Thứ bảy, 20/04/2024 | 18:21 - GMT+7

Thu hút nguồn lực đầu tư cho các khu công nghệ cao: Kinh nghiệm từ một số quốc gia châu Á

Bài viết chia sẻ kinh nghiệm thu hút nguồn vốn đầu tư vào khu CNC ở một số quốc gia châu Á, từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư trong phát triển các khu CNC tại Việt Nam.

31/05/2023 - 14:14
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc thành lập các khu công nghệ cao (CNC) là một trong những giải pháp quan trọng để tạo sự phát triển đột phá cho nền kinh tế. Để xây dựng và phát triển thành công một khu CNC phải hội tụ đủ các yếu tố như: cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống các trường đại học và viện nghiên cứu hỗ trợ, chính sách ưu đãi…, đặc biệt là phải thu hút được nguồn vốn đầu tư. Bài viết chia sẻ kinh nghiệm thu hút nguồn vốn đầu tư vào khu CNC ở một số quốc gia châu Á, từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư trong phát triển các khu CNC tại Việt Nam.
CNC là những công nghệ cho phép sản xuất với năng suất, chất lượng cao…, nghĩa là có thể mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn từ cùng một nguồn vốn và lao động. Bản thân CNC đã bao hàm “3 cao” là hiệu quả cao, giá trị gia tăng cao và độ thâm nhập cao. CNC còn có khả năng mở rộng phạm vi, hiệu quả của các loại hình công nghệ khác nhờ tích hợp các thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) tiên tiến. Theo Luật CNC đã được Quốc hội phê duyệt ngày 13/11/2008 thì khu CNC là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng CNC; ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC; đào tạo nhân lực CNC; sản xuất và kinh doanh sản phẩm CNC, cung ứng dịch vụ CNC... [1].
Mô hình của các khu CNC trên thế giới rất đa dạng, tuỳ thuộc loại hình sở hữu, nhiệm vụ, chức năng và lịch sử hoạt động… Phần lớn các khu CNC trên thế giới đều nhận được sự tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ nhà nước. Ở Mỹ, có đến 80% khu CNC được chính phủ hoặc các trường đại học tài trợ. Tương tự, ở châu Âu, có đến 85% các khu CNC nhận được tài trợ từ ngân sách chính phủ; hay tại khu vực Đông Nam Á, chính phủ thường là người đứng ra cung cấp cơ sở hạ tầng cho các khu CNC.
Nguồn vốn nhà nước có những vai trò khác nhau tùy thuộc vào chu kỳ phát triển của mỗi khu CNC, tuy nhiên thường đóng vai trò áp đảo trong giai đoạn đầu do giai đoạn này đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn chậm và chứa đựng nhiều rủi ro. Trong những giai đoạn tiếp theo, khi các hoạt động nghiên cứu đã đi vào ổn định, các thành quả nghiên cứu được khẳng định, khu vực tư nhân sẽ tham gia đầu tư nhiều hơn, khi đó ngân sách nhà nướcndành cho khu CNC sẽ giảm dần.
Nguồn vốn bên ngoài được huy động và sử dụng có hiệu quả sẽ làm tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập và tạo tích lũy nội bộ cho nền kinh tế. Trong các nguồn vốn bên ngoài thì FDI đóng vai trò hết sức quan trọng, do có nhiều ưu điểm là góp phần cải thiện cán cân thanh toán, thúc đẩy doanh nghiệp nội địa đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ nguồn nhân lực và ít để lại rủi ro [2, 3].
Kinh nghiệm của một số quốc gia
Khu CNC Tân Trúc - Đài Loan (Trung Quốc)
Khu CNC Tân Trúc được thành lập năm 1980, có diện tích 743 ha với mục tiêu thu hút đầu tư vào các công ty CNC và hỗ trợ phát triển công nghiệp CNC. Có thể khẳng định, sự đầu tư của nhà nước đóng vai trò quyết định trong việc thành lập và phát triển Khu CNC Tân Trúc. Trong giai đoạn hình thành, Nhà nước Trung Quốc tiến hành hàng loạt hoạt động đầu tư với vốn “gây mầm” nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng cho thuê, nhà ở cho chuyên gia, trường học, khu giải trí... Chi phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng được chính quyền Đài Loan tài trợ với tỷ trọng khá lớn thông qua các ưu đãi như: cung cấp vốn cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo điều kiện tài chính thuận lợi cho các công ty phát triển các sản phẩm công nghiệp chiến lược, miễn toàn bộ thuế cho các chi phí phục vụ hoạt động R&D và thực hiện chính sách khấu hao nhanh đối với các thiết bị nghiên cứu. Trong hơn 30 năm hỗ trợ xây dựng và phát triển của Khu CNC Tân Trúc, chính quyền Đài Loan đã chi 2,8 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, để tăng cường cho sự phát triển, chính quyền Đài Loan đã thành lập Cục Quản lý Khu CNC để quản lý và hỗ trợ các công ty hoạt động đúng mục tiêu và định hướng đã đề ra; đồng thời ban hành điều lệ, các tiêu chuẩn gia nhập Khu CNC, các chính sách khuyến khích về tài chính, nguồn nhân lực và môi trường cho phát triển công nghệ… Có một đặc thù rất riêng của Đài Loan là các viện nghiên cứu có chế độ ưu đãi ban đầu cho cán bộ giỏi từ nước ngoài về làm việc bằng cách tặng họ một số cổ phiếu của những công ty công nghệ [1, 4].
Khu CNC Thâm Quyến (Trung Quốc)
Khu CNC Thâm Quyến được thành lập năm 1980, là một trung tâm công nghệ hàng đầu, được truyền thông gọi là thung lũng Silicon của Trung Quốc. Nhiều yếu tố đã góp phần vào sự thành công của Khu CNC này, một trong số đó là nhờ tận dụng được nguồn vốn trong và ngoài nước.
Các kinh nghiệm trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở Thâm Quyến được coi là nổi bật gồm:
Một là, áp dụng chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng… ở mức cao nhất mà Chính phủ cho phép. Chẳng hạn, các doanh nghiệp FDI hoạt động trong khu sẽ được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10-15% (so với quy định 30% đối với doanh nghiệp bên ngoài). Việc Đặc khu kinh tế Thâm Quyến được Chính phủ trao quyền tự chủ trong việc giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư… đã góp phần tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư FDI. Một chính sách ấn tượng của chính quyền Đặc khu kinh tế này là không thu hồi đất của người dân, mà cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất nên nhiều dự án đầu tư ít gặp khó khăn trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.
Hai là, phối hợp thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư đa đạng và hiệu quả như: xây dựng website phục vụ công tác xúc tiến FDI với 3 ngôn ngữ Hoa, Anh, Nhật; ra mắt sách “Hướng dẫn đầu tư vào Thâm Quyến”; xây dựng phim quảng bá về các lợi thế, ưu đãi đầu tư, một số điển hình FDI thành công… Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả thu hút FDI, chính quyền Đặc khu kinh tế Thâm Quyến còn thành lập văn phòng đại diện về xúc tiến FDI tại Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Thâm Quyến được ví như “thung lũng Silicon của Trung Quốc”.
Ba là, khuyến khích Hoa kiều có kỹ năng và trình độ cao trở về nước làm việc; đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động R&D của tổ chức nước ngoài tại Trung Quốc nhằm tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý của các nước phương Tây [5].
Khu CNC Daedeok Innopolis (Hàn Quốc)
Khu CNC Daedeok Innopolis được thành lập như là một trung tâm R&D vào năm 1974 và là một cột mốc đặc biệt quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế của Hàn Quốc.
Năm 2009, Chính phủ Hàn Quốc đã dành một tỷ trọng rất lớn ngân sách R&D quốc gia để tài trợ cho 29 viện nghiên cứu nhà nước tại Khu CNC Daedeok (chiếm đến 31,9% ngân sách R&D của Chính phủ, tương đương 10,4% chi phí R&D toàn quốc). Nhiệm vụ phân bổ ngân sách nhà nước đối với Khu CNC Daedeok cũng thay đổi tùy theo giai đoạn phát triển, gồm:
Trong giai đoạn thứ nhất (thành phố khoa học, 1973-1989), với nỗ lực xây dựng Daedeok thành trung tâm R&D cho các viện nghiên cứu của Chính phủ, Hàn Quốc đã di chuyển các cơ sở R&D nhà nước vào Daedeok. Nhiệm vụ chính của ngân sách nhà nước là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động R&D.
Khu CNC Daedeok - Hàn Quốc.
Trong giai đoạn thứ hai (Technopolis, 1990-2004), các tổ hợp công nghiệp được xây dựng với sự trợ giúp ngân sách từ Chính phủ để thực hiện các dự án phát triển kinh tế khu vực dựa vào đổi mới và công nghệ. Ngoài tài trợ cho hoạt động nghiên cứu, ngân sách nhà nước cũng được sử dụng để hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư khai thác công nghệ.
Trong giai đoạn thứ ba (Innovation cluster, 2005 - nay), Nhà nước tăng cường hỗ trợ phát triển và thương mại hóa các công nghệ tiên tiến nhằm phát triển các dự án công nghiệp chiến lược, mặc dù doanh số từ việc thương mại hóa các sản phẩm được sản xuất trên cơ sở công nghệ đều được phát triển tại Daedeok.
Mặt khác, Khu CNC Daedeok ưu tiên đối tượng khách hàng là các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu sớm lấp đầy khu công nghiệp và thu hồi chi phí đầu tư. Để thu hút vốn đầu tư, Hàn Quốc đã đưa ra các chính sách đặc biệt như: ban hành Đạo luật đặc biệt về bồi dưỡng Daedeok Innopolist, cắt giảm thuế thu nhập và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, tài trợ tiền vốn…[6, 7].
Khu CNC Công viên Khoa học (Thái Lan)
Thái Lan đang trong quá trình công nghiệp hóa dựa trên quan điểm phát triển KH&CN là động lực cho phát triển kinh tế. Do đó, quốc gia này đã có cách tiếp cận rất cụ thể để khai thác mọi lợi thế trong phát triển các khu CNC. Về quy hoạch, Thái Lan quy hoạch phát triển 5 khu CNC ở các vùng khác nhau nhằm khai thác lợi thế về hạ tầng, thông tin, nguồn nguyên liệu… Về chính sách phát triển, thu hút nguồn vốn đầu tư vào khu CNC, Thái Lan rất coi trọng tiến độ triển khai các nội dung theo từng nhiệm vụ đặt ra, gồm: quy hoạch hệ thống hạ tầng đồng bộ, đảm bảo những tiện ích tối ưu phục vụ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư; quyết liệt triển khai giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ quan chuyên trách để toàn quyền xử lý mọi việc khi phát sinh; đồng bộ hóa các cơ chế, chính sách nhằm cho phép các doanh nghiệp chủ động thu hút, ưu đãi nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường kết nối các cơ sở R&D của kinh tế tư nhân với các viện nghiên cứu, trường đại học. Do đầu tư ngân sách cho KH&CN còn hạn chế (chỉ chiếm 0,25% GDP/năm) nên Thái Lan đã hướng tới việc thu hút nguồn lực từ bên ngoài vào các khu CNC với những cơ chế, chính sách thể hiện tính ưu việt so với các nước ASEAN, kết hợp giữa cơ chế chung và các cơ chế riêng đối với mỗi quốc gia đối tác. Một vài chính sách nổi bật như: giảm 25% giá xây dựng hạ tầng, giảm giá điện, nước; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm đầu và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo, giảm toàn bộ thuế cho hoạt động R&D…[8].
Đề xuất cho Việt nam
Việt Nam hiện đang có 3 khu CNC quốc gia đã được thành lập và đang trong giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển, gồm: Khu CNC Hòa Lạc, Khu CNC TP Hồ Chí Minh và Khu CNC Đà Nẵng.Tính đến năm 2021, 3 khu CNC trên đã đạt được một số kết quả nổi bật: đã thu hút được 286 dự án đầu tư, trong đó có khoảng 1/4 là các dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là hơn 13 tỷ USD. Khách hàng đầu tư của các khu CNC là nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế như Intel, Samsung, Nidec, Hanwha, FPT, Vingroup… Nhìn chung, hoạt động thu hút đầu tư CNC đạt kết quả tốt về lượng và chất, đây là nền tảng đảm bảo sản lượng sản phẩm CNC tăng nhanh hàm lượng R&D trong cơ cấu giá trị sản phẩm, có tính cạnh tranh toàn cầu và bền vững qua các năm [9]. Tuy nhiên, ngoài những thành tựu cơ bản, 3 khu CNC này được đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển chưa được như kỳ vọng gồm: hệ thống văn bản pháp lý về khu CNC vẫn chưa hoàn thiện, các văn bản hiện tại có nhiều điểm không còn phù hợp và không theo kịp với thực tiễn phát triển khu CNC hiện nay (nhiều quy định tại Nghị định số 99/2003/ NĐ-CP ngày 28/8/2003 về việc ban hành quy chế khu CNC đã hết hạn do có các văn pháp pháp luật chuyên ngành thay thế; các chính sách ưu đãi vào khu CNC được quy định tản mát trong các văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau về đầu tư, xây dựng, thuế, đất đai…[10, 11].
Có thể nhận thấy, thành công của một khu CNC phụ thuộc rất nhiều vào việc thu hút nguồn lực đầu tư để duy trì và phát triển. Điều đó sẽ quyết định cơ cấu tổ chức, tính ổn định, xu hướng phát triển, dịch vụ phát triển… Do đó, để thu hút nguồn vốn đầu tư vào các khu CNC, một số gợi ý
có thể tham khảo như sau:
Thu hút, kêu gọi vốn đầu tư trong nước
Hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động của các khu CNC theo hướng tăng cường sự tương tác giữa Ban quản lý các khu CNC, cơ quan nhà nước (trung ương và địa phương), các cơ sở nghiên cứu (trường đại học và viện nghiên cứu) và các doanh nghiệp; làm rõ vai trò của từng nhóm chủ thể này trong mô hình hoạt động và phát triển các khu CNC.
Đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn chu kỳ đầu tư tại các khu CNC như: phối hợp xây dựng các chương trình nghiên cứu, thu hút và phát triển nguồn nhân lực KH&CN, đầu tư và vận hành các phòng thí nghiệm trọng điểm, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động R&D cho các khu CNC quốc gia. Thống kê hiệu quả sử dụng ngân sách cho hoạt động của các khu CNC để làm căn cứ cho hoạt động phân bổ ngân sách này. Bên cạnh đó, ưu tiên các dự án nghiên cứu trên cơ sở phối hợp giữa các cơ sở nghiên cứu và các doanh nghiệp nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa trong phát triển KH&CN của Đảng và Nhà nước.
Thu hút, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài
Thực tế cho thấy, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như thủ tục hành chính phức tạp, thủ tục hải quan, thuế quan, các chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nước ngoài còn thiếu nhất quán. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt lao động có tay nghề cao, hạ tầng kho bãi, thông tin cho nhà đầu tư cũng khiến các công ty nước ngoài e ngại khi tham gia vào thị trường Việt Nam. Do đó, để thu hút nguồn vốn nước ngoài nói chung và FDI nói riêng trong phát triển các khu CNC cần quan tâm những vấn đề sau: i) Cần phải ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh của các nhà đầu tư (rất nhiều quốc gia coi đây là công cụ quan trọng để cạnh tranh với các quốc gia khác trong việc thu hút nguồn vốn FDI); ii)
Hình thành chiến lược thu hút đầu tư đúng đắn thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng cáo hình ảnh… với những nội dung rõ ràng, chính xác được nêu ra trong chiến lược (thông tin đưa ra cần rõ ràng, cụ thể, chi tiết, đúng cam kết và có sự tập trung, tránh dàn trải); iii) Nghiên cứu triển khai một số cơ chế, chính sách mở, linh hoạt hơn để tạo sự khác biệt, hấp dẫn nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư (thực hiện cơ chế 1 cửa, ban hành cơ chế tuyển dụng lao động đặc thù hay ưu tiên quy định về giấy phép lao động rút gọn nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật...); iv) Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc thù đối với một số dự án “chủ lực” nhằm tạo động lực lan tỏa thu hút các dự án FDI khác (có những chương trình ưu tiên cho từng nhóm ngành trong mỗi giai đoạn phát triển bên cạnh các ưu đãi sẵn có); v) Có chính sách thu hút nhân tài, lao động trình độ cao làm việc tại các khu CNC làm cầu nối thúc đẩy, thu hút nguồn vốn FDI phát triển tại Việt Nam (ban hành cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cho cán bộ quản lý và chuyên gia làm việc trong khu CNC hoạt động KH&CN, đặc biệt là chế độ trả lương thỏa đáng, xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý...)?
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Nguyễn Minh Ngọc (2015), “Khu CNC và đổi mới mô hình tăng trưởng: kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt
Nam”, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, 12, tr.85-91.
[2] PGS.TS Nguyễn Bích Đạt (2006), Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[3] Vũ Diệu Ngân (2014), Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Khu CNC Đà Nẵng, Luận văn thạc sĩ Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
[4] C.P. Chen, C.F. Chien, C.T. Lai (2013), “Cluster policies and industry development in the Hsinchu Science Park: a retrospective review after 30 years”, Innovation: Management, Policy and Practice, 15(4), pp.416-436.
[5] Yeung, Yue-man, Joanna Lee, Gordon Kee (2009), “China’s special economic zones at 30”, Eurasian Geography and Economics, 50(2), pp.222-240.
[6] J. Seo (2013), “Creating startups through technology transfer in science technology park: a case study of Daedeok Innopolis”, World Technopolis
Review, 2, pp.21-31.
[7] D.S. Oh, I. Yeom (2012), “Daedeok Innopolis in Korea: from science park to innovation cluster”, World Technopolis Review, 1(2), pp.141-154.
[8] United Nations Conference on Trade and Development (2015), Science, Technology and Innovation Policy Review in Thai Lan.
[9] Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc (2021), Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, most.gov.vn/vn/tin-tuc/19337/ban-quan-ly-khucong-nghe-cao-hoa-lac--tong-ket-congtac-nam-2020-va-trien-khai-nhiem-vunam-2021.aspx.
[10] Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 8/6/2015 phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNC đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
[11] Nguyễn Minh Ngọc (2016), “Kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất phân bổ ngân sách cho các khu CNC quốc gia trong thời gian tới”, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, 227, tr.82-88.
Nguyễn Quốc Đạt1, Trần Vũ Tuấn Phan1, Nguyễn Quốc Hùng1, Nguyễn Xuân Hòa1, Nguyễn Mạnh Kiêm2
1Trung tâm Dịch vụ Khoa học và Công nghệ, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN
2Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh 
(Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 7, năm 2022)

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 9
  • 4
  • 4
  • 9
  • 5