Thứ ba, 16/04/2024 | 19:15 - GMT+7

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số (CĐS), các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Vũng Tàu đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số để cải tiến, hiện đại hóa các quy trình tác nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

07/04/2023 - 14:56
Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số (CĐS), các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Vũng Tàu đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số để cải tiến, hiện đại hóa các quy trình tác nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Theo kết quả được công bố bởi Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính và thực hiện các chỉ tiêu chuyển đổi số được Trung ương giao, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đẩy mạnh thực hiện tất cả các nhiệm vụ, ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, tính đến hết năm 2022, tỉnh đã hoàn thành 13/30 chỉ tiêu và 28/53 nhiệm vụ. Trong đó, ở lĩnh vực chuyển đổi số, tỉnh đã thực hiện xử lý thành công 53,6% hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến; triển khai hệ thống thông tin báo cáo LRIS đến 20 sở; thực hiện chế độ báo cáo kinh tế-xã hội định kỳ hàng tháng, quý, năm; 100% hồ sơ phát sinh mới được số hóa; 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử; 70,3% hộ nông dân sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 21,32% người dân có định danh điện tử…
 Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Mép giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cho doanh nghiệp (Ảnh: dangcongsan.vn/)
Đối với việc thực hiện “Đề án đô thị thông minh”, tỉnh đã triển khai tổng cộng 12 nội dung nhiệm vụ, trong đó có 04 nội dung triển khai bằng nguồn vốn sự nghiệp, đưa vào dự toán kinh phí thường xuyên hàng năm và 08 dự án đầu tư công. Đồng thời, địa phương còn hoàn thành nhiệm vụ Xây dựng Kiến trúc công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) phát triển đô thị thông minh tỉnh và đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh; triển khai dự án “xây dựng hệ thống quản lý điều hành đô thị thông minh TP. Vũng Tàu”; dự án xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích thông minh phục vụ quản lý, đảm bảo an ninh trật tự đã được tổ chức thẩm định lần đầu. Tại các đơn vị, một số sở, ngành đã đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án do đơn vị mình làm chủ đầu tư…
Từ các kết quả đạt được của năm 2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2023 đưa địa phương vào top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ CĐS. Cụ thể, có 30% tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số; 50% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; 50% doanh nghiệp có tên miền .vn; 20% tỷ lệ người dân có định danh điện tử; 90% tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 80% tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công tỉnh; mở rộng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến đến 100% xã, phường, thị trấn; 100% tỷ lệ xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử (hoặc chuyên mục riêng); việc xây dựng Kho dữ liệu số của tỉnh và thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực: giao thông, y tế, giáo dục, viễn thông, truyền hình, điện, nước…
Để đạt được các mục tiêu trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nhanh chóng đưa ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp của cơ quan nhà nước; ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các Chương trình, Chiến lược của Quốc gia về CĐS. Đồng thời bám sát với người dân, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các chính sách, kế hoạch phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh, đưa mỗi người dân trở thành một chủ thể trong chiến lược số hóa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quang Ngọc

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 5
  • 4
  • 9
  • 9
  • 2