chuyền sản xuất và nâng cao chất lượng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) phục vụ bảo quản nông sản, thực phẩm" do Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Dịch vụ Thương mại Lạc Trung chủ trì thực hiện, dự án đang trong giai đoạn nghiệm thu cấp nhà nước. Theo báo cáo và kết quả nghiệm thu cấp cơ sở, sản phẩm của dự án đã đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN12-1:2011/BYT, được đăng ký nhãn hiệu Green MAP và chất lượng tương đương với sản phẩm MAP-CE44 của Viện công nghệ thực phẩm Hàn Quốc với chỉ tiêu về thời gian bảo quản tăng gấp 4 lần so với các sản phẩm bao gói nông sản, thực phẩm thông thường đạt khoảng 30 ngày. Dự án cũng đã xây dựng được 05 mô hình với quy trình bảo quản sau thu hoạch, trong đó "Quy trình bảo quản quả vải bằng màng bao gói khí quyển biến đổi" đã được chấp nhận đơn hồ sơ đăng ký độc quyền sáng chế. Đơn vị chủ trì cũng đã tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm tại nhiều hội trợ về thiết bị công nghệ và hội trợ triển lãm nông nghiệp công nghệ cao. Dự án đã thương mại hóa được khoảng 50 tấn sản phẩm cho trên 10 doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị thương phẩm các sản phẩm rau quả của Việt Nam.
Vụ Khoa học và công nghệ

Cùng chuyên mục

Thống kê kết quả đạt được của Chương trình Công nghiệp công nghệ cao

02/04/2020 - 10:51

Kết quả nổi bật của Chương trình CNC do Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 5
  • 5
  • 7
  • 2
  • 3
  • 9
  • 1