Thứ bảy, 20/04/2024 | 10:00 - GMT+7

Chuyển đổi số doanh nghiệp: Bắt đầu từ tư duy

Chưa bao giờ câu chuyện về chuyển đổi số được nhắc đến nhiều như hiện nay. Và chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) là chuyển dần hoạt động trên các nền tảng số với chi phí hợp lý, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số lĩnh vực kinh tế ở Bình Phước. Theo các DN, muốn chuyển đổi số thành công thì yếu tố quyết định vẫn là con người. Bởi, chuyển đổi số không đơn thuần là công nghệ mà còn là tư duy, phải làm sao cho lãnh đạo DN và nhân viên chủ động hơn khi thực hiện

23/03/2023 - 14:58
Chủ động chuyển đổi số
DN sản xuất hạt điều Hoàng Long (thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp) là một trong những cơ sở áp dụng máy móc trong dây chuyền sản xuất nhân điều. Từ khâu tách nhân, bóc vỏ lụa đến phân loại, dây chuyền sản xuất của DN đã tiết kiệm được hàng chục lao động so với trước. Với dây chuyền này, 10 lao động có thể làm ra hơn 20 tấn sản phẩm/ngày, trong khi làm thủ công cần đến hơn 100 lao động. Việc đưa máy móc vào vận hành được xem là giải pháp tối ưu, giúp DN giảm chi phí sản xuất. Ông Bùi Văn Tân, DN sản xuất hạt điều Hoàng Long chia sẻ: “Sản xuất, kinh doanh thời điểm này buộc phải đầu tư máy móc, nếu không có máy móc hiện đại thì mình sẽ đi sau. Gia đình tôi đã đầu tư máy móc 5 năm trước, hiện ngày càng phát triển mạnh và đến bây giờ đã tương đối hoàn thiện, kể cả những khâu sơ chế đầu tiên đến khâu chế biến”.

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH LEOCH BATTERY (Việt Nam), Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước, huyện Chơn Thành trong giờ làm việc - Ảnh: Trương Hiện
Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Phước là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của tỉnh. Trong ảnh: Ông Huỳnh Văn Lâm, Tổng giám đốc công ty trao đổi với phóng viên về những lợi ích mà hệ thống quản lý GIS mang lại - Ảnh: Như Nam
Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, chị Dương Ngọc Quyên, Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại - sản xuất Dương Hòa Phát, huyện Chơn Thành, có thể xử lý tốt nhiều việc ở bất cứ thời gian nào. Với quy mô sản xuất hàng ngàn mét khối ván lạng/năm nhưng công ty chỉ sử dụng khoảng 70 lao động. Xác định phải thay đổi phương thức quản lý, không còn “cầm tay chỉ việc”, công ty đã nâng cao hiệu suất làm việc bằng cách đầu tư máy móc, cũng như các phần mềm quản lý công việc. Chị Quyên cho biết: “Bất cứ ở đâu, tôi cũng có thể giải quyết, bao quát hết công việc, khâu nào cảm thấy chưa được sẽ phát hiện ra ngay, mình không phải mất công đi ra kho, xuống dưới bãi như trước. Thực hiện chuyển đổi số sẽ rất tiện cho khâu quản lý, đỡ mất thời gian”.
Tăng cạnh tranh, giảm chi phí đầu tư
Theo các DN, việc đầu tư máy móc thay thế sức lao động; tham gia thương mại điện tử mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng và đối tác gần xa hay đầu tư các phần mềm quản lý bài bản, khoa học… là chuyển đổi số. Và một khi chuyển đổi số theo hướng lấy con người là trung tâm, là chủ thể của quá trình hoạt động thì mọi quyết định về điều hành sẽ mang lại lợi ích cho DN, là bước đột phá trong chuyển đổi của hoạt động kinh tế. Anh Vũ Mạnh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hạt Điều Vàng, huyện Phú Riềng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số quan trọng nhất đó là thay đổi về tư duy và nhận thức của DN. Chuyển đổi số giúp DN tinh gọn bộ máy và giúp người lãnh đạo quản lý khoa học, hiệu quả hơn, cũng như việc sản xuất, điều hành, tổ chức có những thông số chuẩn”.

Với dây chuyền sản xuất bằng máy móc, ông Bùi Văn Tân đã tiết kiệm nhiều công lao động và chi phí sản xuất. Ảnh: Trương Hiện
Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực, là giải pháp nhằm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Phước đã đưa vào sử dụng hệ thống quản lý theo công nghệ GIS, phần mềm quản lý tài sản mạng lưới cấp nước. Chỉ cần nhấp chuột, màn hình hiện ra với đầy đủ thông tin, giúp công tác quản lý, tra cứu nhanh chóng mà không mất nhiều thời gian, công sức như trước. “Toàn bộ tài sản của công ty đầu tư đều quản lý được hết. Bên cạnh đó, việc khảo sát, phát triển, mở rộng, đáp ứng nhu cầu khách hàng rất nhanh. Ví dụ, trước đây chưa đưa công nghệ GIS vào quản lý, để khảo sát được đồng hồ nước của 1 hộ dân thì mất thời gian cả tháng, rồi tốn rất nhiều công sức tới lui để xác định vị trí. Thế nhưng từ ngày áp dụng công nghệ GIS thì thời gian còn lại tối đa 7 ngày và khách hàng không nhất thiết phải lên công ty” - ông Huỳnh Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Phước cho biết.
Theo ngành thông tin và truyền thông, để thúc đẩy chuyển đổi số trong DN, điều cần thiết là người đứng đầu phải nhận thức một cách đầy đủ chứ không đơn thuần chỉ là công nghệ thông tin, đó là tư duy về công tác quản trị. Bởi chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích, trước hết là với DN.
Ngoài các DN, đơn vị nhà nước, Bình Phước hiện có khoảng 9.000 DN và hàng ngàn cơ sở, hộ kinh doanh. Trong xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin cũng như các giao dịch điện tử hiện nay, việc chuyển đổi số trở nên cấp thiết, mang lại lợi ích hiện hữu cho DN.
Định hướng về kinh tế số nói riêng đã có, vấn đề còn lại là triển khai hiệu quả vào các hoạt động thực tế, để những mục tiêu, lợi ích mà chuyển đổi số mang lại lan tỏa sâu trong trong tất cả lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; đồng thời giúp cộng đồng DN tăng “sức đề kháng”, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiến gần hơn với toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Báo Bình Phước

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 9
  • 1
  • 6
  • 6
  • 6