Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:48 - GMT+7

Phát triển công nghiệp điện tử: Chiến lược nào cho Việt Nam?

Việt Nam đang đứng trước cơ hội có thể gọi là “trăm năm có một” để có thể phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu của các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông.

30/03/2023 - 16:08
Tại sao phải ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử?
Sau hơn 35 năm thực hiện chính sách đổi mới đã đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế không bền vững, có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm và có nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nội lực nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp, chậm được cải thiện; năng lực độc lập, tự chủ thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp; cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển đổi chậm, chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành khai khoáng, gia công, lắp ráp giản đơn có thâm dụng lao động cao; chưa phát triển được các ngành công nghiệp nền tảng đóng vai trò dẫn dắt, có khả năng cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.    
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiêp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo, và đặt mục tiêu đến năm 2030 các ngành này đạt trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác. Đây cũng là con đường mà các quốc gia Đông Á trước đây đã đi qua trong quá trình công nghiệp hóa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc.   
Với quy mô dân số hơn 90 triệu dân, thu nhập đầu người không ngừng được cải thiện tạo ra một thị trường nội địa có quy mô đủ lớn và hấp dẫn để Việt Nam có thể linh hoạt lựa chọn chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp. (Ảnh minh họa: Hoàng Mẫn)
Sở dĩ các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc dẫn dắt sự chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp của một quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa là vì nó sở hữu những đặc trưng kinh tế quan trọng, gồm: (1) có cầu gia tăng khi thu nhập thực tế bình quân đầu người tăng, (2) có tiềm năng cải thiện năng suất lao động cao, (3) có tác động lan tỏa cao đối với các ngành kinh tế khác. Đây cũng là những tiêu chí kinh tế khách quan để lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xác định ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao cần tập trung ưu tiên phát triển.     
Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 xác định các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử là các ngành được ưu tiên xem xét, lựa chọn các sản phẩm để đầu tư, phát triển.
Cơ hội nào cho công nghiệp điện tử Việt Nam?
Việt Nam đang đứng trước cơ hội có thể gọi là “trăm năm có một” để có thể phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu của các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông.
Thứ nhất, yêu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chiến tranh Nga – Ukraina và tác động của đại dịch Covid-19, với những lợi thế về địa chính trị, sự ổn định của kinh tế vĩ mô, độ mở của nền kinh tế lớn đã biến Việt Nam thành một điểm đến tiềm năng, là cứ điểm sản xuất lý tưởng cho các tập đoàn đa quốc gia, giúp mở ra các cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông.      
Thứ hai, với quy mô dân số hơn 90 triệu dân, thu nhập đầu người không ngừng được cải thiện tạo ra một thị trường nội địa có quy mô đủ lớn và hấp dẫn để Việt Nam có thể linh hoạt lựa chọn chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp trên cơ sở khai thác đồng thời thị trường trong và ngoài nước nhằm thực hiện thành công chiến lược “Make in Vietnam[1]” với trọng tâm là tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông trong nước có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước, hướng đến gia tăng tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp trong nước trong cơ cấu xuất khẩu ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông.  
Thứ ba, với dân số trẻ đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, Việt Nam có tiềm năng để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông. Cùng với đó là sự trưởng thành của thế hệ doanh nhân thứ hai được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, được thừa hưởng các điều kiện thuận lợi về vốn, kinh nghiệm, quan hệ để có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư sang các lĩnh vực, ngành nghề dựa trên công nghệ, tri thức mà công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông là điển hình. Đồng thời, với lực lượng chuyên gia, nhà khoa học người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là tại thung lũng Silicon, Hoa kỳ là nguồn lực có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông giai đoạn đến.           
Chiến lược nào cho phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam?
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 đặt mục tiêu đến năm 2030 các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử sẽ đạt trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác. Ngày 03 tháng 9 năm 2020 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW theo đó giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đổi thành Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông). 
Từ đây đến năm 2030 chỉ còn 8 năm và để hiện thực được mục tiêu trên đòi hỏi Việt Nam phải có cách tiếp cận có tính đột phá, khai thác tối đa lợi thế của nước đi sau; phát triển đồng bộ hệ thống các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp trong nước; đi trực tiếp vào khâu nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam trên cơ sở khai thác hiệu quả lực lượng chuyên gia, nhà khoa học là người Việt ở các nước có nền công nghiệp tiên tiến, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học đang sinh sống tại thung lũng Silicon, California, Hoa kỳ[2] để khắc phục khiếm khuyết về kinh nghiệm, công nghệ qua đó cho phép Việt Nam đi nhanh hơn, nhanh chóng bắt kịp các nước tiên tiến.

 Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với Công ty SYNOPSYS về đào tạo nhận lực thiết kế vi mạch và phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Trong thời gian qua, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) đã hình thành một nhóm chuyên gia bao gồm các doanh nhân, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để bàn[3], tham gia ý kiến về cách tiếp cận có tính đột phá, khả thi cho Việt Nam để có thể thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số số 23-NQ/TW về phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử - viễn thông và vi mạch bán dẫn. Bước đầu nhóm đề xuất một cách tiếp cận gắn với các đột phá chiến lược cụ thể như sau:
Về nguồn nhân lực, kết hợp nguồn lực của Nhà nước và tư nhân, trong đó nguồn lực của tư nhân là cơ bản, quyết định để thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở các nước có nền công nghiệp tiên tiến, đặc biệt là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại thung lũng Silicon, Hoa kỳ về nước tham gia xây dựng và phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia trực tiếp vào khâu nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các sản phẩm đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế và do đó có khả năng thâm nhập và cạnh tranh trên thị trường khu vực và toàn cầu. Các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài là tác nhân quan trọng, đột phá giúp kết nối với các khách hàng, đối tác tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt giúp tăng cường và đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm vào trong nước. Đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có vai trò quan trọng, đột phá trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, nhất là trong giai đoạn đầu, tuy nhiên nguồn nhân lực trong nước, đặc biệt là lực lược doanh nhân, chuyên gia, nhà khoa học trong nước là cơ bản, lâu dài, quyết định. Do vậy, đồng thời với việc thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, Việt Nam cần có những giải pháp hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong nước trên cơ sở liên kết và khai thác tối đa năng lực của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài như mời đội ngũ này tham gia các chương trình, đề án, dự án nghiên cứu trọng điểm, quan trọng cấp quốc gia, tham gia tham gia giảng dạy, hướng dẫn học viên, sinh viên thực hiện các đề tài, dự án về thiết kế sản phẩm điện tử. Nhà nước cần mở mới và mở rộng quy mô đào tạo sau đại học, đại học các ngành, lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; đầu tư nâng cao năng lực các viện nghiên cứu hiện hữu và hình thành các viện nghiên cứu chuyên ngành công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông và các ngành có liên quan. Để nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cần kết hợp đồng thời các chính sách đẩy của nhà nước thông qua các chương trình, đề án, dự án vể phát triển nguồn nhân lực và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và triển khai và thiết chế các cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh phù hợp với cơ chế thị trường cho thị trường trong nước để tạo tạo ra lực kéo cho hoạt động đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, triển khai và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước.                       
Về hạ tầng kỹ thuật, để thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông có năng lực đi thẳng vào nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị lớn[4]  có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, bên cạnh việc thu hút và phát triển nguồn nhân lực có khả năng thiết kế các sản phẩm đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam cần khuyến khích các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là những nhà đầu tư tiên phong, có khát vọng, tinh thần vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc đầu tư xây dựng các nhà máy cung ứng dịch vụ sản xuất điện tử có khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm với loạt nhỏ trong các lĩnh vực điện tử tiêu dùng, viễn thông, y tế, công nghiệp ô tô và an ninh, quốc phòng[5] (sau đây gọi tắt là HMLV-EMS) đạt trình độ quốc tế do các chuyên gia người Việt ở nước ngoài tham gia thiết kế, quản lý, vận hành, ít nhất là cho giai đoạn đầu để tiếp thu, chuyển giao công nghệ, tri thức về nghiên cứu, thiết kế và sản xuất vào trong nước, trước hết là tại Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước. HMLV-EMS có khả năng cung cấp các dịch vụ của nhà cung ứng thiết bị gốc (Original Equipment Manufacturer (OEM)) và nhà thiết kế thiết bị gốc (Original Design Manufacturer (ODM)) là cơ sở hạ tầng thiết yếu để có thể tạo ra sự phát triển đột phá đối với các hệ sinh thái các ngành công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông. Cụ thể, HMLV-EMS sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp: (1) Tư vấn thiết kế các sản phẩm đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế, (2) Sản xuất thử nghiệm ở trình độ quốc tế với chi phí thấp, (3) Kết nối, tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, (4) Hỗ trợ thông tin và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, (5) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là nhân lực có khả năng nghiên cứu, phát triển sản phẩm. HMLV-EMS cũng là công cụ phục vụ mục tiêu thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào các sản phẩm, công đoạn có giá trị gia tăng cao.               
Về thể chế, xây dựng các cơ chế, chính sách thống nhất, đồng bộ hướng đến kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh phù hợp với cơ chế thị trường cho phép Việt Nam thực hiện có hiệu quả chiến lược “nội địa hóa với cạnh tranh quốc tế[6]”, tức phát triển các sản phẩm dựa trên thị trường trong nước nhưng hướng đến phục vụ thị trường toàn cầu, qua đó khai thác hiệu quả đồng thời thị trường trong nước và thị trường các nước mà Việt Nam có quan hệ thương mại tự do song phương, đa phương. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông phải đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường, tuân thủ các điều khoản cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế qua đó giúp hình thành và phát triển hệ thống các doanh nghiệp mạnh trong nước. Đầu tư của nhà nước để phát triển các ngành công nghiệp này đóng vai trò hỗ trợ, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia dựa trên nguyên tắc cạnh tranh và hiệu quả tập trung chủ yếu cho tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ và đặt hàng mua sắm công.
Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật phát triển công nghiệp (do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo), Luật phát triển công nghiệp công nghệ số (do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo), đồng thời xây dựng và ban hành các quy hoạch không gian phát triển và chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông. Quy hoạch không gian phát triển các ngành nền tảng này phải phù hợp với thế mạnh, đặc thù của từng địa phương, từng vùng. Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò, vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước, là trung tâm giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước phải tiên phong đi thẳng vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị toàn cầu các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông, dẫn dắt việc thực hiện chiến lược “Make in Vietnam 2045” mà Nghị quyết số ngày 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra./.
[1] Nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam
[2] Có khoảng 500.000 người Việt đang sống và làm việc tại thung lũng Silicon, trong đó trên 10%, tương đương 50.000 người là kỹ sư đã và đang làm việc tại các công ty công nghệ cao như Apple, Intel, IBM, Sun Microsystems, Cisco…   
[3] Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Thành phồ Hồ Chí Minh, trong năm 2022 Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) đã khởi động nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp điện tử và công nghiệp vi mạch bán dẫn, cụ thể:
 (1)  Ký kết hợp tác đào tạo nhân lực với Tập đoàn Synopsys, theo đó Công ty Synopsys tài trợ 30 phần mềm thiết kế vi mạch trong 3 năm (trị giá hàng chục triệu USD) và hỗ trợ Khu Công nghệ cao Thành phố thành lập Trung tâm thiết kế vi mạch (https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/tao-dieu-kien-phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-tai-viet-nam-618240.html).
 (2)  Thành lập Phòng thiết kế vi mạch trực thuộc Trung tâm thiết kế vi mạch (https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/ra-mat-trung-tam-thiet-ke-vi-mach-tai-khu-cong-nghe-cao-tp-ho-chi-minh-622596.html)
 (3)  Phối hợp với Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin – Bộ thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo về cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn (https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nang-cao-vi-tri-cua-viet-nam-trong-chuoi-gia-tri-cong-nghiep-vi-mach-ban-dan-the-gioi-1491900495)
 (4)  Phối hợp với Hội doanh nhân trẻ tổ chức Tọa đàm về phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam (https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/phat-trien-cong-nghiep-dien-tu-co-hoi-va-chien-luoc-nao-cho-viet-nam-627916.html)
 [4] High-end products
[5] High-mixed, Low volume Electronics Manufacturing Services (EMS) factory
[6] Localization with international competitiveness
Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh
(Nguồn: https://dangcongsan.vn/)

Cùng chuyên mục

Bổ sung 4 nền tảng số quốc gia phục vụ Chuyển đổi số Việt Nam

28/02/2024 - 08:32

Theo danh mục nền tảng số quốc gia lần 2 được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành để thay thế cho danh mục công bố lần 1, có 4 nền tảng được bổ sung gồm: Hóa đơn điện tử, Bảo hiểm Xã hội số, Cảng biển số và Cửa khẩu số. Với 4 nền tảng được bổ sung, tổng số danh mục nền tảng số quốc gia phục vụ Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số gồm 38 nền tảng.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 1
  • 4
  • 6
  • 9
  • 2