Thứ bảy, 20/04/2024 | 01:21 - GMT+7

Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao

Tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, coi đây là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

24/04/2023 - 13:50
Tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, coi đây là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngay từ khi tái lập tỉnh, chủ trương CNH, HĐH của tỉnh được cụ thể bằng định hướng phát triển công nghiệp theo phương thức khôi phục, đẩy mạnh phát triển làng nghề, đưa sản xuất tiểu thủ công nghiệp ra khỏi khu dân cư; tạo lập hạ tầng thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; cụm công nghiệp và làng nghề tranh thủ phát triển trước, tạo đà, tạo hình ảnh để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp. Từ năm 2020 định hướng đến năm 2030, phát triển CNHT hướng vào công nghệ cao. Trong đó, chú trọng phát triển nhanh số các doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ và bước đầu tham gia cải tiến, thiết kế triển khai chi tiết linh kiện, sản phẩm…
Đến nay, công nghiệp Bắc Ninh thu được những kết quả đáng mừng, tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội tốc độ cao, kinh tế chuyển hẳn sang công nghiệp, tỷ trọng 76,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được hình thành và phát triển khá nhanh, nhất là từ khi dự án của Công ty Samsung thực hiện (năm 2008). Hết năm 2012, Bắc Ninh có 126 doanh nghiệp CNHT, đóng góp 14,6% giá trị sản xuất công nghiệp; đến năm 2016 có 430 doanh nghiệp CNHT, tạo ra khoảng 29% giá trị sản xuất công nghiệp, trong đó có 162 doanh nghiệp trong ngành điện, điện tử, toàn tỉnh có gần 600 doanh nghiệp CNHT hoạt động trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí chế tạo.... đang tham gia vào chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao (CNC) và sản xuất sản phẩm CNC, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp và số doanh nghiệp trong nước tham gia ít. Một mặt, do năng lực tài chính yếu, trình độ quản lý thấp; mặt khác, khả năng tiếp nhận, ứng dụng và nghiên cứu phát triển CNC của người lao động còn hạn chế.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất linh kiện điện tử tại các doanh nghiệp FDI .
Để thúc đẩy CNHT các ngành công nghệ cao, tỉnh tiếp tục tìm những giải pháp đột phá về thể chế, môi trường kinh doanh nhằm phát huy tốt hơn nền tảng hiện có; rà soát quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị gắn với phát triển thương mại, dịch vụ; quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường cụm công nghiệp, làng nghề. Đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, ưu tiên, phân bố các dự án ở 3 ngành trọng điểm theo hướng mỗi khu công nghiệp ít nhất có 2 - 3 dự án quy mô đầu tư vốn lớn, doanh nghiệp có thương hiệu cao để tạo sức lan tỏa và thu hút các doanh nghiệp vệ tinh. Trong lĩnh vực điện tử, cơ khí chủ yếu thu hút đầu tư các dự án FDI; lĩnh vực chế biến nông sản, đồ uống, thực phẩm tập trung vào dự án vốn đầu tư trực tiếp trong nước…
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam làm CNHT thông qua Chương trình khuyến công, chương trình phát triển CNHT, hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo tuyển dụng lao động, tuyên truyền nội dung cải tiến doanh nghiệp để tham gia hội nhập. Cử chuyên gia trợ giúp đánh giá doanh nghiệp để xác định nội dung cải tiến doanh nghiệp, trước hết lấy các tiêu chuẩn của Samsung làm tiêu chuẩn cơ bản và hỗ trợ cho hoạt động cải tiến. Thành lập Hiệp hội CNHT tỉnh nhằm tăng cường liên kết, giới thiệu và kết nối các doanh nghiệp để hợp tác, trở thành nhà cung cấp của nhau. Giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp của tỉnh thực hiện theo Chương trình khuyến công hàng năm và thực hiện các chương trình kết nối doanh nghiệp…
Theo ông Phạm Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đến nay công nghiệp tỉnh đã tạo sức bật cho phát triển kinh tế -xã hội với tốc độ cao, tỷ trọng công nghiệp chiếm 76,5%. Tuy nhiên, chọn ngành công nghiệp gì, phát triển ra sao, tham gia vào phân khúc nào của thị trường trong nước cũng như khu vực vẫn là những vấn đề cần phải làm rõ. Theo đó, cần tạo đột phá phát triển CNHT một cách thiết thực, hiệu quả, có định hướng và phân công theo quy hoạch vùng; xác định các bước đi và tiếp cận công nghệ hợp lý cho từng ngành; khuyến khích và giúp đỡ doanh nghiệp Việt tham gia phát triển theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động hiệu quả,…
Cùng quan điểm này, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh hình thành các ngành Công nghiệp CNC có giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu lớn. Ngành Khoa học và Công Thương của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO, Q-Base, HACCP, SA...) trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp các doanh nghiệp từng bước tham gia cạnh tranh và hội nhập kinh tế…
Theo: Báo Bắc Ninh

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 8
  • 8
  • 7
  • 3
  • 8